Tỉnh Bắc Giang hiện có 73 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (36 xã, thị trấn thuộc khu vực I; 09 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 28 xã, thị trấn thuộc khu vực III) và 244 thôn đặc biệt khó khăn (trong đó: 178 thôn thuộc các xã khu vực III, 66 thôn thuộc các xã khu vực I và II).
Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn 24 xã đặc biệt khó khăn ở 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, giảm 4 xã (của huyện Lục Nam) so với năm 2021. Số hộ nghèo còn hơn 3,6 nghìn, chiếm tỷ lệ 13,57%, giảm 8,33% so với năm 2021; số hộ cận nghèo còn hơn 4,1 nghìn, giảm 5,41% so với năm 2021, vượt mục tiêu đề ra.
Vì số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, xã đặc biệt khó khăn đòi hỏi việc triển khai công tác giảm nghèo cần thay đổi cả về tư duy và hành động.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, tiếp tục kiên trì giải pháp lồng ghép nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ vùng khó khăn hơn, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài xã đặc biệt khó khăn duy nhất là Đồng Vương, huyện Yên Thế còn 19 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Từ tổng nguồn vốn được phân bổ (khoảng 10 tỷ đồng) thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mỗi năm, trên cơ sở rà soát của các xã, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu phương án cụ thể để lồng ghép với các nguồn vốn khác.
Đại diện UBND huyện Yên Thế cho biết, địa phương luôn bám sát phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Trong đó, ưu tiên phân bổ thực hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bởi giao thông, thủy lợi là tiền đề quan trọng giúp bà con giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi, hỗ trợ sản xuất, phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo. Cùng đó, chỉ đạo các xã đẩy mạnh giúp đỡ về vốn, tăng cường cán bộ phổ biến kỹ thuật mới để hộ nghèo phát triển mô hình sản xuất phù hợp, có giá trị kinh tế cao.
Được biết, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai 16 dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 103 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình kinh tế. Nhờ linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, đầu tư trọng điểm nên kết quả giảm nghèo của huyện luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 4,91%, đến năm 2022 giảm còn 3,76%, năm 2023 còn 2,83%.
Trong năm tới, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX còn 12,6%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tạo sức bật cho các xã ĐBKK, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo bền vững, không tái nghèo, cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Thông tin từ sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh, sở đã và đang phối hợp các ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất để đề xuất xây dựng cơ chế phù hợp với các xã đặc biệt khó khăn theo hướng cho vay một phần, có đối ứng; ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số.
Vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống được xác định là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, với các xã đặc biệt khó khăn , tinh thần chủ động càng phải cao hơn, từng bước cải thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống người dân.