XEM CLIP:
Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Lê Văn Lợi (75 tuổi) - bố Đại úy Lê Xuân Trường hôm nay đón rất đông người thân, hàng xóm. Người dân xã Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) chưa thể tin về sự ra đi của Đại úy Trường, cả xã có mình anh được làm phi công và còn là giáo viên dạy bay.
Rạp được dựng lên giữa cái nắng hè gay gắt, những giọt mồ hôi hòa nước mắt rơi trong nỗi đau đớn, thương tiếc của đồng đội, bạn bè, người thân đến chia buồn cùng gia đình anh.
Anh hứa rất nhiều nhưng chưa kịp thực hiện
Đại úy phi công Lê Xuân Trường sinh năm 1986, là học viên khóa 37 Trường Sĩ quan Không quân, hiện là giảng viên bay, Biên đội trưởng, Phi đội 1 Trung đoàn 920. Vợ anh là công nhân viên quốc phòng Trung đoàn 920, anh chị có 2 con gái, cháu đầu sinh năm 2014, cháu thứ 2 mới 3 tháng tuổi.
Bức ảnh kỷ niệm chuyến bay đơn đầu tiên của Đại úy Lê Xuân Trường, phía sau là chiếc máy bay IAK 52 |
Ít được về quê do công việc bận rộn, anh thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố và các anh chị em.
Bần thần ngồi góc sân tiếp chuyện những người đến hỏi thăm, anh Lê Xuân Đạo (37 tuổi, em họ phi công Lê Xuân Trường) kể hầu hết họ hàng sinh sống ở quanh đây, mọi người đều nghỉ làm túc trực chờ tin tức đón di hài anh. "Dù biết em đã hy sinh nhưng thật tâm vẫn chưa tin đây là sự thật. Ai cũng mong điều kỳ diệu sẽ đến, người em, người cháu sẽ bình yên trở về...", anh Đạo trào nước mắt.
Trong họ hàng nội ngoại, anh Đạo là người gần gũi nhất với Đại úy Trường, vì 2 người chỉ cách nhau vài tuổi, lớn lên cùng nhau, trải qua biết bao kỷ niệm vui buồn. Đại úy Trường sống ở miền Trung còn anh Đạo sống ngoài Hà Nội, tuy cách xa là thế nhưng 2 người vẫn thường xuyên tâm sự với nhau.
Anh Đạo nhớ rất rõ lần cuối cùng được gặp người em vào ngày 29/3 vừa qua, 2 anh em hứa hẹn với nhau rất nhiều.
Anh Lê Xuân Đạo bật khóc khi nói về người em mới hy sinh |
Hồi đầu năm, gia đình 22 người từ Hà Nội cùng nhau bay vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để ăn mừng đầy tháng con gái anh Trường. Anh Đạo kể: "Chúng tôi vui lắm, vì lâu lắm rồi mới được gặp lại gia đình em nhưng không ngờ đó lại là lần cuối cùng".
"Trường hứa rất nhiều, từ chuyện sẽ về thăm nhà thường xuyên hơn, đến chuyện tháng 7 này là tròn 3 năm ngày mất của mẹ, nó sẽ xin về lâu để tổ chức giỗ. Rồi tính đến chuyện sau này về già không được phục vụ quân đội nữa, nó sẽ xin về quê ở," anh Đạo chia sẻ.
Chị Phạm Thị Truyền (em họ phi công Lê Xuân Trường) nhớ lại: "Khi đó, Trường có mời anh em họ hàng vào thăm, càng nhiều người vào càng tốt, em mời nhiệt tình dù đi chỉ 3 ngày nhưng 22 người trong gia đình cố thu xếp để gặp các em và các cháu. Giờ nghĩ lại gia đình mới thấy đó như 1 điềm báo để cả nhà lần cuối được gặp mặt Trường".
Tối qua, 6 người trong gia đình từ Hà Nội đã nhanh chóng thu xếp bay vào Khánh Hòa để tổ chức tang lễ cho anh.
Phi công Lê Xuân Trường khi mới được bay |
Nóng tính và mạnh mẽ
Hơn 1 ngày kể từ khi biết tin con trai hy sinh, ông Lê Văn Lợi tóc ngả màu, đôi mắt thâm quầng vẫn gượng tiếp mọi đoàn khách đến thăm. Nén nỗi đau "người đầu bạc tiễn người đầu xanh", ông kể, trưa qua, đang ăn cơm, ông nhận được điện thoại của người thân trên phường thông báo có máy bay rơi trong Khánh Hòa nhưng không biết có phải đơn vị con ông không.
"Tôi lúc đó đã linh tính có chuyện gì rồi. Tôi vội gọi điện cho con dâu nhưng không thể liên lạc được, sau vài cuộc gọi cho ông bà thông gia mới có người bắt máy", ông nghẹn ngào.
Ông thông gia nói: Anh ơi, có chuyện rồi, chuyến bay của Trường gặp nạn, em đang từ Nha Trang xuống đó, có gì em sẽ gọi sau. Ông Lợi bỏ dở bát cơm. Nửa tiếng sau, ông nhận được tin con trai hy sinh, lúc đó tim ông đau thắt lại, người vã hết mồ hôi, đứng không vững nhưng ông vẫn từ từ gọi điện cho anh em con cháu thông báo sự việc.
Ông Lê Văn Lợi (bố của Đại úy Lê Xuân Trường) |
Trước đây, ông Lợi là quân nhân trong ngành vận tải không quân, vợ ông cũng phục vụ trong quân đội, con gái đầu của ông bà làm trong quân đội, đến anh Trường cũng vào không quân. Gia đình anh luôn là niềm tự hào của bà con lối xóm.
Năm 2006, chàng trai Lê Xuân Trường với tinh thần tuổi trẻ, ưa mạo hiểm, thích cảm giác mạnh đã quyết tâm thi vào Trường Sĩ quan không quân và đã đỗ ngay sau đó, dù đôi lúc ông Lợi cũng chạnh lòng vì con sẽ phải xa nhà, nghề nghiệp nguy hiểm. "Hồi đó nó quyết tâm lắm, vợ chồng tôi cũng không ép gì cả, sinh vào năm hổ nên tính nó cũng nóng như lửa, người lại nhỏ con nên gia đình cũng lo lắng cháu vào huấn luyện trong quân đội sẽ gặp khó khăn.
Gia đình phi công Lê Xuân Trường mong ngóng thông tin từ Nha Trang |
Nó hứa với tôi là không phải lo gì, con sẽ cố gắng, tôi cũng chỉ biết động viên cháu", ông Lợi chia sẻ.
Đúng như lời hứa, sau 2 năm, anh Trường được bay chuyến đầu tiên, rồi sau 5 năm học anh được giữ lại làm giảng viên. "Tôi nhớ rõ lắm, cái ngày đầu tiên cháu được bay, nó tự hào gọi điện về khoe, 2 vợ chồng tôi bật khóc vì ước mơ của con được thực hiện. Dù đã có kinh nghiệm nhiều giờ bay, nhưng những lần con bay tôi vừa mừng vừa lo".
Ngày nào cũng như vậy, cứ tối 8-9h là anh gọi điện về cho ông. "Điện thoại zalo, mỗi lần gọi về 2 bố con tôi nói chuyện rất lâu, giờ còn nhìn thấy cả mặt nhau nữa, trông thấy vợ chồng và các cháu, tôi đều mừng vì các con luôn nói ổn".
Căn nhà gia đình đại úy Lê Xuân Trường |
Sống xa con, ông cố gắng bù đắp bằng cách thường xuyên vào thăm và ở thật lâu với cháu nội, cũng là giúp con trai và con dâu ông yên tâm làm nhiệm vụ. Cách đây 2 ngày khi gọi cho ông, anh Trường còn hứa cố gắng sắp xếp để tháng 7 tới về thăm ông và tổ chức giỗ cho mẹ, thế nhưng không ngờ đó là lần cuối ông được nhìn mặt anh.
Hai phi công sẽ được truy điệu, hỏa táng vào ngày mai 16/6, lễ nhập quan và tổ chức lễ viếng tại TP Nha Trang. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, sẽ làm lễ truy điệu và sau đó hỏa táng, đưa 2 phi công hi sinh về quê tại Hà Nội. Hiện nay thi hài của 2 phi công đang được lưu giữ tại bệnh viện Quân y 87, TP Nha Trang. |
Món quà nhỏ phi công 21 tuổi tặng mẹ trước lúc hy sinh ở Khánh Hòa
Dành dụm được 2 triệu từ tiền trợ cấp, phi công Đào Văn Long gửi về mua tặng mẹ chiếc dây chuyền nhân ngày 8/3.
Mộc Miên