- Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho biết, địa phương này có chủ trương chấm dứt tất cả hợp đồng lao động trong tuyển dụng. Một lý do là "có nhiều người thông qua hợp đồng lao động để lách cho đối tượng "con ông cháu cha" vào biên chế.

{keywords}

Ông Nguyễn Nhân Chiến: "Trong các cuộc họp tỉnh ủy, chúng tôi hạ quyết tâm cứ làm, có sai thì chịu trách nhiệm".

"UBND tỉnh có văn bản 1614 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đồng thời khắc phục vấn đề hợp đồng lạo động với tinh thần đơn vị nào còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu sử dụng thì phải đăng ký thi tuyển, xét tuyển không được để lại chỉ tiêu biên chế để sử dụng lao động hợp đồng" - ông Chiến quả quyết như vậy trong buổi làm việc với Bộ Nội vụ về sự chậm trễ trong thi tuyển viên chức ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh dẫn đến có 261 giáo viên bị "đứt" hợp đồng.

Ông Chiến cho biết, chủ trương của UBND tỉnh là tuyển dụng công chức, viên chức có chất lượng cao.

Chính sách "tuyển dụng viên chức"  bằng hình thức xét tuyển được bắt đầu từ huyện Yên Phong.

Để tuyển dụng viên chức chất lượng cao, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã họp nhiều lần trên cơ sở đề nghị của ủy ban. Đó là:cộng điểm ưu tiên đối với những đối tượng: nữ, tốt nghiệp ĐH chính quy học ở các trường ĐH "tốp đầu" như ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng...với ngành kinh tế. Tương tự với ngành y và các ngành khác cũng ưu tiên với những thí sinh có bằng ĐH chính quy ở những ĐH "tốp đầu".

"Trong các cuộc họp tỉnh ủy, chúng tôi hạ quyết tâm cứ làm, có sai thì chịu trách nhiệm" - ông Chiến cho hay.

Khi bắt đầu thí điểm ở Yên Phong,  UBND tỉnh đã lường tới các diễn biến phát sinh, vì có người hợp đồng đã trên 10 năm. Do đó, đã để nghị thêm một đối tượng ưu tiên là những giáo viên đã ký hợp đồng từ 36 tháng trở lên, có thành tích xuất sắc trong công tác. Tuy nhiên, Thường vụ tỉnh ủy không đồng ý với lý do là nếu áp dụng "ưu tiên hợp đồng" thì khác gì "cái cửa" chui vào các đơn vị sự nghiệp dễ dàng đối với những trường hợp là "con ông cháu cha".

Trao đổi với VietNamNet, ông Chiến khẳng định "kết quả xét tuyển ở Yên Phong thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nghiêm túc, khách quan và đến thời điểm này chưa phát hiện tiêu cực. Huyện Yên Phong 7 năm không xét tuyển viên chức là thực hiện chưa đúng quy định tổ chức xét tuyển hằng năm".

Kiểm điểm các cá nhân để tồn đọng hợp đồng kéo dài

- Thưa ông, trách nhiệm của người để tồn đọng "7 năm không xét tuyển" là như thế nào? Với các giáo viên, sau quãng thời gian đó, họ đã mất cơ hội làm lại từ đầu vì khó có thể đi học nghề lần nữa?

Những người có trách nhiệm để tồn đọng đã nhận hình thức kiểm điểm. Cá nhân Chủ tịch UBND huyện Yên Phong cũng bị kiểm điểm. Chúng tôi đang thành lập tổ công tác để rà soát 261 hợp đồng. Những giáo viên có đóng góp sẽ được xem xét, còn những trường hợp không thể tiếp tục ký hợp đồng được nữa sẽ chấm dứt. Hướng xử lí cụ thể sẽ xin ý kiến các đơn vị chức năng.

- Vì sao lại chọn hình thức thi phỏng vấn? Nhiều ý kiến cho rằng phỏng vấn không được khách quan và chính xác. Hơn nữa, không lưu lại ghi âm nên xảy ra khiếu kiện sẽ khó giải quyết thấu tình đạt lí...

Vì số thí sinh đăng ký thi đông, với 2.370 hồ sơ nên không thể tổ chức hình thức thi khác ngoài phỏng vấn.  Dù không lưu lại bài thi nhưng quy trình thi được giám sát chặt chẽ, từ việc chuẩn bị thi, ra đề...

Theo quy định tại Khoản 2 điều 11 Nghị định 29, việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện thông qua phỏng vấn hoặc thực hành.

Huyện Yên Phong lựa chọn phỏng vấn vì những lý do: Sau nhiều năm không tuyển giáo viên, số chỉ tiêu tuyển nhiều (612). Đồng thời, lại là huyện đầu tiên của tỉnh tuyển dụng viên chức kể từ năm 2012 sau khi Luật Viên chức có hiệu lực thi hành. Chính vì vậy, số thí sinh dự thi lên đến 2.370.

Nếu áp dụng "thi thực hành", tức là giảng dạy 1 tiết trên lớp vừa mất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong vấn đề bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, lớp học có học sinh học để thực hành...

Còn không phúc khảo phỏng vấn cũng là quy định tại khoản 5 Điều 26 Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức được ban hành kèm theo Thông tư 16 của Bộ Nội vụ.

"Chờ giải pháp"

- Vậy thì, hướng giải quyết cụ thể đối với huyện Yên Phong cụ thể thế nào, thưa ông?

Chúng tôi khẳng định việc tổ chức tuyển dụng viên chức năm 2013 của huyện Yên Phong - cụ thể là tuyển dụng giáo viên đến thời điểm này -  là đúng quy định của pháp luật, khách quan, nghiêm túc.

Còn những giáo viên đã hợp đồng trước đây, qua kỳ thi xét tuyển vừa rồi không đỗ thì sẽ có mấy hướng giải quyết trên cơ sở đề nghị của UBND huyện.

Chúng tôi đã yêu cầu huyện rà soát 261 giáo viên không trúng tuyển, phân loại ra 2 nhóm "trước ngày 1/1/2012" và "sau ngày 1/1/2012" để xem xét trách nhiệm cụ thể. Những người ký hợp đồng cho giáo viên sau ngày 1/1/2012, trách nhiệm sẽ nặng hơn.

Tạm thời chưa chấm dứt hơp đồng lao động cho đến khi kết thúc năm học.

Yêu cầu hàng năm Yên Phong và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức viên chức theo đúng quy định, không để tồn đọng nhiều năm nữa.

- Sau sự việc xảy ra ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh có rút kinh nghiệm để vận dụng những yếu tố có tính chất rất đặc thù địa phương, không để người dân là nạn nhân của sự chậm trễ từ cơ quan quản lý? Liệu họ có được đền bù vì tắc trách này?

Các huyện khác đã thực hiện nghiêm quy định thì không có chuyện như Yên Phong. Còn sau sự kiện này, chúng tôi sẽ chỉ đạo yêu cầu hàng năm thực hiện đúng điểm 4 điều 5 của Nghị định 29 là tất cả các huyện các ngành phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức.

Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh phải tăng cường kiểm tra.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn xét tuyển đặc cách áp dụng toàn quốc, không để mỗi nơi dùng mỗi kiểu.

Cảm ơn ông!

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng: "Cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân"

Theo quy định của Luật viên chức, việc tuyển dụng sau ngày 1/1/2012 các hợp đồng ký để làm giáo viên hoặc làm công chức trong các đơn vị sự nghiệp của huyện Yên Phong cũng như các huyện khác ở Bắc Ninh và các đơn vị sự nghiệp khác trên cả nước là không đúng.

Cần xem xét các đối tượng hiện tại đang là giáo viên của các trường để chia nhóm: nhóm được ký trước ngày 1/1/2012 và nhóm được ký hợp đồng lao động sau thời điểm đó.

Ở "nhóm 1", ttrên cơ sở tại tại thời điểm Luật viên chức chưa có hiệu lực, thì xác định lỗi của người ký hợp đồng đến đâu.

Với "nhóm 2", về mặt pháp lý, khi luật pháp đã không cho phép tuyển dụng bằng các phương thức khác với thi tuyển hoặc xét tuyển thì các hợp đồng được ký đều vô hiệu.

Khi làm rõ được các khía cạnh pháp lý các hợp đồng thì mới xem xét xử lý vấn đề hợp tình, hợp lý.

Đề xuất tiếp tục sử dụng số 164 biên chế để ký hợp đồng là không đúng quy định của pháp luật, mà là đang tránh cái sai này bằng việc sai khác.

Do đó, cần xem xét, nếu còn chỉ tiêu biên chế thì tiếp tục tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có thể áp dụng phương thức xét đặc cách để lựa chọn những vị trí cần thiết mà trường còn thiếu.

Trong sự việc này, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân dù vô tình hay cố ý làm sai.

  • Kiều Oanh - Văn Chung (thực hiện)