- Phát hiện bà Tâm đang phơi tiêu tại nhà bố mẹ chồng, bà đại biểu HĐND huyện liền đưa một “đội quân hùng hậu” đến khống chế bốc hàng lên xe nhằm xiết nợ.
Hơn hai tấn tiêu “bốc hơi”
Ngày 25/1/2013, qua sự môi giới của bà Đinh Thị Thu Tâm (trú tại thôn 2 xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, Gia Lai), bà Trần Thị Nhung trú tại thị trấn Đăk Đoa đã đầu tư vốn, mua hơn 2 tấn tiêu khô của 4 hộ dân tại huyện Mang Yang (Gia Lai).
Sáng ngày 26/1, bà Nhung nhờ bà Tâm thuê ô tô vận chuyển số lượng hàng mua được về phơi tại nhà ông Huỳnh Hóa – bố chồng của bà Tâm, tại thôn 2 xã Tân Bình.
Đến chiều cùng ngày, khi bà Tâm đang đóng bao số hàng trên để đưa về kho của bà Nhung thì bị khoảng 10 người lạ do bà Hà Thị Gái, chủ doanh nghiệp Gái Thành (đóng tại thị trấn Đăk Đoa), đại biểu HĐND huyện Đăk Đoa ngang nhiên đánh xe ô tô đến, xông vào khống chế bốc tiêu đưa lên xe.
Trụ sở doanh nghiệp của bà đại biểu HĐND huyện Hà Thị Gái |
Bức xúc trước sự việc ngang ngược của bà Gái, bà Tâm đã phải dùng dao kháng cự quyết liệt, sau đó gọi gọi điện báo cho chủ tiêu là bà Nhung, đồng thời báo công an xã Tân Bình đến can thiệp.
Do yếu thế hơn, bà Nhung đã nhờ công an xã áp tải số hàng của mình bị bà đại biểu HĐND huyện tranh chấp về trụ sở công an huyện Đăk Đoa để chờ giải quyết.
Vì sự có mặt của công an, bà Gái đành chấp nhận đưa hàng lên xe ô tô (BKS: 81M - 0437) do chính bà đưa đến để vận chuyển về trụ sở công an huyện.
Tại đây, bà Nhung có nhờ công an lập biên bản tạm giữ để chờ giải quyết. Tuy nhiên, công an huyện chỉ tiếp nhận xe hàng nhưng từ chối lập biên bản?
Thắc mắc, bà Nhung đã gặp ông Hoàng Đình Hòa, Trưởng công an huyện Đăk Đoa để hỏi rõ thì bị ông Hòa từ chối với lý do: đây là việc của tòa án, công an huyện không giải quyết việc này?
Vì sợ tiêu của mình bị mưa ướt, ngày 5/2, bà Nhung có đơn xin được chở hàng về kho để tiện bảo quản. Tuy nhiên, khi vừa đến nơi, bà lại phát hiện hơn 2 tấn tiêu của mình đã bị…“bốc hơi” tại trụ sở công an?
Thắc mắc của bà Nhung về số tiêu đi đâu về đâu được một vị lãnh đạo công an huyện trả lời: “Đang ở kho của thi hành án?”.
Khi đến hỏi ông Nguyễn Văn Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Đăk Đoa, thì được ông Hậu trả lời: “Chi cục Thi hành án không giữ số tiêu này?”.
Ông Hậu cho biết thêm, sáng ngày 5/2, bà Gái có đến nhờ Chi cục Thi hành án giám sát việc bà cho người bốc số tiêu tại trụ sở công an huyện lên xe để đưa về kho bảo quản.
“Thi hành án huyện chỉ đến chứng kiến chứ không liên quan đến vụ việc. Việc công an huyện có lập biên bản để bà đại biểu HĐND huyện chở hàng đi hay không, chúng tôi cũng không hay biết?” – lời ông Hậu.
Khi chúng tôi đến doanh nghiệp tư nhân Gái Thành để tìm hiểu vấn đề, thì bị bà đại biểu HĐND “phán” một câu đầy tính hăm dọa: “Báo chí phải viết cho cẩn thận! Tôi cũng không phải vừa đâu!”.
Bà Gái từ chối làm việc với chúng tôi với lý do: “Tôi đang bận. Hẹn hôm khác”.
Bà đại biểu HĐND được tiếp tay?
Được biết, nguyên nhân dẫn đến sự tranh chấp số hàng trên là do năm 2006, bà Tâm có nợ của bà Gái 17 tấn cà phê nhân.
Đến năm 2008, sự việc đã được đưa ra tòa án huyện Đăk Đoa giải quyết. Bà Tâm đã nợ của bà Gái tổng số tiền là 362 triệu đồng.
Hơn hai tấn tiêu trị giá gần 300 triệu đồng bốc hơi tại trụ sở công an huyện (ảnh minh họa) |
Theo bà Tâm, qua nhiều lần chi trả, đến nay, bà chỉ còn nợ của bà Gái số tiền là 89 triệu đồng. Vì nhầm tưởng số tiêu trên là của bà Tâm nên bà Gái đã đưa người đến khống chế xiết nợ.
Ngày 20/2, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch huyện Đăk Đoa cho biết: “Lãnh đạo huyện đã yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra vụ việc và trả lại tiêu cho người chủ. Nếu có tranh chấp thì hướng dẫn các bên liên quan đưa ra tòa án giải quyết. Theo công an huyện báo cáo với tôi thì số tiêu đã được trả lại cho chủ (bà Trần Thị Nhung)”.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, bà Nhung vẫn chưa nhận lại được số hàng trên theo như lời báo cáo của công an với chủ tịch huyện!?
Ngày 21/2, theo chỉ đạo của UBND huyện Đăk Đoa, Chi cục Thi hành án đã tổ chức gặp mặt các bên liên quan để làm rõ nguồn gốc số tiêu đang tranh chấp.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Chi cục trưởng cho biết: “Các chứng từ cung cấp cho thấy, số tiêu trên không phải là của bà Tâm. Do vậy không thể tổ chức thi hành án đối với bà Tâm. Phía công an huyện cũng xác nhận việc hai bên tranh chấp có chở tiêu lên trụ sở công an nhờ giữ hộ. Hôm bà Gái chở tiêu từ trụ sở công an huyện đi gửi, dù có công an làm việc tại trụ sở nhưng không một ai chứng kiến và cũng không hề có một biên bản nào được lập (?)”.
Ông Hậu còn cho biết thêm: “Số tiêu tranh chấp được bà Gái đưa đến gửi ở kho Sơn Oanh tại thôn 2 xã An Phú, TP Pleiku. Hiện giờ số tiêu còn hay mất cũng không ai biết!”.
Như vậy, việc làm của công an huyện Đăk Đoa xung quanh việc xử lý vụ “cưỡng chế nhầm” 2 tấn tiêu của dân khiến cho dư luận càng thắc mắc, phải chăng cơ quan này đã “nương tay” cho hành vi đòi nợ trái pháp luật của bà đại biểu HĐND huyện (!?)
Tiến Thành