Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được biết đến như khắc tinh của các khối bướu khổng lồ và ung thư phụ khoa. Ông đã mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều phụ nữ kém may mắn vì bệnh tật.
Ngay trong dịch Covid-19, ông đã thực hiện ca phẫu thuật lấy hơn 100 khối u ở một bệnh nhân bị bướu sợi tử cung.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong một ca phẫu thuật. Ảnh: FBNV |
Dù ý thức phòng dịch của nhân viên y tế rất nghiêm khắc, nhưng ông bất ngờ trở thành F0.
“Không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào, nhưng chắc chắn đây là cơn sốc khủng khiếp của của đời tôi: một hành trình chạy trốn tử thần”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chia sẻ sau khi rời Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Theo bác sĩ Tiến, triệu chứng đầu tiên ông gặp phải là ho, đau họng, sốt. Ngay lập tức, ông test nhanh tại nhà, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Quay cuồng là cảm giác người bác sĩ này đối mặt. May mắn là các thành viên trong gia đình chưa ai nhiễm bệnh.
Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, mọi người cùng khử khuẩn bề mặt nhà cửa, vật dụng và họp gia đình. Mối lo lắng lớn nhất, là ông bị bênh nền: Rối loạn chuyển hoá - tiểu đường type 2.
Luôn lạc quan, giữ gìn sức khỏe, tuy nhiên trước sức tấn công của Covid-19 với các đối tượng nguy cơ, ông quyết định nhập viện. Bệnh viện dã chiến số 14 là cơ sở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (nơi ông công tác) đảm nhiệm chuyên môn. Ông tự nhủ, vì đã tiêm đủ liều vắc xin nên chỉ sau 10 ngày sẽ được về nhà. Đó là khoảng giữa tháng 11/2021.
Vợ ông, dù vẫn âm tính, nhưng kiên quyết được đi cùng vào bệnh viện để chăm sóc chồng. Quyết định này của vợ có lẽ là động lực lớn nhất để ông chiến đấu trong chuỗi ngày sau đó.
Tại Bệnh viện dã chiến số 14, bác sĩ Tiến trải qua 5 ngày dùng thuốc kháng virus. Ông lạc quan, tự tin đi qua giai đoạn đầu và thầm nghĩ vui “mình sẽ bất tử trước Covid”. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu phức tạp.
Buổi sáng ngày thứ 7 của bệnh, ông cảm thấy mệt khi đi lại, hơi thở dồn dập, mắt mờ tối sầm. Chỉ số SpO2 đo nhiều lần vẫn dưới 85%. Ông nhanh chóng được cấp cứu, cho thở oxy và tiến hành hàng loạt xét nghiệm. Kết quả X-quang phổi cho thấy trắng xoá gần hết 2 phế trường.
Kết quả X-quang phổi của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: FBNV |
Muôn vàn câu hỏi đặt ra trong đầu: “Cơn bão Cytokine ư? Mình đã chích 2 mũi vắc xin rồi mà? Chỉ có 5% chuyển biến nặng và tử vong thôi, không lẽ...”. Ông nhớ lại thời khắc đó, giống như ai bóp nghẹt cổ họng, không thở được, nỗ lực nằm hít từng luồng oxy…
Các bác sĩ điều trị của Bệnh viện dã chiến số 14 nỗ lực điều trị cho người đồng nghiệp, người trưởng khoa của mình. Nhờ kinh nghiệm tập luyện cách thở trong giai đoạn dịch bệnh, bác sĩ Tiến có thêm cơ hội vượt qua giai đoạn nguy hiểm này.
Tiếp tục 5 ngày trôi qua sau khi bệnh nhân được dùng thuốc, động viên tích cực từ gia đình, đồng nghiệp. Thế nhưng cơ thể ông ngày càng yếu đi rõ rệt, mất ngủ vì không đủ oxy. Lồng ngực căng tức vì tập thở.
Tinh thần ông càng thêm giảm sút khi biết tin vợ đã mắc bệnh. Đây là tình thế đã chuẩn bị trước nhưng cũng gây lo lắng không nhỏ vì ông vẫn chưa qua cơn nguy kịch, không ai chăm sóc vợ.
Trong khoảnh khắc đó, có lúc bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đã nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất, dù ông là người lão luyện trong nghề, từng đứng trước các quyết định liên quan đến sinh mệnh bệnh nhân.
Ngày thứ 12, kết thúc đợt 2 trị liệu, X-quang phổi vẫn trắng xóa, viêm đặc thuỳ dưới phổi. “Hết hy vọng rồi, cơn bão Cytokine đã càn quét, rồi đây chuẩn bị hôn mê, đặt nội khí quản, chạy ECMO”, ông dự liệu trước cho bản thân mình.
Vì tình trạng nặng, ông được chuyển lên Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để can thiệp. Tại Khoa 6A, bác sĩ Tôn Thất Tuấn Khiêm, Bệnh viện Nhân dân 115 đảm trách, lên phương án hồi sức can thiệp trong đêm nếu chuyển biến nặng thêm .
“Chính thời khắc quan trọng trong đêm đó, sự ân cần của tập thể khoa là bước ngoặt giúp tôi trốn thoát tử thần! Tinh thần bắt đầu lấy lại vì những lời động viên. Mình phải cố gắng vượt qua, phải thở thật nhiều, không để đông đặc phổi, phải thở vì vợ con, phải thở vì mọi người. Phải thở, phải sống!”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cùng vợ xuất viện ngày 2/12. Ảnh: FBNV |
Sau 1 đêm, tình trạng bắt đầu cải thiện. Cho đến khi không còn phải thở máy, ông chỉ biết ôm vợ khóc ngất vì đã thở được rồi.
“Ngày thứ 13 trôi qua như thế kỷ! Vẫn là nỗ lực thở không ngừng, SpO2 đã không tụt sâu như trước.
Ngày thứ 14 qua nhanh, bắt đầu cai oxy dù rất khó khăn.
Ngày thứ 15,16 bỏ hẳn thở oxy!”
Mỗi ngày trong hành trình điều trị Covid-19, ông đều nhớ như in từng dấu mốc, từng sự kiện. Mỗi ngày, việc đi lại, hoạt động lại bớt khó khăn hơn. Khi cầm tờ giấy xuất viện trong tay, với ông, “như một đặc ân khi mình được quan toà xử trắng án”.
Ngày 2/12, bệnh nhân - bác sĩ Nguyễn Văn Tiến được xuất viện khỏi Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cùng vợ. Hành trình gần 20 ngày vượt qua bệnh tật khiến ông suy kiệt và giảm hơn 15kg. Quá trình phục hồi của một bệnh nhân Covid-19 sau đó chắc hẳn sẽ còn những khó khăn.
Nhưng còn sống là còn tất cả! Đó là điều quý giá nhất. Với ông, còn được sống, có nghĩa là vẫn còn trách nhiệm của một bác sĩ ngoại khoa với những ca bệnh ung thư đang chờ đợi mình!
Linh Giao
Phía sau lá thư dài 3 trang bệnh nhi Covid-19 gửi bác sĩ
Minh Khôi, 13 tuổi, mắc Covid-19 trên nền dư cân béo phì. Sau đó, là 3 tuần triền miên cấp cứu, hồi sức và tập thở để giành giật lại mạng sống.