- Cho rằng mua phải một sản phẩm của Cocacola Việt Nam có “dị vật”, một khách hàng đã quyết tâm kiện ra tòa. Vụ việc kéo dài gần 4 năm. TAND quận Bắc Từ Liêm đã tuyên bác đơn kiện của nguyên đơn vào chiều ngày 23/9/2015.

Vụ việc xảy ra từ ngày 05/10/2011, một khách hàng mua sản phẩm của Cocacola Việt Nam phát hiện thấy “dị vật” trong chai nước sản phẩm Splash Minute Maid hai mẫu vật thủy tinh vỡ bên trong.

Sau đó, khách hàng đã đệ đơn ra TAND huyện Từ Liêm (nay là TAND quận Bắc Từ Liêm) kiện hãng sản xuất là Cty TNHH Cocacola Việt Nam để xảy ra sự cố này.

{keywords}
Quang cảnh phiên toà 

Trong gần 4 năm theo đuổi vụ kiện, nguyên đơn đã ủy quyền cho một đại diện trước pháp luật cùng luật sư bảo vệ quyền lợi.

Ngày 15/9/ 2015, TAND quận Bắc Từ Liêm đã mở phiên xét xử. Đại diện uỷ quyền của nguyên đơn – bà Trần Thị Lan và đại diện uỷ quyền của bị đơn – ông Nguyễn Hoài Giang cùng khẳng định, hai bên sẽ không thoả thuận trong phiên toà này.

Kết thúc phiên tòa ngày 15/9 mà chưa có bản án, HĐXX đã quyết định xét xử lại vào ngày 23/9/2015.

Tại phiên tòa ngày 23/9, bà Nguyễn Thị Bình Minh (SN 1982, ở Tây Tựu, Từ Liêm) – người có đơn tố cáo mua phải chai sản phẩm lỗi của Cocacola Việt Nam không có mặt.

Người được ủy quyền - bà Trần Thị Lan và luật sư Phạm Ngọc Minh (VP Luật YouMe) vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu Cocacola Việt Nam xin lỗi công khai bà Minh và người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời bồi thường giá trị bằng tiền của một chai cam ép.

Luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn cho rằng, thân chủ của mình không có động cơ, mục đích cá nhân. Mục đích cao nhất của nguyên đơn là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

“Nguyên đơn chỉ yêu cầu bồi thường lại số tiền bỏ ra mua sản phẩm của Cocacola có dị vật (khoảng 7.000đồng); xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng… chứ không có đòi hỏi gì khác” – luật sư bảo vệ đưa ý kiến trước Tòa.

Bác những lập luật của luật sư bên nguyên đơn, đại diện pháp lý của Cocacola Việt Nam tại phiên tòa cho rằng, nguyên đơn không đưa ra các cáo buộc xác đáng.

“Việc Cocacola Việt Nam đối diện với nguyên đơn tại phiên tòa cho thấy, hãng sản xuất không né tránh mà sẵn sàng đối diện để làm sáng tỏ sự thật. Những cáo buộc của nguyên đơn là hoàn toàn không có cơ sở, vu khống gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam” – luật sư của Cocacola Việt Nam đưa quan điểm tại tòa.

Thượng tá Vũ Quốc Tuấn (Phòng Giám định hóa pháp lý) trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa liên quan đến Kết luận giám định số 288/C54-P4 của Viện. Thượng tá Tuấn cho biết: với yêu cầu giám định đo độ kín nắp chai, Viện không có máy đo. Viện cũng đã liên hệ một số đơn vị khác nhưng tất cả đều không có máy đo, chỉ có Nhà máy Cocacola Việt Nam có máy đo, giám định viên đã đến tận nơi, đo tại nhà máy.

Tuy nhiên, để sử dụng máy này, phải dùng một van khoan qua nắp chai, bơm khí vào, nhúng trong bình dung dịch. Đồng hồ thể hiện áp suất trong chai, hơi sẽ theo rìa ra ngoài. Trường hợp chỉ có một chai, khả năng đo trên máy của Cocacola, khi bơm khí nhiều khả năng bật nắp chai ra, dung dịch ngoài tràn vào, khi giám định thành phần trong chai không giám định được. Nên đã quyết định không đo độ kín nắp chai.

Ông Tuấn cho biết, khi phân tích các thành phần trong chai nước được gửi đến, cơ quan giám định dựa trên bảng công bố tiêu chuẩn của Cocacola Việt Nam để đối chiếu. Chai nước được giám định, thành phần chính là chất tạo màu, cam ép, chất bảo quản… đều nằm trong khung tiêu chuẩn cho phép của hãng này. Nên kết luận là tương tự, không thể khẳng định mẫu trong chai mang nhãn là của Cocacola sản xuất ra.

Ông Trần Anh Bình, Giám định viên Tư pháp (Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an) cho biết: năm 2011, nắp chai Splash có màu đỏ hồng, nắp chai gửi đến đối chiếu màu vàng. Về đặc điểm dấu vết, độ uốn lượn cong của các đường gờ thì mẫu vật có 21 đường gờ lồi lõm xen kẽ, giống hệt chai Splash của Cocacola, nhìn mắt thường giống nhau. Nhưng so đặc điểm dấu vết trên máy thì mẫu vật cho thấy khối lượng cong các gờ lệch nhau, khác hoàn toàn so với 63 chai Cocacola cung cấp.

Chiều 23/9, HĐXX đã quyết định bác đơn khởi kiện của nguyên đơn với lý do không có căn cứ xác định sản phẩm chai nước ép mang nhãn hiệu Splash (vật chứng) là của Công ty Cocacola sản xuất và hoàn thiện.

Thái Bình