Tỉnh Bắc Kạn là tỉnh miền núi, do nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, không có đường biên giới, nhưng được kết nối với các địa phương lân cận thông qua mạng lưới giao thông đường bộ. 

Phát triển kinh tế rừng bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đất đai trong tỉnh còn khá tốt là cơ sở quan trọng để phát triển nông lâm nghiệp. Đất nông nghiệp 301.722 ha chiếm 62,1% diện tích tự nhiên; nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao thuận tiện cho sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.

W-anhkinhterung.png
Bắc Cạn gắn phát triển kinh tế với bảo vệ rừng

Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích). Tài nguyên rừng của tỉnh khá đa dạng, phong phú. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc. Về động vật, hiện nay tập trung ở khu vực Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn và hồ Ba Bể. Hệ động vật của tỉnh Bắc Kạn có giá trị tự bảo tồn nguồn gen cao với nhiều loại đặc hữu và quý hiếm. Về thực vật, tỉnh Bắc Kạn có 280 loài thực vật, trong đó có 300 loài gỗ, 300 loài cây thuốc, 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Với tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn sống phụ thuộc vào rừng.

Đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo phê duyệt, Bắc Kạn phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp với việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, giữa các vùng, quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chí và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 03 trọng tâm gồm phát triển thị trường tín chỉ cacbon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác.

Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; phát triển các vùng sản xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn bền vững để đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ; chú trọng phát triển dịch vụ môi trường rừng.

Xây dựng 9 tuyến đường lâm nghiệp

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường giao thông và đường lâm nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển lâm sản. Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh đã đầu tư trên 13 tỷ đồng để xây dựng 9 tuyến đường lâm nghiệp tại huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông. Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Dự án đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô 183 tuyến đường lâm nghiệp dài 445 km nhằm tăng khả năng cơ giới hóa giúp giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế rừng, tạo mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, đồng thời giúp công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra, góp phần phát triển rừng bền vững.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, các quy định Luật Lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong các giải pháp phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác và phát triển tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp. Tập trung nghiên cứu phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, qua đó tận dụng được đất đai, nâng cao giá trị của rừng…

Nhóm PV