Khu cách ly của BV nằm ở tầng 5 và tầng 6, có 44 phòng, vốn là nơi phục vụ các cán bộ, chiến sĩ ngành công an từ các tỉnh đi học hoặc công tác nghỉ ngơi.
Các phòng này được trang bị đầy đủ giường, nệm, ti vi, tủ quần áo, công trình phụ khép kín, wifi. Khu vực cách ly được bố trí 1 chiều, có cầu thang đi riêng.
Cảm ơn những con người thầm lặng
Đại úy Dương Thị Loan, 1 trong 4 điều dưỡng chăm sóc, thăm hỏi sức khỏe cho những người cách ly cho biết, BV cử kíp phục vụ khu vực cách ly gồm 2 tổ. Tổ chuyên môn có 2 BS và 4 điều dưỡng thay nhau đo nhiệt độ, thăm hỏi tình hình sức khỏe của những người cách ly mỗi ngày 2 lần, lúc 8h và 15h.
Tổ hậu cần có 5-6 người chia ca, phát cơm, đồ ăn, thức uống 3 bữa.
Sau tấm biển cách ly này là khu vực riêng biệt được bảo vệ nghiêm ngặt |
Những trường hợp có biểu hiện bất thường về đường hô hấp như ho, khó thở… sẽ được chuyển qua BV Đống Đa để làm các xét nghiệm, theo dõi chuyên sâu. Nếu kết quả âm tính, họ lại được đưa về khu cách ly.
Trường hợp bị ốm đau các bệnh khác sẽ được đưa đến BV Hà Đông để theo dõi, chữa trị đến khi ổn định mới về lại đây.
“Từ khi đảm nhận thêm nhiệm vụ theo dõi khu cách ly, tôi có phần bận rộn hơn. Hầu như hôm nào tôi cũng về muộn vì có thêm công đoạn tắm, khử trùng trước khi về”, chị Loan kể.
Chị cho biết, mấy tuần đầu tâm lý các bác sĩ và điều dưỡng ở đây có phần nặng nề, lo lắng vì tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc ngày càng nhiều.
Đại úy Dương Thị Loan bật cười khi xem lại tin nhắn mà những du học sinh gửi |
Thêm vào đó, mỗi lần mặc bộ quần áo bảo hộ vào, thiếu ô xy, đeo kính thì rất khó nhìn. “Mấy tuần đầu không quen, tôi còn bị viêm bờ mi, sáng ngủ dậy ghèn dính chặt không mở được mắt”, nữ đại úy kể.
Công việc vất vả hơn, bận rộn hơn nhưng chị Loan luôn vui vẻ và còn khoe được các em nhắn tin tâm sự rất nhiều.
“Có lần tôi đọc được bài báo dẫn lời một bạn Trung Quốc vui vui: 'Mặc đồ bảo hộ tôi muốn nôn nhưng chỉ sợ bẩn bộ đồ bảo hộ'. Tôi post lên Zalo, các bạn ấy vào chia sẻ rất cảm động”.
Mở điện thoại, chị tự hào khoe một loạt tin nhắn, lời chúc mà những người sau cách ly gửi tặng: “Em về nhé. Cho em gửi lời cảm ơn toàn thể các bác sĩ đã chăm lo cho chúng em nhé!”, một du học sinh tại Hàn Quốc nhắn chị Loan.
Lại một tin nhắn nữa được gửi đến: “Em xin gửi lời cảm ơn đến các BS bệnh viện Công an - những con người thầm lặng đã chăm sóc chúng em tận tình từng bữa ăn giấc ngủ”.
Điều đặc biệt, chủ nhân các tin nhắn này hầu hết được đặt tên là “cách ly”. Chị Loan giải thích: “Lúc đầu chúng tôi chưa biết tên các bạn ấy nên cứ lưu là cách ly 1, cách ly 2. Sau này quen biết rồi nhưng vẫn để tên như vậy xem như làm kỷ niệm”.
Nữ đại úy còn khoe: “Mình còn làm thêm chân shipper cho các bạn ấy. Có bạn nhờ mua hoa quả, có bạn nhờ ship bún chả".
Chiến sĩ công an 2 trong 1
Nhớ lại ngày đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ thăm khám cho các ca cách ly từ Trung Quốc về, Trung úy, BS Nguyễn Văn Nam, khoa Nội tổng hợp kể: “Lúc đó thật sự tôi cũng lo lắng. Tôi không dám nói với vợ và gia đình vì sợ mọi người lo, chỉ bảo mấy mẹ con về ngoại 2-3 tuần chơi cho thoải mái”.
2 lần một ngày các y bác sĩ sẽ lên thăm khám, đo nhiệt độ cho gần 70 người |
Sau 2-3 tuần, các trường hợp vào cách ly tại BV đều âm tính nên anh em cũng dần quen và thấy không có vấn đề gì lo lắng nữa.
Giờ thì BS Nam cũng là một trong những "shipper" được cư dân ở khu cách ly tín nhiệm. Muốn mua đồ ăn, đồ dùng từ bên ngoài hoặc người nhà gửi đồ vào, các BS, điều dưỡng ở đây sẽ kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng.
“Hôm trước 1 phòng có 2 ông ở chắc buồn nên nhờ người nhà gửi rượu lên nhưng theo quy định của BV không được nhận các chất kích thích nên chúng tôi giữ lại”, BS nói và kéo ngăn tủ nơi có 1 chai rượu nếp có ghi rõ tên người nhận, số phòng.
Trung úy, BS Nguyễn Văn Nam |
Hàng hóa gửi đến sẽ được bảo vệ nhận và mang lên để bên ngoài khu cách ly. Các BS, điều dưỡng hoặc đội hậu cần sẽ giao tận tay người bị cách ly.
Chiếc bộ đàm lại vang lên: “BS Nam chuẩn bị tiếp nhận thêm 3 người mới vào khu cách ly nhé”.
BS Nam vội chạy đi thay bộ đồ bảo hộ kín mít rồi cầm tập hồ sơ có tờ khai và ống nghe tiến về phía cầu thang dành cho những người cách ly, hướng dẫn họ lên tầng 5 nhận phòng .
“Công việc của chúng tôi có phần vất vả hơn ngày thường. Sáng đến sớm hơn, trưa cũng ít được nghỉ ngơi, trực đêm nhiều hơn. Có lúc vừa tựa lưng xuống ghế đã có thông báo tiếp nhận các ca cách ly, chúng tôi lại vội mặc đồ bảo hộ, làm thủ tục tiếp nhận, thăm khám. Chúng tôi cố gắng tạo môi trường thân thiện nhất, hài lòng nhất để cách ly tốt nhất, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19”, BS Nam nói.
Vì tất cả đều mặc đồ bảo hộ kín mít nên rất ít người cách ly được nhìn thấy gương mặt các y bác sĩ trông như thế nào |
Đại úy Dương Thị Loan - một trường những người được rất nhiều du học sinh yêu mến vì tính cách dễ gần, hóm hỉnh |
Bác sĩ Nam sau khi nhận được lệnh qua bộ đàm, nhanh chóng ra tiếp nhận người cách ly |
Tổ hậu cần của bệnh viên công an Hà Nội |
Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó giám đốc BV Công an Hà Nội cho biết, BV bắt đầu tiếp nhận cách ly từ ngày 9/2 với 10 người từ vùng dịch của Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó BV liên tục tiếp nhận các ca cách ly, có thời điểm số người cách ly lên đến gần 100 trường hợp. Hiện BV còn 69 ca cách ly, trong đó có 21 người nước ngoài, phần lớn là người Hàn Quốc và Trung Quốc. |