Những ngày tháng sống trong đại dịch Covid-19 hẳn sẽ trở thành những hồi ức không bao giờ phai trong tâm trí của mỗi chúng ta.
Không chỉ phải học cách làm quen với một cuộc sống “bình thường mới”, học nói không với việc xê dịch dù chỉ là bước vài bước chân ra đầu ngõ mua hàng hay chạy bộ ra công viên tập thể dục… mỗi chúng ta còn được chứng kiến vô số những trải nghiệm “cười ra nước mắt” khi phải ra sức vun vén gia đình, cần mẫn tích trữ từng củ hành, tép tỏi.
Cũng chính trong khoảng thời gian này, tôi tham gia đội tình nguyện phòng chống dịch của thành phố. Theo chân đoàn tình nguyện viên, tôi chứng kiến biết bao những hành động tốt đẹp như chia sẻ lương thực cho bà con trong khu cách ly, vận chuyển đồ đạc giúp các bệnh nhân trong khu điều trị, hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế thậm chí nhường cho nhau từng liều vắc xin… Tất cả đủ để thấy những tử tế và bao dung mà mỗi người dành cho nhau trong đại dịch.
Trong những thời điểm ấy, ngoài những vấn đề mang tính hệ trọng như sinh mệnh, quá trình hồi phục của thế giới sau đại dịch..., bản thân tôi bắt đầu thấu hiểu hơn ý nghĩa của sự cho đi và sẻ chia.
Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Học cách cho đi vật chất
Dưới chân cầu thang nhà tôi, từ khi có dịch bệnh bùng phát đến nay, đều để sẵn một chiếc bàn gỗ chất đầy thực phẩm. Nhiều mạnh thường quân hay ghé sang cho chúng tôi đủ loại thực phẩm hôm thì rau củ, hôm lại vài quả trứng.
Gia đình tôi, dù kinh tế không quá eo hẹp, vẫn được mọi người gửi cho rất nhiều thực phẩm tươi ngon. Chẳng hiểu sao, tôi cứ cảm thấy xúc động mỗi lần dùng bữa với những thức ăn đạm bạc nhưng thấm đẫm tình người ấy.
Không chỉ có những người hàng xóm trong khu chung cư mà hầu như tất cả mọi người đều mong muốn cho và san sẻ thực phẩm trong khả năng của mình. Cũng bởi, mọi người đều ý thức được giá trị đắt đỏ của thực phẩm trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Do đó, dù sống trong tâm dịch nhưng bản thân tôi vẫn nhận được rất nhiều món quà “xa xỉ” như gạo trắng, cá khô, lạp xưởng thậm chí cả những ổ bánh mì thơm phức.
Từ trường hợp của cá nhân nhìn rộng ra xã hội, tôi học được biết bao sự trân quý và biết ơn mọi người. Biết ơn những người nông dân không ngừng cày cuốc quanh năm để tặng Sài Gòn những hạt gạo trắng thơm tho. Biết ơn những đoàn xe thiện nguyện không quản ngại khó nhọc, đi khắp mọi miền nhằm giúp một Sài Gòn không thiếu hụt lương thực trong cơn dịch bệnh. Biết ơn cả những tổ chức trong và ngoài nước đã nhanh chóng trao tặng rất nhiều vắc xin, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết cho Sài Gòn vượt qua dịch bệnh.
Học cách sẻ chia tinh thần
Những ngày giãn cách, tôi rất thích theo dõi mạng xã hội vì cảm nhận được vô số sẻ chia về tinh thần của mọi người dành cho nhau. Thay vì chỉ trích, phê phán hoặc đưa ra những thông tin tiêu cực, nhiều cá nhân lại chọn cách lan tỏa thông điệp tích cực, mang hơi thở lạc quan cho cuộc sống.
Bên cạnh đó, hàng loạt các thông tin tư vấn chữa bệnh miễn phí dành cho cộng đồng cũng được chia sẻ phổ biến trên mạng xã hội. Các lớp học online, thư viện miễn phí, thậm chí những quyển sách học thuật góp ích cho việc nghiên cứu, cũng được mở ra rộng rãi.
Mỗi thành viên trong gia đình vẫn luôn nỗ lực trao nhau tình yêu thương, sự sẻ chia và chăm sóc tận tình. Đời sống tất bật khiến mỗi người chúng ta hiếm có thời gian dành cho nhau như lúc này.
Chưa bao giờ, gian bếp của mỗi nhà lại đỏ lửa ngày đêm, nhà cửa được vệ sinh gọn gàng, đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp. Có cảm tưởng, mỗi ngôi nhà chính là một pháo đài kiên cố mà ấm áp, chất chứa biết bao kỳ vọng và mơ ước của mỗi người trong cơn dịch bệnh.
Học cách cho đi cả bản thân mình
Trên đường đến nơi làm thiện nguyện, tôi thấy các anh dân phòng và một số bạn thanh niên trẻ vẫn miệt mài làm việc dưới cơn mưa phùn lất phất. Nhìn hình ảnh ấy tôi rất xúc động.
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất tù túng, mỏi mệt vì cuộc sống bị “giam lỏng” nhiều ngày nhưng hãy thầm cám ơn cuộc đời vì mỗi người chúng ta còn được an trú và khỏe mạnh ở trong nhà.
Để đổi lấy những giây phút bình yên ấy cho chúng ta, rất nhiều người ở ngoài kia, nơi tuyến đầu chống chọi với dịch bệnh đang khổ sở, lao đao và mỏi mệt đến đâu. Họ phải chấp nhận tình trạng rủi ro vì bệnh dịch rình rập, tạm rời xa mái ấm gia đình trong suốt một thời gian dài, thậm chí hy sinh cả cuộc sống riêng tư rất an lành của mình.
Họ đã dạy cho chúng ta một bài học rất giá trị về sự hi sinh, vì nếu ai cũng chần chừ không dám hi sinh, cuộc sống này sẽ ra sao?
Học cách cho đi và sẻ chia để nhận lại những điều vĩ đại hơn là việc mà mỗi cá nhân chúng ta nên làm trong đại dịch Covid-19. Đúng như William Wordsworth đã từng nói: “Phần đẹp nhất trong đời một người tốt là những hành động tử tế và yêu thương nhỏ bé, vô danh, không được nhớ đến”.
Hãy cứ cho đi một cách bền bỉ, kiên nhẫn và đầy bao dung với cuộc đời, bạn nhé.
Độc giả Trần Xuân Hiệp
Tình người là thứ rực rỡ nhất nơi tuyến đầu chống dịch
Khi bạn làm việc tại nhà trong kỳ giãn cách, ngoài kia có rất nhiều bác sĩ, y tá... ngày đêm điều trị cho F0, rất nhiều tình nguyện viên miệt mài hỗ trợ người dân trong khu phong toả.