- Theo thời gian những nỗi đau và nỗi nhớ cũng nguôi đi, và không còn chọn lựa nào khác nên phụ nữ Việt bị bán qua biên giới chấp nhận những người chồng đã mua mình như 1 món hàng, rồi “chung lưng đấu cật” để gây dựng tương lai.

Chồng đã mua vợ như một món hàng
Cuộc gặp gỡ và trò truyện bất ngờ với những phụ nữ làm dâu ở đảo Hải Nam

Khi nhắc đến đảo Hải Nam nhiều người Việt thường nghĩ đến những cuộc thi Hoa hậu thế giới, hay 1 hòn đảo nho nhỏ, xinh xinh trên bản đồ. Riêng tôi, khi nghĩ đến đảo này tôi nhớ đến những xóm cô dâu Việt đông đúc. Họ nhiều đến nỗi, chỉ ở 1 xóm nhỏ dâu Việt họp lại có từ 30 đến 40 người. Họ lập thành hội, gặp nhau vào những dịp lễ tết để ăn uống, rủ nhau chung tiền chơi phường, gói bánh và chia sẻ về những câu chuyện chồng con, nhà cửa.

Ngồi cạnh những phụ nữ Việt trên chuyến xe đi về cửa khẩu, tôi được nghe những họ tâm sự về số phận của mình, từ lần bị lừa bán đến những lần chạy trốn không thành... Những câu chuyện các chị kể khiến tôi chẳng thể nguôi cảm giác xót xa.

“Hồi đó tôi mới 18 tuổi, lấy chồng vừa được 1 tháng thì chồng phải đi bộ đội. Ở nhà cô quạnh quá tôi mới tính đi kiếm việc làm. Thấy người chị họ xa rủ đi buôn bán, tôi háo hức lắm. Ai ngờ mải miết theo đường xe cộ lên đến Lạng Sơn và bị bán lúc nào không hay”, chị Ngọc tâm sự những điều còn xót lại trong kí ức, sau 12 năm ở xứ người.

Câu chuyện của chị Hà (Bắc Giang) bị lừa đi bán nghe còn bất ngờ hơn, chị bị bán đùa mà thành thật. “Lúc ấy tôi còn trẻ, mới 17 tuổi thôi. Ở nhà lam ruộng vất vả, thấy mấy người trong thị trấn rủ sang Bắc Ninh làm may tôi đi theo luôn... Sau đó họ rủ ngọt mình “đi làm hàng quay” (bán “hàng” giả vờ, sau khi bán thì “hàng” quay trở về)  , tôi đi theo sự chỉ dẫn của họ và bị bán”.

Từ bán “giả vờ” (Hà nghĩ), chị Hà bị bán thật. Chị kể lại “khi bị nhốt ở Bằng Tường (một địa danh ở cửa khẩu Lạng Sơn), bị người ta quản thúc từ việc ăn, uống, đi vệ sinh, tôi đã nghĩ mình không thể thoát nổi, nhưng chỉ nghĩ tôi không gặp may, không nghĩ bị lừa. Sau này ở bên đất Trung Quốc có kể chuyện với bạn bè đồng hương tôi mới hiểu rõ ngọn nguồn. Tôi bị người chị cùng ăn, nằm, tâm sự bán đi như vậy”. Nhẹ dạ, cả tin, và có một chút tham lam, ảo vọng khiến chị Hà bị bán.

Ở đảo Hải Nam chị Hà bị bán vào gia đình nông dân với người chồng gần 40 tuổi. Chị Ngọc bán vào một gia đình nông dân khác với chồng đã hơn 40 tuổi. Các chị nhớ lại: So với tiền thời điểm cách đây hàng chục năm, mình đã bị bán với giá khoảng 11 triệu. Người mua thì được chọn, còn người bán chịu phận “hạt mưa sa” .
 
Có nghề nào dễ hơn nghề “buôn người”?


Những người phụ nữ Việt giống như Hà, Ngọc ở đảo Hải Nam nhiều vô kể. Chỉ vì một chút nhẹ dạ, một “gợn” tham lam, hay cái mong mỏi kiếm việc nhàn hạ hơn làm ruộng mà các chị bị bán dễ dàng. Giá của hàng chục năm trước, cho “món hàng” là phụ nữ Việt là từ 3 đến 6 triệu tiền Việt (tương đương với 1,5 đến 2 nghìn tệ).  Được coi là “hàng”, các chị được canh chừng cẩn trọng. Nhiều phụ nữ Việt ban đầu muốn trốn nhưng vì lẽ không biết đường đi nước bước, không biết tiếng nói, không có tiền nên đa số các chị không trốn nổi.
Những phụ nữ với sự lam lũ hiện lên trên khuôn mặt sau những tháng năm làm dâu nước ngoài

Nói về thời gian khốn khó ban đầu chị Ngọc chia sẻ “ngày nào tôi cũng khóc, khóc đến sưng húp hai bên mắt. Tôi thương chồng bên Việt, lo cho phận của mình”.

Thế nhưng có một điều xót xa mà tôi ghi nhận được qua lời kể của những phụ nữ Việt đã và đang sống ở đảo Hải Nam đó là tình trạng phụ nữ buôn bán lẫn nhau... Sau những ngày chịu đủ đắng cay, cơ cực của việc là 1 món hàng, thì nhiều phụ nữ Việt vì lòng tham đã cố tình trở thành những “đại lý” buôn gái từ Việt sang để bán cho những người đàn ông Trung.

Chỉ cần cái vốn là sự thông thuộc tiếng Trung, và hiểu đường đi lại là họ có thể về quê, dùng những lời “ngon ngọt” để dụ những cô gái ở làng theo cùng. Họ hứa tạo việc làm với thu nhập cao và vẽ ra viễn cảnh sung sướng khiến nhiều người có thể mắc lừa. Với thời giá hiện tại, họ bán những người đồng hương với giá rẻ bèo “từ 10 đến 12 triệu đồng, tương đương với khoảng 3 đến 6 nghìn tệ”.
 
Ám ảnh những nỗi buồn may rủi

Cô dâu Việt đang sống ở đảo Hải Nam đến từ nhiều tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Lạng Sơn, Bình Dương, Bến Tre, Hà Nội... Họ cũng là người của nhiều dân tộc khác nhau như H’Mông, Tày, Nùng, Dao, Mường...

Tuổi tác của mỗi người một khác, có người bị bán khi 16 tuổi, có người bị bán khi đã 30 tuổi. Phụ nữ bị bán không được quyền chọn chồng, họ phải nhận người chồng đã mua mình bằng tiền. “Nói sướng hay khổ của chúng tôi thì khó lắm, nó do người chồng Trung Quốc quyết định nhiều hơn”.

Cũng có nhiều phụ nữ Việt chọn cách chạy trốn khi biết người chồng “bạo lực”, hay “chỉ giỏi cờ bạc rượu chè”, những cuộc chạy trốn để kiếm vận may  “trốn nơi này ra nơi khác, trốn người chồng Trung Quốc này để lấy người chồng Trung Quốc khác, mong sướng hơn và tất cả cuối cùng cũng chỉ ở trên đảo này thôi”.
 
Bàn tay chị Hà, Ngọc đều rất sần sùi, làm dâu “ngoài nước” nhưng đa số các chị đều vất vả 4 mùa vì đều là làm nông nghiệp. Làm dâu ở đảo Hải Nam phụ nữ Việt biết trồng cao su, điều, tiêu, cau, cấy lúa nước và chăn nuôi trâu bò. Nhà chị Hà có 2 sào ruộng nương để cấy lúa, nuôi 3 con bò và có hơn 1000 gốc cao su... Chị tính rành mạch “Trồng lúa và chăn nuôi đủ ăn, còn cao su cạo lấy mủ bán thì để dành dụm”.

Lấy chồng Trung Quốc được khoảng 12 năm,  Hà và Ngọc đều có 2 con (1 trai, 1 gái) thế nhưng cả 2 phụ nữ Việt này đều “ngoài vòng pháp luật”, bởi không họ không có giấy đăng kí kết hôn và không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh mối quan hệ với những người chồng Trung.

Tôi tỏ ra lo lắng những cuộc cãi vã, chia tay sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các chị sau nhiều năm làm việc hay cống hiến cho nhà chồng, các chị chỉ cười xuề xoà. Những chị nắm trong tay chi, tiêu của gia đình thì tỏ ra yên tâm và chắc chắn, còn lại đa số các chị khác đều bị ám ảnh “1 điều trốn, 2 điều trốn, mong tìm được người đàn ông tốt hơn’’.

Với đa số những cô dâu Việt sống trên đảo Hải Nam, phận mình không do mình quyết định mà do đời với may rủi quyết định.

  • Ngô Minh Hải
(Còn tiếp…)
Bài 2: Đã cúng linh hồn… nhưng người vẫn trở về đoàn viên