- Hiện nay, thế giới có hai vấn đề nổi bật đó là toàn cầu hóa và hiện đại hóa công nghệ, các vấn đề này đều có thể trở thành mục tiêu mà các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thể thao túng cấu trúc thuế để đạt được lợi thế hoặc trốn thuế. Vậy nhiều nước đã phát triển đã áp dụng chính sách cải cách thuế trong vài thập kỉ qua để đối phó với những vấn đề này như thế nào?
Xu thế toàn cầu hóa và hiện đại hóa
Toàn cầu hóa và hiện đại hóa là hai xu thế tất yếu đã và đang là mối quan tâm lớn không chỉ ở các quốc gia đang phát triển nói riêng, mà còn trên phạm vi toàn thế giới nói chung. Sự tất yếu này, đầu tiên và quan trọng nhất được biểu hiện ở lĩnh vực kinh tế - lĩnh vực mà sự phát triển của nó gắn liền với một “công cụ”, một biện pháp tài chính bắt buộc của Nhà nước, hay còn gọi là Thuế.
Có thể thấy, toàn cầu hóa tạo nên những cơ hội hội nhập cho một nền kinh tế đang phát triển, giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa. Theo số liệu khảo sát các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 (Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2016), yếu tố được các doanh nghiệp đánh giá là có ảnh hưởng nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của Doanh nghiệp trong 5 năm vừa qua đó là mở rộng thị trường (73%) và tăng trưởng thị trường trong nước, khu vực (69%). Điều đó cho thấy xu hướng hiện tại và trong tương lai sắp tới là sự mở rộng và hội nhập của các doanh nghiệp đối với thị trường khu vực và quốc tế.
Các yếu tố đóng góp nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của các DN trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 (Nguồn: Khảo sát các DN V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng -9-10/2016) |
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực mà xu thế này mang lại cũng không hề ít, đặc biệt khi tốc độ phát triển của nó vượt quá khả năng kiểm soát của các nước đang phát triển như Việt Nam, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý thuế, hình thành nên những thao túng trong cấu trúc thuế, sự tận dụng ưu đãi thuế của các công ty, tập đoàn đa quốc gia nhằm thu lợi thế hoặc thậm chí trốn thuế.
Những bất cập gặp phải
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng lên, tính đến tháng 8 năm 2016, tổng các dự án đầu tư được giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, các thách thức đặt ra ở đây là làm sao để các cơ quan làm chính sách và quản lý thuế vừa đáp ứng được các mục tiêu khuyến khích đầu tư lại vừa có thể đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực, tránh gây thất thoát nguồn thu do những lỗ hổng trong chính sách vẫn còn tồn tại.
Thực tế tồn tại rất nhiều trường hợp các công ty, tập đoàn đa quốc gia lớn tận dụng ưu đãi thuế và sau đó dựa vào biện pháp quản lý thuế chưa hiệu quả để giảm lợi nhuận, tăng chi phí, trốn tránh nghĩa vụ thuế thông qua chuyển giá tại Việt Nam. Tính đến nay, hiệp định tránh đánh thuế hai lần - điều kiện pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp chống chuyển giá đã được Việt Nam ký với trên 50 quốc gia trong tổng số khoảng 200 quốc gia có quan hệ thương mại. Mặc dù vậy, hiện tượng báo lỗ triền miên, liên tục nhưng lại vẫn tiếp tục đầu tư và thậm chí mở rộng kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI thì vẫn còn tồn tại và đang nhức nhối từng ngày.
Các biện pháp như áp dụng thống nhất một mức thuế suất phổ thông và ưu đãi thuế đối với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt DNNN, FDI và kinh tế tư nhân; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật; hay xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành nghề kinh doanh đã và đang được nước ta áp dụng. Tuy nhiên, cho dù cơ quan thuế đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của 12.000 doanh nghiệp FDI, thì việc điều tra trốn thuế, chuyển giá vẫn không hề dễ dàng gì. Trường hợp của Metro Việt Nam có lẽ chỉ là một điển hình nhỏ đã được giải quyết và truy thu khi kết quả mang về hơn 507 tỷ đồng thất thoát sau hơn 12 năm đầu tư “lỗ” vào nước ta.
Kinh nghiệm của các nước đã phát triển
Từ những năm 1980, những quy định về chống chuyển giá đã được các nước phát triển nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đưa ra. Mười năm sau đó, các biện pháp chống chuyển giá cũng được Trung Quốc xây dựng và thực hiện. Nhận thấy rằng, các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu hầu như không áp dụng các cơ chế ưu đãi thuế TNDN vì họ cho rằng nếu quản lý thuế không chặt chẽ sẽ dẫn đến hệ quả bị trốn thuế và tránh thuế. Lập luận này xuất phát từ thực tế là các tập đoàn đa quốc gia thường có những chuyên gia thuế nhằm xây dựng các phương án, kế hoạch đầu tư tính toán vào nước nào để đạt được kết quả số thuế TNDN phải nộp là thấp nhất cho thu nhập của toàn bộ tập đoàn.
Cơ chế thỏa thuận giá trước APA
Cơ chế APA (viết tắt của ‘advance pricing agreement’) là một dạng thoả thuận trước bằng văn bản về phương pháp xác định giá chuyển giao được thiết lập giữa các bên có quan hệ liên kết trước khi diễn ra giao dịch, và văn bản này được thông qua giữa đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế. Với một sự thỏa thuận trước về phương pháp tính giá giữa các bên liên quan, cơ quan thuế các nước vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tại nước xuất khẩu vốn và nước nhận đầu tư, vừa có thể quản lý được vấn đề chuyển giá theo nguyên tắc thị trường.
Những lợi ích mà cơ chế APA mang lại đã và đang được công nhận ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Cơ chế này không chỉ rào trước các thỏa thuận về giá, mà còn dựng nên sự chắc chắn trong việc áp dụng các nguyên tắc định giá chuyển giao theo định kỳ cho cả người nộp thuế và cơ quan thu thuế.
Sử dụng mức giá thị trường
Chuyển giá hay trốn thuế, tránh thuế đang tồn tại khắp nơi và dưới nhiều hình thức, hiện nay một trong những hình thức đã được áp dụng khá phổ biến là giám sát dựa trên nguyên tắc xác định giá thị trường. Theo đó, giá thị trường tại thời điểm diễn ra thỏa thuận, giao dịch định kỳ sẽ được so sánh với một giao dịch tương tự trên thị trường. Phương pháp này đảm bảo được tính khách quan trong việc điều tra về mức giá chuyển giao giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, bất cập đặt ra khi một số ngành đặc thù không có sản phẩm tương ứng trên thị trường thì không có mức giá nào để so sánh. Hơn nữa, tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có một cơ quan nào chuyên trách về việc xác định giá thị trường của một sản phẩm, dịch vụ, chính vì thế sẽ không có căn cứ nào để xác định có chuyển giá hay không.
Nhìn chung, trong sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, sự tăng cường ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao sản xuất kinh doanh cùng tính cạnh tranh khốc liệt, trốn và lách thuế là một trong những cách để các doanh nghiệp tăng lợi nhuận đầu tư. Bài học kinh nghiệm thấy được từ những nước đang phát triển cho thấy để tránh bị lợi dụng trong công tác thu thuế, Việt Nam không chỉ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong các cơ sở, ban ngành, mà còn cần có những cơ chế hiệu quả hơn để “rào” trước những rủi ro, thách thức này.
Ngày 25/11/2016, Vietnam Report phối hợp với Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế và Báo VietNamNet – Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000-Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội. Lễ công bố nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của các Doanh nghiệp lớn Việt Nam vào sự phát triển chung của nước nhà, cùng với đất nước tiếp tục dấn bước trên con đường hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn nữa vào nền kinh tế Thế giới. Cũng trong khuôn khổ Lễ công bố sẽ vinh danh Top 50 Doanh nghiệp thành tựu xuất sắc giai đoạn 2012-2015 và giới thiệu Báo cáo thường niên Môi trường Thuế 2016 dựa trên kết quả điều tra Doanh nghiệp của Vietnam Report. |
Nguyễn Linh - Vietnam Report