Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc phát triển du lịch cộng đồng được triển khai ở các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tùy vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của từng địa phương để có hướng phát triển khác nhau.

Cụ thể như, các thành phố Bà Rịa, Vũng Tàu phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch đường sông, các điểm du lịch sinh thái, tăng cường sự tương tác trải nghiệm giữa khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất.

Thị xã Phú Mỹ phát triển du lịch cộng đồng gắn với các mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài… Huyện Châu Đức tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời thưởng thức giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Châu Ro.

Huyện Xuyên Mộc tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với các khu vực phát triển các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch gắn với vườn cây ăn trái, chăn nuôi…

Những mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng dựa trên thế mạnh, điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Khu công viên ca cao, với diện tích 46ha của Công ty cổ phần Binon Cacao, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện trên địa bàn hình thành nhiều trang trại, nông trại sản xuất rau, củ, quả, hoa... ứng dụng công nghệ cao như Công ty trách nhiệm hữu hạn ca cao Thành Đạt; vườn lan Minh Ngân (huyện Đất Đỏ); trang trại chăn nuôi bò sữa của ông Đinh Nam Định (thị xã Phú Mỹ); Nông trại rau sạch Sunny Farm, Công ty Cổ phần Binon Cacao, Suối Rao Ecolodge (huyện Châu Đức)...

Ngoài ra, đã có 46 dự án đầu tư du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ và 28 nhà đầu tư đề xuất đầu tư du lịch sinh thái vào Vườn quốc gia Côn Đảo.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 35 ngày 24/3/2020 về phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, nhằm xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian khách lưu trú tại tỉnh.

Sở Du lịch đã tham mưu văn bản triển khai và đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí triển khai các nhiệm vụ; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện đề án hỗ trợ nông dân phát triển du lịch.

Còn với huyện Châu Đức, với đặc trưng thiên nhiên, khí hậu ưu đãi rất phù hợp và lý tưởng với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Trên cơ sở định hướng chung của tỉnh, Châu Đức sẽ bố trí không gian, địa điểm phù hợp để phát triển loại hình du lịch này nhằm hấp dẫn, thu hút du khách. Thời gian tới, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển du lịch, góp phần xây dựng Châu Đức trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong tương lai.

Từ những nền tảng đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 37,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 28,92 triệu lượt khách tham quan; 8,78 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 41.085 tỷ đồng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu, địa bàn tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng. Hiện nay, tỉnh có 12 lễ hội truyền thống, trong đó tiêu biểu là các lễ hội: Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Ông Trần - Nhà Lớn Long Sơn.

Các lễ hội truyền thống ở Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc - Trung - Nam và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây.

Duy Khánh, Vân Anh, Thu Hoài