Phát biểu tại Hội nghị thường niên năm 2023 Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng cho biết, cảng container là những mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Mở ra không gian phát triển hoàn toàn mới
Bà Rịa – Vũng Tàu có những thế mạnh về cảng biển mà không một địa phương nào có được. Nằm ở vị trí chiến lược nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu xếp loại đặc biệt của quốc gia, năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến 2025. Trong đó, đưa ra mục tiêu “Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh mạnh công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch”.
Xu thế hiện nay đặt ra yêu cầu phát triển hạ tầng cảng biển chất lượng cao, khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả được xem là điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế thành công, đặc biệt là đối với các quốc gia mạnh về xuất khẩu.
10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết 24). Trong đó khẳng định tầm quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi sở hữu hệ thống cảng biển bậc nhất trong cả nước, dựa vào đó sẽ phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như: Cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hoá dầu, du lịch biển - đảo...
Nghị quyết 24 đề cập đến 2 nội dung mà trong tương lai nếu triển khai hiệu quả, sẽ tạo nên một không gian phát triển hoàn toàn mới cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thúc đẩy mục tiêu “Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh mạnh công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch”. Đó là việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và phát triển TP Vũng Tàu.
Có rất nhiều những chủ trương sẽ tác động trực tiếp đến kết cấu hạ tầng, kinh tế, đô thị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong 5 năm tới đây, cụ thể như việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới; đầu tư mở rộng cảng hàng không Côn Đảo; khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa - Vũng Tàu thành lưỡng dụng cấp 4E; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á; phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ...
Hứa hẹn sẽ trở thành một Trung tâm cảng trung chuyển lớn
Trong xu thế nền kinh tế hướng vào xuất nhập khẩu, gia tăng các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với sự phát triển liên tục trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế và các biện pháp hội nhập, ngành logistics ngày càng đóng một vai trò cấp thiết đối với các công ty trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung, đồng thời đóng góp tích cực vào thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.
Đông Nam Bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Bởi tính sơ bộ, hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Nghị quyết 24 cũng nêu rõ định hướng: “Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hình thành khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; và ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông”.
Bên cạnh đó, ngày 09/01/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng: “Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.”
Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu đảm bảo cho tải trọng tàu trên 250 ngàn tấn ra vào. Để phát triển dịch vụ logistics, tỉnh đã hoạch định chiến lược này từ sớm nên đã dành 1.700 ha đất cho khu vực logistics, trong đó sẽ bố trí làm khu vực Thương mại tự do.
Từ những điều kiện thuận lợi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải và tương lai là đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế.
Với những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tương lai gần, hệ thống cảng trung chuyển Cái Mép – Thị Vải và Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ trở thành một Trung tâm cảng trung chuyển lớn cũng như trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại của phía Nam, khu vực và quốc tế.
Điều đó sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và vai trò của mình trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.