Bà mẹ trẻ có cách chi tiêu tưởng như không thể này chính là Nguyễn V. Hà, 26 tuổi. Hiện vợ chồng Hà và con trai đầu lòng (7 tháng tuổi) đang sống hạnh phúc cùng bố mẹ chồng tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội.
Người mẹ trẻ này tâm sự: “Nuôi con, ai cũng kêu trời vì tốn kém. Nhưng thật sự, vợ chồng mình nuôi con chẳng hề tốn kém gì. Thậm chí trong 6 tháng đầu, mình nuôi con không tốn bất cứ một đồng nào. Nói ra nhiều người có thể không tin, nhưng thật sự là vậy. Mình chỉ mất thời gian chăm sóc con thôi”.
Theo chị Hà kể, vợ chồng chị đều là công nhân lao động phổ thông ở các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Đông. Vì thế, lương của 2 vợ chồng cộng lại mỗi tháng cũng được khoảng hơn 7 triệu. Tuy nhiên, vì cả 2 đều đi làm gần (cách nhà 1-2km), nên không tốn kém.
“Sinh con và nuôi con trong 6 tháng đầu, toàn bộ số tiền bảo hiểm sinh đẻ, cộng với tiền lương của chồng hầu như mình không sờ đến vì không có việc gì phải chi tiêu. Mỗi tháng, mình đóng 2 triệu tiền ăn cho bố mẹ chồng + hơn 500 ngàn tiền điện nước. Số tiền còn lại vợ chồng mình tiết kiệm để dành lúc con ốm đau. Cũng may, trộm vía cháu rất ngoan và chưa phải đi bác sĩ lần nào” - chị Hà cười nói.
Sau đây là chia sẻ cụ thể các khoản nuôi con từ 0-6 tháng tuổi của chị Hà:
Vì có rất nhiều sữa mẹ nên chị Hà không mất tiền mua sữa cho con. (Ảnh minh họa) |
- Tiền sữa: 0 đồng
Nhiều bà mẹ trẻ khác tuy có sữa mẹ nhưng vẫn cho con ăn thêm sữa công thức. Tuy nhiên, từ khi sinh con ra, chị Hà đã có sữa về rất nhiều. Thậm chí đến nay con đã 7 tháng, chị đã đi làm trở lại nhưng vẫn tràn trề sữa mẹ.
Con chị vẫn bú mẹ thoải mái mà không cần ăn thêm sữa ngoài. Đặc biệt, sữa của chị khá tốt, con lại hấp thụ được nên con trai chị dù uống hoàn toàn sữa mẹ vẫn rất bụ bẫm.
- Tiền tiêm phòng: 0 đồng
Ngày đầu khi con sinh ở bệnh viện tỉnh Hà Đông, ngay khi sinh xong ở viện, con đã được tiêm mũi phòng viêm gan B đầu tiên. Sau đó về nhà, ngày 25 hàng tháng là ngày tiêm chủng trên trạm y tế phường thì chị Hà mang con đến đó tiêm mũi phòng lao.
Cũng từ đây, y tá của trạm y tế đã phát cho chị 1 quyển sổ tiêm chủng. Trong đó có tất cả các mũi tiêm mà bé phải tiêm. Vì thế, chị Hà chỉ việc đúng ngày đúng tháng như trong sổ, mang con lên trên trạm xá tiêm theo hướng dẫn. Quang trọng nhất là giữ sổ tiêm phòng cho con cẩn thận. Do đó, tiền tiêm phòng chị cũng không mất một đồng nào.
- Tiền bỉm: 0 đồng
Nhiều chị em có con nhỏ thường rất tốn kém với việc mua bỉm hàng tuần, hàng tháng cho con. Còn chị Hà tuy nuôi con nhỏ lại không tốn kém một khoản tiền bỉm nào.
Chị Hà cho biết, khi con còn trong tháng, chị đã cho con mặc quần. Chị thường lấy chiếc tã xô to gập làm 4-5 lần và lót mông, làm bỉm cho con. Khi chiếc tã này ướt, chị sẽ bỏ vào chậu để giặt rũ và phơi khô cho con. Một ngày, chị dùng hết khoảng mười mấy chiếc tã xô cho việc này.
Chị bảo dùng khăn xô thay bỉm cho con tuy hơi bất tiện và vất vả một chút nhưng cái lợi được nhất là chị hoàn toàn yên tâm vì như vậy rất an toàn cho làn da non nớt của con. Vùng kín của con cũng rất sạch sẽ, thoáng mát, không bị phát ban ngứa ngáy.
Khi con tròn 1 tháng tuổi, chị bắt đầu xi tè cho con. Cứ thế, con tập thành một phản xạ. Và khoảng 2 tháng trở đi, chị không còn phải lót tã xô thay bỉm nữa vì cứ khi con ngủ dậy hoặc canh giờ, chị lại xi con tè. Hiếm khi con chị tè dầm ra quần nữa.
- Tiền quần áo: 0 đồng
Khi mang thai, chị Hà đã mua sắm lắt nhắt quần áo sơ sinh cho con để con đủ mặc 2-3 tháng đầu. Sau đó, chị định mua tiếp một đợt quần áo nữa cho con để con mặc từ 3-7 tháng. Nhưng rồi, chị được chị gái cũng có con nhỏ hơn bé nhà chị 6-7 tháng tuổi cho nhiều quần áo sơ sinh. Vì được cho nhiều quần áo, lại toàn quần áo vẫn mới, chị lựa nhặt những quần áo vừa vặn cho con mặc trước.
Chị định mua thêm 2-3 bộ quần áo đẹp cho con mặc đi chơi thì cũng được bạn bè, người thân mua tặng. Vậy là chị từ bỏ luôn ý định mua vì con vẫn đủ mặc, thậm chí mặc còn không hết.
- Tiền đồ chơi: 0 đồng
Vì nhà chị gái có con lớn hơn vài tháng tuổi nên những đồ chơi con chị chán chơi, bé nhà chị Hà lại được "thừa hưởng". Con cũng hay được cô (em chồng chị) mua cho nhiều đồ chơi nên bố mẹ hầu như không phải bỏ tiền khoản này.
Hơn nữa chị cũng nghĩ, không nên mua nhiều đồ chơi cho con vì con chơi nhiều sẽ chán hoặc hỏng. Lúc ấy con không chơi nữa cũng thấy rất phí phạm.
- Tiền sữa tắm, dầu gội đầu: 0 đồng
Từ khi con trai còn trong tháng đến nay, chị vẫn thường tận dụng những loại lá và quả trong vườn nhà để tắm cho con. Khi thì chị tắm cho con bằng chanh, lúc lại dùng mướp đắng... Nói chung, chị cứ có gì tắm nấy, chủ yếu tận dụng cây lá ngay trong vườn nhà. Ngoài ra, hàng ngày, khi lau rửa cho con, chị vẫn dùng nước ấm vệ sinh hốc mắt hốc mũi và khuôn mặt. Con chị vẫn rất sạch sẽ mà không bị đau mắt.
Khi con 7 tháng tuổi, chị Hà cũng phải chi tiêu một số khoản cho con nhưng cũng không đáng là bao. (Ảnh minh họa) |
- Tiền đi chơi: 0 đồng
Do con còn nhỏ nên chị Hà vẫn tránh đưa con tới các nơi đông người như siêu thị hay trung tâm vui chơi. Hàng tuần, vì nhà bà ngoại cách đó chỉ 5 phút đi xe máy nên chị cho con sang bà ngoại chơi. Sang nhà bà ngoại, mọi sinh hoạt hàng ngày của con chị vẫn không thay đổi. Chưa kể khi về, mẹ con chị còn được ông bà và các bác cho rất nhiều đồ ăn ngon.
Những khoản nuôi con dự kiến sẽ phát sinh từ 7 tháng:
Tới hôm nay, con đã gần 7 tháng và chị Hà đã đi làm trở lại. Lúc này, con trai đã được bà nội tập tành cho ăn dặm thêm bên ngoài. Tuy nhiên, số tiền mua bột + sữa ăn dặm cho con hiện cũng không đáng là bao.
- Bột ăn dặm: 45 ngàn đồng
Vì nghĩ người Việt dùng hàng Việt, con lại hấp thụ khá tốt nên chị Hà không phải suy nghĩ nhiều về việc cho con ăn bột ăn dặm nào. Hiện chị Hà đang cho con ăn bột ăn dặm gạo sữa có giá 45.000 đồng/hộp 200g. Sau khoảng hơn 1 tháng cho con ăn bột này, chị Hà đang có dự định cho con ăn cháo rây nhuyễn để con hay ăn chóng lớn.
- Sữa bột: 76 ngàn đồng
Ban đầu chị Hà dự định cho con bú mẹ hoàn toàn đến 1 tuổi nhưng vì nhiều người e ngại sợ con không phát triển toàn diện vì thiếu chất nên chị Hà cũng nghe theo và bắt đầu cho con uống thêm sữa ngoài khi con 7 tháng tuổi. Tuy nhiên, khoản này cũng không hề tốn kém vì sữa ngoài chỉ là ăn thêm, mẹ vẫn còn nhiều sữa đủ để cho con bú. Khi đi làm, chị vẫn vắt sữa để ở nhà cho con ăn.
(Theo Trí Thức Trẻ)