Từ ngày 1/1/2024, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc. Trước đó, bà Lan là Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM.

Chia sẻ với báo chí trong ngày nhận nhiệm vụ, bà Lan đánh giá tình hình ATTP của TP.HCM có nhiều khởi sắc trong những năm qua nhưng chưa phải là tốt nhất, còn rất nhiều việc cần làm. Khi nâng từ ban lên thành Sở ATTP TP.HCM áp lực sẽ giúp tôi luyện đội ngũ nhân sự, ngày càng hoàn thiện và chủ động hơn trong công việc.

Cũng theo bà Lan, trước khi hoạt động với tư cách Sở ATTP, bà và các nhân sự của ban bị vướng rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Bà dẫn chứng một khó khăn chưa có hướng giải quyết là công tác lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tươi sống. Theo đó, khi lấy mẫu, có hai khả năng là vi phạm hoặc không vi phạm, nhưng phải có kết quả kiểm nghiệm mới biết.

Sau khi lấy mẫu, nếu không ngăn lô hàng thực phẩm tươi sống lại mà tiếp tục để bán ra thị trường, việc kiểm nghiệm không còn ý nghĩa. Nếu ngăn lô hàng lại mà kết quả cho thấy không có vi phạm, cơ quan ATTP cũng không biết lấy gì để "đền" cho doanh nghiệp.  

Một khó khăn khác là về pháp lý. "Người ta không hỏi phạt đúng hay không mà hỏi chúng tôi có tư cách xử phạt hay không", bà Lan chia sẻ. Với vai trò mới, Sở ATTP sẽ khắc phục được khó khăn này.

pham-khanh-phong-lan-ok.jpg
Bà Phạm Khánh Phong Lan trong ngành công bố thành lập Sở ATTP TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Bà Lan khẳng định hiện tại, cơ quan này có đầy đủ cơ sở pháp lý, tăng cường lực lượng để làm việc tốt hơn, áp dụng công nghệ thông tin, tiếp tục các đề án truy xuất nguồn gốc, chuỗi thực phẩm an toàn...  

Đặc biệt, công tác thanh tra được chú trọng. Cơ quan này sẽ đẩy mạnh thanh tra đột xuất, không phải chỉ kiểm tra theo kế hoạch. Khi các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thực phẩm cảm thấy có thể bị thanh tra bất cứ lúc nào thì mới "không làm bậy". 

Hiện, việc xác minh, điều tra vi phạm ATTP dựa vào nhiều nguồn thông tin, trong đó có báo chí hoặc người dân. Theo bà Lan, thông qua đường dây nóng, người dân gửi khiếu nại tố cáo về các cơ sở vi phạm nhưng hơn một nửa các phản ánh này thường do trả thù cá nhân. Cơ quan quản lý ATTP vẫn phải tiến hành xác minh theo quy định nên rất mất thời gian và công sức.

Giám đốc Sở ATTP TP.HCM cho rằng những năm qua, bức tranh chung về tình hình an toàn thực phẩm có cải thiện nhưng chưa phải ở mức tốt nhất. Nhận định này được đưa ra dựa trên 3 tiêu chí đánh giá. Thứ nhất, công tác thanh kiểm tra được đẩy mạnh, tăng cường, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm. Thứ hai, kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm. Thứ ba, phải tăng sử dụng thực phẩm sạch thông qua chuỗi thực phẩm an toàn. 

Theo bà Lan, công tác quản lý ATTP những năm qua tập trung rất mạnh về đề phòng ngộ độc, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể của nhà trường, công ty, xí nghiệp. Các vụ ngộ độc tập thể thường cấp tính, nguyên nhân chủ yếu do nhiễm vi sinh vật từ khâu bảo quản thực phẩm, thường gây rối loạn tiêu hoá… Số lượng các vụ ngộ độc trên địa bàn thành phố đã giảm. Tuy nhiên, còn có những độc chất được người tiêu dùng sử dụng và tích tụ trong cơ thể mấy chục năm mới phát ra. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Một vấn đề nữa là trên địa bàn TP.HCM ghi nhận những trường hợp ngộ độc hy hữu như ngộ độc rượu methanol, botulinum. Các vụ ngộ độc botulinum đến nay chưa thể kết luận cơ chế cụ thể, sản phẩm nào gây ra, khi xảy ra lại không kịp có thuốc cấp cứu, đã có người tử vong. 

Sở ATTP TP.HCM hiện là đầu mối thống nhất, tập trung tổng hợp tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là đầu mối thanh tra, kiểm tra các cơ sở của người dân với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sở An toàn thực phẩm thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính, cấp phép tạo sự thuận lợi, nhất quán, đồng bộ từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, hậu kiểm, thanh tra... các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống cũng như giám sát mối nguy, quản lý chất lượng thực phẩm.