Hệ thống bảo lãnh thông quan cho phép doanh nghiệp nhập khẩu được giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu, chỉ thực hiện các nghĩa vụ về thuế, yêu cầu điều kiện, giấy phép về kiểm tra chuyên ngành sau khi thực hiện thông quan hàng hóa.
Nhờ đó, hàng hóa của doanh nghiệp nhanh chóng được giải phóng thay vì đắp chiếu chờ thủ tục khiến lãng phí tiền của. Đây là công cụ hữu hiệu giải quyết những bất cập của công tác kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại.
Mô hình này đã áp dụng ở nhiều nước phát triển như Autralia, Canada, Phần Lan, Thụy Điển, Ireland, Đan Mạch... trong đó, hệ thống bảo lãnh thông quan ở Mỹ đã có từ năm 1930 với nhiều ưu điểm giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề nhập khẩu nhanh chóng, hàng hóa lưu thông dễ dàng.
Theo đại diện Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF), tại Mỹ, mọi lô hàng nhập khẩu thương mại có trị giá từ 2.500 USD phải đi kèm bảo lãnh thông quan hoặc một hình thức đảm bảo phù hợp khác. Hầu như mọi hoạt động nhập khẩu hàng hóa ở Mỹ đều được thực hiện dưới bảo lãnh thông quan. Ở đất nước này, bảo lãnh thông quan có hiệu lực trong khoảng thời gian một năm, một số có thể được gia hạn.
Bên cạnh đó, hơn 95% bảo lãnh thông quan được phát hành mà không cần tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp chỉ được sử dụng cho các trường hợp liên quan đến chống bán phá giá và các hàng hóa phức tạp khác.
"Trong trường hợp hàng hoá không tuân thủ quy định, số tiền phạt vi phạm sẽ là 3 lần giá trị hàng hóa cộng tiền thuế phí. Các hướng dẫn cũng được xây dựng chi tiết để xác định khi nào hàng hóa được giải phóng và đưa vào thị trường thương mại tại Mỹ", đại diện GATF cho biết.
Tại Việt Nam, thủ tục liên quan đến thuế, nhập khẩu còn nhiều hạn chế, tốn thời gian, thậm chị còn gây thiệt hại hàng tỷ USD. Từ kết quả ứng dụng hệ thống bảo lãnh thông quan của các nước phát triển, Việt Nam đang nghiên cứu để áp dụng mô hình này vào thực tế, nhằm hiện đại hóa các quy trình thủ tục quản lý rủi ro và tuân thủ sau thông quan.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nên áp dụng một hệ thống bảo lãnh thông quan theo mô hình Mỹ để đạt được nhiều lợi ích thương mại và để bảo vệ kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà các xung đột thương mại đang leo thang.
Hệ thống bảo lãnh thông quan sẽ làm giảm đáng kể các trì trệ trong quá trình nhập khẩu bằng cách cho phép chuyển các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành sang cơ chế sau nhập khẩu, thay vì phải hoàn thành các yêu cầu này mới cho thông quan, như cơ chế hiện nay.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng việc thực hiện đầy đủ các cam kết của Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại trong khuôn khổ WTO (WTO TFA) sẽ làm tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hệ thống bảo lãnh thông quan là một công cụ cần thiết cho tạo thuận lợi thương mại.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giảm một ngày thực hiện thủ tục thương mại sẽ tạo ra mức tăng lên đến 2,13 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, hệ thống bảo lãnh thông quan sẽ là một công cụ giúp Chính phủ Việt Nam kiểm soát được các hoạt động thương mại nhiều rủi ro có thể dẫn tới xung đột thương mại với các quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu tới, bằng cách đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về khai báo nước xuất xứ của hàng hoá.
Điều này là quan trọng để bảo vệ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ nguồn chế biến với nguyên liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam sẽ tiết kiệm được chi phí nhập khẩu vì bảo lãnh thông quan không cần tới các khoản đặt cọc hoặc chi phí như chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.
Mô hình Bảo lãnh thông quan có nhiều ưu điểm song theo đại diện GATF, khi nghiên cứu áp dụng một hệ thống bảo lãnh thông quan, Việt Nam cần xác định rõ khó khăn đang phải đối mặt.
Một trong những khó khăn mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam gặp phải là làm sao để khu vực tư nhân và khu vực công phối hợp nhịp nhàng, nhất là tại các quốc gia mà trước giờ chưa hoặc ít có sự hợp tác công-tư này.
"Mỗi quốc gia cũng cần tiến hành xây dựng năng lực cho ngành bảo hiểm để tạo đội ngũ nhân sự mới hoặc giao trách nhiệm cho các nhân sự hiện hữu quản lý chương trình bảo lãnh thông quan. Tất nhiên điều này tuỳ thuộc vào năng lực và mô hình của từng công ty", đại diện GATF cho hay.
Theo ông, một điều quan trọng không kém là việc xây dựng hệ thống phân phối bảo lãnh trong dài hạn để triển khai hệ thống bảo lãnh thông quan sau chương trình thí điểm hay giai đoạn mở đầu của hệ thống này.
Dự kiến, cơ chế bảo lãnh thông quan bước đầu sẽ được thí điểm từ năm 2020 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF). Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020 giảm thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu từ 108 giờ xuống 60 giờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu từ 138 giờ xuống 80 giờ.
Bên cạnh đưa công nghệ mới vào, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn sẽ là mục tiêu được các bộ, ngành theo đuổi khi khâu thông quan còn nhiều vướng mắc.
(Theo Dân Trí)