Như Tiền Phong phản ánh, gần đây, trên nhiều diễn đàn sinh vật cảnh, loại cây được đặt tên là "Bạch Hải đường" được các nhà vườn chào bán rầm rộ với giá cao ngất ngưởng. Những cây này được rao là hải đường đột biến (từ hoa đỏ sang hoa trắng, nên được đặt tên là "Bạch Hải đường"), quý hiếm, có giá trị phong thủy. Thậm chí, nhà vườn T.Đ. tại tỉnh Nam Định sở hữu một cây loại này, cao 2,1m, tán rộng 1m rao với giá... 1,3 tỷ đồng.
Một cuộc trưng bày, giới thiệu "Bạch hải đường"
Sau thời gian ngắn rầm rộ và nhiều cá nhân, tổ chức vào cuộc, cơn sóng "Bạch Hải đường" đã lắng lại. Các diễn đàn mua bán cây, các bài đăng về loại cây này không còn thu hút lượt tương tác "khủng" như trước. Việc 'hét giá' đã không còn tác dụng, đơn cử, một cây "Bạch Hải đường" cao 2m, cách đây 2 tuần được chào bán với giá 200 triệu đồng, giờ chủ cây liên tục thông báo giảm sâu xuống còn 30 triệu đồng nhưng vẫn không thu hút được người quan tâm, hỏi mua.
Thậm chí, nhiều người đã diễu cợt những người 'thổi giá'. Tài khoản có tên Đ.X.P đăng bài trên nhóm “Bạch hải đường (hải đường trắng)” đặt câu hỏi vì sao có nhiều nhà vườn rao bán hải đường trắng chỉ với giá 39 nghìn đồng/cây nhưng không hiểu tại sao lại có nhiều người chấp nhận đi mua 1 triệu đồng/hom(bầu).
“Rất dễ hiểu thôi, tại thời điểm này thực ra rất ít người mua bạch hải đường khi nó làm giá rất cao. Hơn nữa, phần lớn người chơi cây cảnh đã rút ra được bài học kinh nghiệm trong đầu tư vào cây sanh, lan đột biến. Hằng ngày, hàng giờ, “họ” phải tuyên truyền, dàn dựng những phi vụ mua bán lớn… Mọi người nên tỉnh táo, đừng để mất tiền mua về thứ chằng có giá trị gì!”, tài khoản Đ.X.P viết.
Nhiều người đăng bài khuyến cáo nên tỉnh táo, "đừng để mất tiền mua về thứ chẳng có giá trị gì".
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, trên các sàn thương mại điện tử, giá của một cây "Bạch hải đường" cũng chỉ từ 40.000-400.000 đồng/cây.
Nhiều tài khoản đăng nhiều tin/bài với nội dung tương tự kèm theo những những bài viết từ những tờ báo chính thống cảnh báo ‘cơn sốt” ảo. Thậm chí, có người còn comment (bình luận) chế giễu: "Đừng mua hải đường đột biến, tôi có su hào bạch tạng, bán chỉ một tỷ đồng", kèm hình ảnh củ su hào trắng.
Xem xét kỹ những hình ảnh về bạch hải đường được rao bán trăm triệu, tỷ đồng, GS.TS Ngô Quang Ðê, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp (Trường Ðại học Lâm nghiệp), nhận định : Cây bạch hải đường này giống với cây sen thân gỗ (hay còn gọi là sen đất). "Hoa là giống nhau, lá cũng tương tự. Ðể khẳng định, cần phải xem các cây bạch hải đường họ bán tiền tỷ có gì khác không nhưng có thể khẳng định gần như chắc chắn, bạch hải đường là cây sen đất. Về ý kiến cho rằng, bạch hải đường là cây hoa dạ hợp, GS Ðê cho hay, nhà ông có nhiều cây dạ hợp. Hoa dạ hợp cũng màu trắng giống hoa sen đất nhưng nhanh tàn, cây nhỏ, không to như sen đất.
"Sen đất chỉ cần giâm cành cũng lên cây. Người ta đã làm được, bán 100.000 – 200.000 đồng/cây giống. Trường hợp là hải đường đột biến thật cũng không thể đắt như thế vì hải đường rất dễ nhân giống. Nếu bạch hải đường là hoa dạ hợp lại càng rẻ vì cây này phổ biến, dễ nhân giống. Ðây chỉ là trò thổi giá, lừa đảo mà thôi", GS Ðê nói.
(Theo Tiền Phong)