Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn vừa phối hợp với Viện Huyết học truyền máu Trung ương tổ chức lớp tập huấn chuyên môn về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho 45 bác sĩ, điều dưỡng, chuyên môn của ngành y tế tỉnh này.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, cho biết bệnh tan máu bẩm sinh không phải là căn bệnh mới nhưng những ảnh hưởng và hệ lụy rất lớn. Tại tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia thể nặng chiếm 2,74%, đứng thứ 3 toàn quốc. Điều này cho thấy việc phòng, chống bệnh Thalassemia rất cấp bách.
Để mục tiêu giảm số trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia, bác sĩ Hồng cho hay cần phải thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng trong việc thực hiện khám sức khoẻ định kỳ, khám sức khỏe tiền hôn nhân, phát hiện sớm và giảm tỷ lệ người cùng mang gene bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, tiến tới đẩy lùi bệnh di truyền này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, giảng viên tập huấn, cho hay với mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ sinh ra mang gene bệnh, giảm gánh nặng cho xã hội, nâng cao chất lượng giống nòi, thì việc chủ động phòng bệnh Thalassemia, phòng không sinh ra những đứa trẻ bị bệnh rất cần thiết.
Những người khỏe mạnh được xác định mang gene Thalassemia khi kết hôn cũng cần phải xét nghiệm tiền hôn nhân và nếu hai người mang gene bệnh lấy nhau nên được tư vấn trước khi dự định có thai, để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, không mang gene bệnh, không bị bệnh.
45 cán bộ y tế của tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số này sau lớp tập huấn sẽ trở thành các tuyên truyền viên tích cực, vận động các cặp vợ chồng trước khi kết hôn đi xét nghiệm máu để sàng lọc bệnh và chẩn đoán trước sinh, nhằm kiểm soát nguồn gene bệnh, cải thiện chất lượng dân số của tỉnh.
Trong Nội dung 2 thuộc Dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đề ra mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác Y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Một số chỉ tiêu chuyên môn hàng năm cụ thể được đặt ra như:
- 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- 25% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùngdân tộc thiểu số và miền núi.