Xem clip: Người phụ nữ ngày 2 lần cầm biển đưa học sinh qua đường

“Biển báo di động”

10h45, trời nắng nóng như đổ lửa. Mặt đường Hưng Nhơn (ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vốn nhỏ hẹp, bụi mù mịt càng thêm nóng nực, ngộp thở sau những lượt xe ô tô tải vụt qua.

Thế nhưng bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (còn gọi là bà Hai Trị, 62 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Kiên) không chịu ngồi trong nhà. Thấy học sinh trường THCS Tân Kiên dừng xe, đứng phía bên kia để chuẩn bị sang đường về nhà, bà Hai Trị lại chạy ra hỗ trợ.

Bà vớ lấy cái nón lá, rút vội đoạn ống nước bằng nhựa PVC rồi treo lên đó tấm biển có ghi dòng chữ: “Tạm dừng xe cho học sinh qua đường”. Bà tất tả chạy ra, giơ cao tấm biển để điều tiết giao thông, xin đường cho các em học sinh.

Bà đứng giữa hai làn xe ồn ào lướt qua. Mỗi khi thấy xe lớn, không có ý định giảm tốc độ, bà hướng thẳng tấm biển về phía chiếc xe, khoát tay xin đường. Nhận thấy hai dòng xe chậm lại, bà ân cần dẫn đoàn học sinh băng qua.

{keywords}
Đoạn đường dẫn từ trường THCS Tân Kiên ra đường Hưng Nhơn. Giờ tan trường, các học sinh thường phải đứng ở đây rất lâu để tìm cách băng qua.

Khi các em đã an toàn, bà ra hiệu cho các tài xế lưu thông bình thường. Hơn một năm qua, bà Hai Trị trở thành “biển báo giao thông di động” để giúp các em học sinh sang đường một cách an toàn.

Bà Hai Trị nói, không ai bắt ép hay vận động bà đội nắng, phơi mưa làm “biển báo giao thông di động” như vậy. Lý do duy nhất để bà làm việc này là bởi “thương các cháu học sinh”.

Nhà bà đối diện con đường từ trường THCS Tân Kiên dẫn ra đường Hưng Nhơn. Mỗi ngày, khi tan trường, các em học sinh đều đứng rất lâu ở đầu đường, đợi xe bớt đông để sang đường về nhà.

Bà kể: “Một hôm, tôi ngồi trước cửa nhà, thấy các cháu cứ đứng ở bên kia đường nhìn nhau mãi mà không dám qua. Đường này nhỏ hẹp lại có 2 chiều xe chạy. Càng về trưa, lượng xe ô tô, xe tải, container chạy qua càng nhiều mà đoạn đường này lại không có biển báo”.

{keywords}
Để học sinh qua đường an toàn, bà Hai Trị lấy bìa các- tông ghi dòng chữ: “Tạm dừng xe cho các em học sinh qua đường” để xin đường cho các em. Sau này, bà được một phụ huynh thiết kế cho một tấm biển khác chuyên nghiệp và to, đẹp hơn.

“Tôi nghĩ, như vậy làm sao các cháu qua đường được. Lúc sau, có 2 cháu, qua được nửa đường, thấy tôi liền gọi: “Bà ơi, bà dắt con qua với”. Thế là tôi chạy ra giúp", bà kể thêm.

Sau lần ấy, bà Hai Trị băn khoăn mãi việc làm sao giúp các em học sinh qua đường một cách dễ dàng, an toàn. Hai hôm sau, bà lấy bút viết dòng chữ: “Tạm dừng xe cho các em học sinh qua đường” lên tấm bìa các-tông.

Chờ giờ học sinh tan học, bà đội nắng, cầm tấm bảng nguệch ngoạc chữ viết chạy ra giữa đường phân luồng giao thông, dẫn các em qua. Thấy chữ viết trên tấm bảng quá nhỏ, sợ các tài xế không nhìn thấy, chủ tiệm rửa xe sát vách nhà bà Hai Trị lấy bút tô cho nét chữ đậm hơn.

“Không có tiền thì tôi giúp sức”

Từ ngày có bà cùng tấm bảng, các em học sinh yên tâm hơn mỗi khi sang đường. Phụ huynh cũng không còn lo sợ con em mình bị va quẹt, kẹt xe khi tan lớp.

{keywords}
Vào giờ tan trường, bà cầm tấm biển trên ra giữa đường điều tiết giao thông, giúp các em qua đường an toàn.

Đứng xin đường như thế được ít hôm, bà Hai Trị thấy các em tự tin hơn, mạnh dạn đi qua đường. Thế nên bà nghĩ không cần phải cầm bảng đứng điều tiết giao thông nữa. Nhưng một hôm, các em học sinh sau khi qua đường lại tìm đến bà, hỏi: “Bà ơi, sao mấy hôm nay bà không cầm bảng dẫn chúng con qua đường nữa? Con sợ xe lắm”.

Bà Hai Trị chia sẻ: “Nghe các cháu hỏi, tôi thương lắm nên hứa sẽ lại cầm biển ra xin đường, dẫn các cháu qua. Bây giờ, tôi nghĩ sẽ làm hoài vì các cháu đã quen có tôi đứng xin đường giúp rồi. Nếu không thấy tôi, các cháu sẽ trông mong và không dám qua”.

“Tôi đâu có giúp gì nhiều cho các cháu. Tôi chỉ bỏ ra ít thời gian, ít công sức mà các cháu được an toàn là vui và hạnh phúc lắm. Người ta có tiền, đi làm từ thiện, tôi không có tiền để làm như thế thì tôi bỏ công công sức, thời gian giúp các cháu”, bà nói thêm.

Thấy bà làm “chuyện lạ lùng”, nhiều người chê cười. Họ nói bà “rỗi hơi”, “lo chuyện bao đồng”... Tuy nhiên cũng không ít người thấy được ý nghĩa, tính nhân văn trong công việc ấy. Họ trân trọng, cảm ơn bà bằng nhiều cách.

{keywords}
 Nhờ bà và tấm biển của mình, các tài xế xe lớn có thể dễ dàng phát hiện, lưu thông chậm để đảm bảo cho học sinh băng qua đường một cách an toàn

“Người ta cười tôi nhiều lắm nhưng cũng nhiều người thương và cổ vũ. Nhiều phụ huynh thấy tôi, gật đầu chào, nói lời cảm ơn. Có phụ huynh tên Tâm thường đi đón con, thấy tôi cầm tấm bìa các-tông viết tay, liền tặng tôi tấm bảng chuyên nghiệp và đẹp hơn. Tôi gửi lại tiền mà anh ấy nhất quyết không chịu, cứ nói là tặng để tôi làm việc tốt giúp các em”, bà Hai Trị kể.

Cầm tấm biển được vẽ, trang trí bắt mắt, bà Hai Trị tự tin ra đường giúp đỡ các em học sinh. Thế nhưng, nhiều lúc, bà vẫn bị một số tài xế ý thức chưa cao quát, mắng. Họ quát và yêu cầu bà đứng sát vào lề đường chứ không được đứng giữa đường như vậy.

Bà Hai Trị giải thích: “Nhiều tài xế chạy nhanh, ẩu lắm, sắp đến đoạn đường có học sinh đi qua mà vẫn không chịu giảm tốc độ. Những lúc như thế, tôi phải hướng bảng về phía họ, đứng ra giữa đường, khoát tay xin họ chậm lại”.

{keywords}
Bà nói, bà sẽ tiếp tục làm công việc này dù nhiều lúc thấy rất sợ khi phải đứng chen giữa hai chiếc xe ô tô lớn đang chạy trên đường.

“Đường chật, xe đông, nhiều hôm, tôi nín thở đứng kẹt giữa hai chiếc xe tải, container chở cát, đá, sắt… Sợ lắm! Tôi phải đứng giữa đường để 2 chiều xe đều có thể lưu thông, nếu đứng ở một làn dễ xảy ra tình trạng kẹt xe. Tôi không có quyền dừng xe ai cả, tôi chỉ xin họ chạy chậm lại một chút để các em học sinh qua đường, sau đó họ tiếp tục di chuyển thôi”, bà nói thêm.

Nhận thấy việc làm ý nghĩa, người dân địa phương, phụ huynh học sinh mỗi khi thấy bà đội nắng, chen giữa hai làn xe lại nói lời cám ơn, chúc bà sức khỏe. Các phụ huynh cho biết, những ngày đông xe, họ phải nhờ vào sự điều tiết giao thông và tấm biển của bà để sang đường đón con.

“Giao thông đoạn này khá phức tạp. Giờ tan trường, học sinh, phụ huynh của 2 trường tiểu học và trung học sơ sở xã Tân Kiên đổ ra rất đông. Trong khi đó, đoạn đường này lại chưa có biển báo, đèn tính hiệu giao thông nên rất nguy hiểm.

Chúng tôi đều nhờ tấm biển và bà Hai Trị điều tiết để đón con, qua đường.  Rất mong cơ quan chức năng nghiên cứu và bố trí đèn tín hiệu giao thông tại đây để việc lưu thông được an toàn, dễ dàng hơn”, một phụ huynh kiến nghị.

Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn

3 cụ bà 'phượt' 60km bằng xe đạp để ngắm cây cầu dài nhất Bắc Trung Bộ

3 cụ bà 'phượt' 60km bằng xe đạp để ngắm cây cầu dài nhất Bắc Trung Bộ

Cùng nhau đạp xe hơn 60km để được chiêm ngưỡng tận mắt cây cầu biểu tượng nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, 3 cụ bà đến từ Yên Thành khiến nhiều người cảm phục bởi tinh thần "chịu chơi" của mình.