Chịu đựng
12h trưa, nắng nóng bỏng lưng, ông Tuấn xe ôm (65 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) vẫn không dám lùi chiếc xe máy cũ của mình vào gốc cây sát vỉa hè. Ông sợ bà khách mối không thấy mình sẽ bắt xe ôm công nghệ để về nhà sau buổi chợ trưa.
Từ lúc giá xăng nhảy vọt, ông vốn ít khách nay càng vắng hơn. Ông Tuấn đã chạy xem ôm suốt 20 năm qua và chưa bao giờ chứng kiến cảnh ế khách triền miên như bây giờ.
Nếu trước đây, chỉ cần chạy xe ra đường là có khách thì bây giờ, ông chỉ trông chờ vào số khách mối ít ỏi của mình. Họ đa phần là những người thân quen, có tuổi.
Ông chia sẻ: “Họ quen đi chợ hàng ngày nên không bỏ được thành ra tôi mới có khách. Ngoài ra, tôi hầu như không còn bắt được khách vãng lai. Nhưng rồi xăng cộ, giá cả leo thang, họ sợ cảnh đi chợ nên khách mối của tôi cũng rơi rụng dần”.
“Bây giờ, nhiều người trông chờ vào việc con cái đi làm về rồi tạt ngang cửa hàng bách hóa mua ít đồ ăn về nấu bữa cơm. Họ không mấy mặn mà trong việc ra chợ dạo, tìm mua bánh trái, những món ăn vặt đã trở thành một phần cuộc sống của mình nữa. Thành thử lâu lâu tôi mới được một người gọi chở đi chợ”, ông nói thêm.
Cách chỗ ông Tuấn ngồi ít km, ông Nguyễn Văn Rào (67 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) ngồi ăn trưa một mình trên vỉa hè. Bữa trưa của ông chỉ là hộp cơm đạm bạc với giá 20.000 đồng. Dẫu vậy, ông vẫn thấy vui vì đã tiết kiệm hơn so với việc phải về nhà ăn cơm vợ nấu.
Ông Rào ra góc đường Hùng Vương-Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) bơm vá xe từ những năm 1990. Cái nghề đơn giản, không tốn nhiều vốn liếng ấy đã nuôi sống ông suốt mấy chục năm qua.
Thế nhưng bây giờ, công việc này gần như không cho ông được cơm ba bữa như ông mong muốn. Ông nói: “Mỗi ngày, nếu đông khách lắm, tôi làm được trên 100.000 đồng. Hôm ế khách hay trời mưa xem như ra đây ngồi ngắm đường phố”.
“Giá cả tăng cao, 100.000 đó không đủ để cho tôi ăn được ba bữa cơm đủ đầy như trước. Giờ thì có gì ăn nấy, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu miễn sao không mắc nợ là vui rồi. Mỗi ngày ra đây ngồi, ít nhiều tôi còn lo được bữa cơm của mình chứ ở nhà thì xác định đói”, ông nói thêm.
Giá cả tăng cao cũng áp lực lên công việc bán hoa ngoài vỉa hè của anh Mai Thanh Long (45 tuổi, quận 8, TP.HCM). Trước đây, anh Long thường mua hoa từ các vựa hoa, chợ đầu mối về bán lại. Thu nhập bấp bênh nhưng cũng đủ cho anh và con gái đủ ăn 3 bữa.
Tuy vậy, khi giá xăng tăng cao, chi phí giao, nhận hàng nhảy vọt, đồng lời của anh cũng thêm teo tóp. Để duy trì, anh Long đành “bỏ công ra làm lời”. Anh tự mình chạy xe đến tận các vườn hoa ở ngoại thành TP.HCM mua hoa về bán.
Chật vật để thích nghi
Anh Long cho biết: “Tôi chọn việc bán hoa ngoài vỉa hè để có thu nhập, nuôi đứa con gái chậm phát triển. Buôn bán nhỏ nên thu nhập cũng eo hẹp. Tôi chỉ có chút lời vào mấy ngày lễ, rằm…, những ngày thường cũng bấp bênh lắm”.
“Bây giờ giá cả leo thang, để có lời, tôi phải tự chạy xe ra ngoại thành đến tận vườn mua hoa về bán. Nhưng, với tình hình xăng tăng giá liên tục như vậy, đồng lời cũng chẳng còn được bao nhiêu”, anh nói thêm.
Đồng cảnh ngộ, ông Tuấn xe ôm cũng thở dài khi nhắc đến việc giá cả tăng cao khiến cuộc sống của mình bị ảnh hưởng từ miếng ăn đến giấc ngủ. Để dần thích nghi, ông đành phải cố ra bến chờ khách sớm hơn và về muộn hơn.
Nhiều lúc, vắng khách quá, ông phải rong ruổi ra các bến xe, khu chợ để vớt vát những cuốc xe ngắn bị đồng nghiệp, xe ôm công nghệ “chê, bỏ lại”. Ông cố gắng lượm lặt rồi trông chờ vào những người khách quen để có một ngày “hòa vốn” hoặc “lời dăm ba chục”.
Ông nói: “Xe ôm truyền thống như tôi bây giờ chỉ trông vào khách quen thôi chứ khách vãng lai hầu như không có. Muốn có thêm khách phải vào bến bãi ở các bãi xe, cổng bệnh viện, khu chợ… Nhưng nếu không quen cũng khó lòng kiếm khách”.
“Thế nên, khi có khách quen gọi, dù xa hay gần, dù nắng hay mưa tôi đều cố gắng nhận và đợi chở họ về. Mỗi ngày, tôi cũng cố tiết kiệm hơn. Mọi chi phí phát sinh không cần thiết, tôi đều cắt giảm”, ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Rào dù không phải chịu sự cạnh tranh từ những người khác cùng nghề vẫn phải chắt bóp từng đồng để không phải đi vay mượn. Mỗi ngày, ông đều cố gắng tiết kiệm tối đa để số tiền chi ra không vượt quá số tiền thu nhập được từ công việc bơm vá xe trên vỉa hè.
Chỉ mới ít tháng trước, sau khi TP.HCM trở lại nhịp sống bình thường, ông Rào vui mừng vì lại được ăn tô hủ tiếu ưa thích vào mỗi buổi sáng. Theo thói quen, ông sẽ có thêm ly cà phê để có tinh thần làm việc cả ngày dài ngoài lề đường ồn ã, đầy khói bụi.
Thế nhưng bây giờ, sống thời bão giá, ông không dám ăn hủ tiếu và thay cà phê sáng bằng ly trà đá không đường. Ông cũng không dám về nhà ăn cơm vợ nấu vì như thế sẽ tốn thêm gas, điện, gạo, thức ăn.
Ông chia sẻ: “Bây giờ tình hình như thế mình phải cố thôi. Mà cố không được cũng phải được chứ biết làm sao. Trước đây, mình ăn ngon thì bây giờ bớt ngon lại một chút. Như lúc trước, tôi hay ăn hủ tiếu vào buổi sáng, giờ tôi ăn mì gói, ăn bánh mì không…”.
Kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” cũng được nhiều lao động, công nhân có thu nhập thấp triệt để thực hiện. Khi được hỏi, nhiều người lao động nghèo như người bán vé số dạo, bán hàng rong, nhặt ve chai… thậm chí cả công nhân cũng cho biết họ đã tìm cách siết chặt các khoản chi tiêu.
Ngoài nhu cầu cơ bản như phải mua thực phẩm, đóng tiền trọ, điện, nước.., những người này gần như cắt giảm mọi khoản chi tiêu không thật cần thiết khác.
Nhiều người cho rằng, giữa lúc bão giá, ngoài việc trông chờ vào các chính sách của Nhà nước để thay đổi tình hình, trước mắt, họ sẽ tự cố gắng thích nghi bằng cách tiết kiệm nhất có thể.
Bài, ảnh: Hà Nguyễn