Nghiên cứu này không có giá trị khoa học. Nghiên cứu này do hãng Kangaroo đầu tư và Viện chỉ thực hiện xét nghiệm.

Quảng cáo máy lọc nước có khả năng “ngăn ngừa mỡ máu” của Tập đoàn Kangaroo vừa ra mắt hồi đầu tháng 10 đã gây bức xúc cho nhiều chuyên gia y tế, đặc biệt là chính Bệnh viện Tim Hà Nội - xuất hiện trong quảng cáo như là đơn vị kiểm nghiệm khả năng này.

Mập mờ quảng bá chất lượng sản phẩm

Trong những ngày qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và tại các đại lý Kangaroo đã rầm rộ quảng cáo về khả năng “ngăn ngừa mỡ máu” trên sản phẩm máy lọc nước mới ra mắt đầu tháng 10 vừa qua. Ngay tại trang fanpage của Tập đoàn Kangaroo cũng từng đăng tải “theo nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh của BV Tim Hà Nội, máy lọc nước RO KG110 có khả năng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa máu nhiễm mỡ.

{keywords}
Bác sỹ bất bình vì quảng cáo máy lọc nước Kangaroo chống... mỡ máu. (Ảnh minh họa)

Đây được cho là một biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa hữu hiệu đối với phần đông dân số đang mắc căn bệnh này”. Để tăng thêm sức nặng cho quảng cáo này, Kangaroo còn đăng kèm theo bản thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO K của BV Tim Hà Nội. Trong đó thể hiện kết quả, bệnh nhân sử dụng sản phẩm này sau 2 tháng đã giảm khoảng 1% tỷ lệ mỡ máu.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: “Những thông tin cho rằng, người bệnh khi sử dụng nước từ máy lọc nước Kangaroo sau 1 tháng tỷ lệ mỡ máu giảm 0,91-0,96%, nghe thì có vẻ rất khoa học, nhưng chúng tôi khẳng định, rối loạn lipit máu là một yếu tố nguy cơ tim mạch rất phổ biến trong cộng đồng. Nguyên nhân có thể là do chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động thể lực, béo phì, uống nhiều các loại rượu bia hoặc các bệnh lý khác”.

“Rất nhiều bệnh nhân có rối loạn lipit máu chỉ cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, ăn uống thì những người bị rối loạn nhẹ hoặc vừa, tự các thành phần lipit máu đã có thể điều chỉnh lại ở mức bình thường - tức có thể điều chỉnh đi vài chục %. Bởi vậy thông tin cho rằng, sử dụng nước từ máy trên giảm 0,91-0,96%, tức là giảm chưa được 1% các thành phần mỡ máu thì không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nhiều người dân không nắm được vấn đề lại nghĩ cứ uống nước của máy lọc nước này giảm được mỡ máu là cực kỳ nguy hiểm", GS. Nguyễn Lân Việt khẳng định.

Trước thông tin quảng cáo gây nhiều tranh cãi này, trong cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội khẳng định: “Đây là nghiên cứu không có giá trị khoa học. Nghiên cứu này do hãng Kangaroo đầu tư và Viện chỉ thực hiện xét nghiệm. Bản chất của nghiên cứu đó chỉ là thử nghiệm ban đầu. Giống như việc mình làm một lô hàng và test mẫu xem có phù hợp để lựa chọn không mà thôi.

Tuy nhiên, họ lại lấy cái mẫu test đầu tiên này để làm lợi nhuận kinh doanh là không ổn”. Ông Tuấn chia sẻ: “Trên thực tế, đây chỉ là thử nghiệm nên thực hiện trên 20-30 bệnh nhân, lại trong thời gian rất ngắn… do vậy kết luận này không đủ điều kiện để được công bố rộng rãi.

Thu hồi công bố, dừng quảng cáo

Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với đại diện Tập đoàn Kangaroo xoay quanh vấn đề công bố kết quả nghiên cứu còn thiếu cơ sở khoa học nhằm quảng cáo cho sản phẩm máy lọc nước mới.

Bà Vũ Thị Hường, phụ trách Truyền thông của Tập đoàn Kangaroo thừa nhận: “Việc công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO K có tác dụng ngăn ngừa mỡ máu là vội vàng”.

{keywords}
Nội dung quảng cáo về tác dụng chống mỡ máu của Kangaroo

Trả lời câu hỏi, liệu việc công bố trên có thể dẫn đến việc ngộ nhận cho người tiêu dùng, bà Vũ Thị Hường chống chế: “Chúng tôi không muốn người tiêu dùng hiểu nhầm, nên vẫn tư vấn khuyến cáo người bệnh vẫn phải tuân thủ phác đồ điệu trị của bác sỹ. Máy lọc nước chỉ hỗ trợ ngăn ngừa mỡ máu mà thôi”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thử nghiệm này hoàn toàn chưa đủ giá trị khoa học để đưa ra bất kỳ khuyến nghị gì cho người dân, ngay cả tác dụng “hỗ trợ”. Bởi nếu là hỗ trợ thì phải khẳng định nó có chất lượng tốt trên nghiên cứu với các yếu tố: Đủ số lượng lớn, ở nhiều vị trí, đa trung tâm thực hiện và phải khách quan, nghiên cứu độc lập mà không phụ thuộc vào doanh nghiệp nào.

(Theo Báo Giao thông)