Sau khi clip “em bé bị bác sĩ từ chối chữa bệnh vì nghèo” được phát tán, rất đông đảo bạn đọc đã bày tỏ thái độ bất bình, bức xúc. Họ cho rằng, không phải tâm lý “tát nước theo mưa” mà do nhiều câu chuyện từ tai nghe mắt thấy đã khiến họ mất niềm tin với một bộ phận “từ mẫu”.

TIN BÀI KHÁC

“Không có lửa làm sao có khói?”

Những ngày qua cư dân mạng truyền nhau đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé gái cụ thể là em Lương Thị Kim Thúy (10 tuổi) ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đau ruột thừa bị bác sĩ Bệnh viện Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) từ chối chữa bệnh vì không có tiền và hết hạn thẻ bảo hiểm y tế. Clip có thời lượng 4 phút 19 giây được nickname duyhoa.dieuhuyen đưa lên youtobe. Clip đã gây một luồng dư luận phẫn nộ của người dân về thái độ, trách nhiệm làm việc của đội ngũ y, bác sĩ. Trong khi đó y, bác sĩ Bệnh viện Đặng Thùy Trâm cho biết đã xem clip và "bị sốc bởi video sai sự thật" và tất cả “chỉ là hiểu nhầm”.

Hình ảnh trong clip “Em bé bị bác sĩ từ chối chữa bệnh vì nghèo” 

Hầu hết các comment đều bất bình và kể lại những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” của họ về nhiều câu chuyện “chướng tai gai mắt” ở các bệnh viện. Bạn đọc có nickname Hoamoclan cho hay: “Tôi là người dân Quảng Ngãi và tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều cảnh bác sĩ thờ ơ ở quê mình nên tôi nghĩ tất cả những gì bạn nhìn thấy là sự thật 100%”.

Bạn đọc Nguyễn Đô bức xúc: "Nhiệm vụ của y bác sỹ là phải cứu người và nhất là trong trường hợp cấp cứu thì cứu người phải đặt lên hàng đầu. Xem qua đoạn clip ta cũng đủ thấy sự tắc trách vô trách nhiệm coi đồng tiền quan trọng hơn tính mạng của một vài người mặc áo blue được giao nhiệm vụ tại bệnh viện này. Cũng may trường hợp xấu nhất cũng chưa xảy ra và em bé đã được mổ".

Bạn đọc Nguyễn Xuân Sơn cũng đồng tình: “Chúng ta có thể chứng kiến những cảnh tượng tương tự ở bất cứ bệnh viện nào hiện nay. Có một lần, tôi vào bệnh viện lớn TP HCM thăm bệnh. Chứng kiến cô gái trẻ bị tai nạn máu chảy ra đầm đìa từ miệng, mũi, tai. Cô gái cứ bị để nằm thoi thóp ngoài hành lang vì không có người nhà ( chỉ có một người đi đường tốt bụng đưa cô vào viện). Chưa có tiền đóng viện phí nên chưa được cấp cứu…”. Bạn đọc Trần Minh Phương không giấu nổi sự bất bình: “Tôi có cô cháu gái bị nhập viện vì đau bao tử, do mẹ cháu nóng ruột vội đi ko mang theo tiền nên bệnh viện nói không đủ thủ tục nên không cho xét nghiệm, cấp cứu. Thế là người nhà của tôi phải chạy ra ngoài cầm đỡ chiếc nhẫn cưới mới lo cho con được khám bệnh. Kể từ đó gia đình chúng tôi không ai muốn vào bệnh viện cả khi nào bất dắc dĩ lắm mới phải vào, con cháu chúng tôi có đau ốm gì thì đi bác sĩ tư hoặc bệnh viện tư nhân”.

“Một lần, anh trai tôi bị tai nạn xe, vỡ xương cằm vào viện chiều thứ 6. Sau khi chụp phim…các bác sĩ kết luận là vỡ xương cằm dưới làm nhiều mảnh cần mổ gấp. Nhưng họ bảo tối thứ 6 thì hết lịch rồi mà thứ 7, chủ nhật thì nghỉ, thứ 2 thì giao ban, bảo anh tôi nằm đó rồi tiếp nước tiêm giảm đau chờ đến thứ 3 thì mổ. Tuy nhiên, khi “có tiền” thì ngay tối đó anh trai tôi được lên bàn mổ, hỏi mọi người như thế thì người bệnh có đặt lòng tin vào bác sĩ nữa không ?, một bạn đọc khác chán nản cho biết.

Cần một cuộc cách mạng về y đức?

Trên báo VietNamNet một bạn đọc ở địa chỉ maimai…@yahoo.com bình luận: “Chuyện clip này đúng sai chỉ có người trong cuộc mới biết nhưng những người dân như chúng tôi, từ câu chuyện này, lại càng thêm bất bình, mất niềm tin về một bộ phận đội ngũ y, bác sĩ hiện nay”.

 
 Phong bì bệnh viện là nỗi ám ảnh của người bệnh (Ảnh: VietNamNet)

Trên báo VietNamNet, bạn đọc Quang lam cũng chia sẻ: “Nếu giả sử em bé đó không có bảo hiểm thì chuyện gì xảy ra, cái chết sẽ chờ đợi em nhỏ à? Tôi không phải kẻ cực đoan nhưng những thông tin về y đức của các bác sĩ gần đây thì hình như các người được gọi "bác sĩ như mẹ hiền" ấy không đúng như tên một chút nào?”. Một bạn đọc khác cho rằng: “Dù clip này có sai sự thật, các bác sĩ cũng nên tự hỏi mình vì sao mà người dân ngày càng sợ bệnh viện và bất bình về bác sĩ?”. Trên diễn đàn dành cho các bậc phụ huỵnh, độc giả MinhMinh cho rằng: “Làm sao xóa bỏ được nạn chạy chức chạy quyền trong các bộ ngành rồi hãy nói tới lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Xin vào một bệnh viện, y tá, bác sĩ vừa ra trường cũng tốn cả trăm triệu... Vậy làm sao hỏi họ không nhận phong bì cho được?”.

Bạn đọc ở địa chỉ langtoi..@gmail.com bất bình: “Có lẽ phải có một cuộc cách mạng trong ngành y mới xóa bỏ được tình trạng phong bao, phong bì. Nếu mãi vẫn không có sự thay đổi về chất lượng phục vụ ở các bệnh viện như thế này, thì người dân hoàn toàn mất lòng tin về phẩm hạnh cũng như y đức của các bậc “từ mẫu” này”.

Lê Ngọc (Tổng hợp)