Dù được chụp hàng chục năm trước nhưng những bức ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia đường phố Fan Ho vẫn giữ được sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Người xem khó có thể rời mắt khỏi các tác phẩm có sự tương phản độc đáo giữa ánh sáng và bóng tối của ông. 

Theo D1839 - The Normal Hero, Fan Ho đã trải qua nhiều thăng trầm trước khi trở thành nhiếp ảnh gia xuất sắc và đạo diễn của hãng phim huyền thoại Shaw Brothers (Hong Kong, Trung Quốc). 

nhiep anh 1.jpg
Fan Ho bắt đầu đam mê chụp ảnh khi gặp biến cố sức khỏe.

Thoát khỏi bệnh tật nhờ nhiếp ảnh 

Fan Ho sinh ra và lớn lên tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 1931. Thời thơ ấu, ông không được ở bên cha mẹ vì họ phải quản lý doanh nghiệp vải ở Macau. Ông thường đi xem phim một mình và khao khát tự kể những câu chuyện theo cách của bản thân. 

Fan Ho bắt đầu viết lách và chụp ảnh với chiếc Kodak Brownie được cha tặng nhân dịp sinh nhật 14 tuổi. Ông đi khắp nơi và ghi lại các địa điểm khác nhau tại Thượng Hải. Vào thời điểm đó, Fan Ho chưa thực sự say mê nhiếp ảnh.

Khi gia đình chuyển tới Hong Kong, ông theo học tại Khoa Văn học Anh và Trung Quốc tại Trường Đại học New Asia hàng đầu tại đây. Ông mơ ước trở thành nhà văn. Tài năng xuất chúng của Fan Ho khiến cả giáo sư và bạn bè đều gọi ông là "bác học". 

nhiep anh 2.jpg
'Approaching Shadow' - tác phẩm được biết tới nhiều của Fan Ho.

Nhưng sau đó, Fan Ho bị chẩn đoán mắc chứng đau nửa đầu, chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp khiến ông phải thôi học.

"Bác sĩ nói rằng bệnh của tôi không thể chữa khỏi. Cách duy nhất để giảm đau đầu là dạo bộ trên phố và hít thở không khí trong lành. Nhưng điều đó quá nhàm chán. Tôi cảm thấy như một kẻ ngốc đi loanh quanh không có mục đích. Cha mang cho tôi một chiếc máy ảnh. Tôi đã gửi hình mình chụp đi dự thi và giành giải nhất, điều này là sự khích lệ tuyệt vời đối với tôi”, Fan Ho nhớ lại. 

Để cải thiện kỹ năng, ông mua một chiếc Rolleiflex và đi khắp Hong Kong. Khung cảnh trong các bức ảnh của Fan Ho giống như một nhà hát sống động mô tả hy vọng, ước mơ của những người kéo xe, một cô gái bán hoa quả, một người cao tuổi đi dọc theo con ngõ nhỏ được ánh sáng soi rọi… 

Fan Ho cảm thấy ảnh đen trắng phù hợp với mình hơn ảnh màu.

Bậc thầy ánh sáng và bóng tối

Fan Ho biết cách tận dụng sự tương phản mạnh giữa ánh sáng và bóng tối để tạo ra chiều sâu cho ảnh. Những địa điểm yêu thích của ông là các ngõ hẻm và khu chợ vào buổi tối hoặc cuộc sống ven biển. Đó là nơi sinh sống của tầng lớp dân nghèo nhưng vẫn luôn thể hiện lòng tốt và nụ cười. 

Các tác phẩm của Fan Ho nhanh chóng được đánh giá cao. Ông là thành viên của Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh từ năm 1956. Hai năm sau, ông được Hội Nhiếp ảnh Mỹ đề cử là nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất thế giới. Năm 1959, ông tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên của mình và được đánh giá là một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất châu Á mọi thời đại.

nhiep anh 8.jpg
Những bức ảnh của Fan Ho mang tính điện ảnh.

Dù vậy, Fan Ho vẫn luôn coi mình là người bình thường thích chụp ảnh, ghi lại những gì ông nhìn thấy và cảm nhận rồi chia sẻ với khán giả. "Đối với tôi, những bức ảnh đẹp nhất không do máy ảnh mà từ bản thân bạn, đôi mắt, trí não và trái tim của bạn”, Fan Ho chia sẻ. 

Ông thường sử dụng một mẹo khi chụp ảnh: Chờ đợi thời điểm để ánh sáng mặt trời tạo ra bóng dài. Nhiều tác phẩm của ông giống như khung cảnh trong phim. "Bạn phải có thời điểm chính xác để bắt lấy tinh thần, bản chất, tâm hồn của con người”, ông giải thích. 

Lần thứ hai được nhiếp ảnh cứu rỗi 

Ngoài chụp ảnh, Fan Ho còn tham gia làm phim suốt 30 năm với nhiều vai trò khác nhau như diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất. 

Khi 65 tuổi, ông quyết định rời khỏi ngành điện ảnh và chuyển đến Mỹ sống cùng gia đình. Tuy nhiên, những năm tháng nghỉ hưu của ông không thật sự thoải mái, một phần do ông không quen với xã hội Mỹ. Con gái của ông, Claudia kể cha cô không thích thể thao và đôi khi tự cô lập, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Gia đình gợi ý ông nên trở lại với nhiếp ảnh.

fan ho chan dung.jpg
Fan Ho khi trẻ tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tới lúc nghỉ hưu, ông quay lại với nhiếp ảnh.

Tuy nhiên, Fan Ho không thích máy ảnh kỹ thuật số cũng như khung cảnh ở San Francisco. Ông nhớ tới những cuộn phim âm bản từ hàng chục năm trước và quyết định tái sinh chúng. 

Điều thú vị là Hong Kong trong quá khứ và hiện tại đã khác xa, từ con người cho tới những tòa nhà, con ngõ. Nhiếp ảnh của Fan Ho giống như cuốn phim về lịch sử và bối cảnh của Hong Kong qua các thập kỷ. 

Năm 2000, Fan Ho tổ chức triển lãm ảnh tại California. Phản hồi tích cực giúp nhiếp ảnh gia khôi phục lại niềm tin như thể quay lại mối tình đầu, đó là niềm hạnh phúc đối với ông.

Sau đó, Fan Ho liên tục tổ chức các triển lãm, những bức ảnh của ông trở nên phổ biến và được đánh giá cao. Bức Approaching Shadow có giá hơn 48.000 USD. Ông cũng nhận lời mời nói chuyện và là thành viên danh dự của các hiệp hội nhiếp ảnh. 

Fan Ho qua đời vào ngày 19/6/2016 do viêm phổi khi 85 tuổi. Trước khi qua đời, ông và con gái đã chọn lựa hơn 500 bức ảnh đen trắng chuẩn bị cho dự án Chân dung của Hong Kong. Sau đó, 153 bức được in trong cuốn sách mang tên dự án.