Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin. Ảnh: Getty Images
Đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines về bãi cạn Scarborough kéo dài hơn hai tháng đang có dấu hiệu lắng dịu. Hôm thứ hai, Philippines tuyên bố tất cả các tàu đã rời đầm phá ở bãi cạn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “tình hình chung ở khu vực quanh đảo Hoàng Nham đang lắng dịu”. Đây có lẽ là vụ đụng độ lâu dài nhất ở Biển Đông trong suốt hai thập niên qua, và nó để lại một số bài học cho các tranh chấp tương tự khác.
Bãi cạn Scarborough cách Philippines 135 hải lý và Trung Quốc là 543 hải lý. Cả hai nước này đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, còn Philippines gọi là bãi cạn Panatag).
Vụ đụng độ gần đây bắt đầu từ đầu tháng 4 khi Trung Quốc điều hai tàu hải giám ngăn chặn không cho hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Philippines cáo buộc các ngư dân này đánh bắt và xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của họ. Các tàu cá sau đó rời đi, nhưng tàu chính phủ của cả hai bên vẫn ở lại với nỗ lực khẳng định chủ quyền mỗi nước.
Sau khi các cuộc đàm phán hai bên thất bại vào cuối tháng 4, Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng kinh tế - hủy bỏ các tour du lịch, kiểm định chặt chẽ hoa quả nhập khẩu từ Philippines – để gây áp lực cho Manila. Những bình luận trực tuyến và trên các báo chí chính thống Trung Quốc ví dụ như Thời báo Hoàn cầu còn thúc giục chính phủ thực thi áp lực lớn hơn.
Tuy vậy, căng thẳng đã giảm dần từ giữa tháng 5. Bức Kinh dỡ bỏ kiểm định sản phẩm chuối nhập khẩu và Manila bổ nhiệm một đại sứ tới Trung Quốc. Trong cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên tính tới thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin đã khẳng định lần nữa các cam kết kiềm chế và tìm một giải pháp hòa bình cho vụ bế tắc.
Đầu tháng 6, Bắc Kinh và Manila điều đình việc rút toàn bộ các tàu chính phủ ở trong vùng đầm phá bãi cạn từ cuối tháng 5. Tuần trước, tàu chính phủ Philippines và các tàu cá Trung Quốc đã rời bãi cạn để tránh bão Butchoy.
Mặc dù vụ bế tắc chưa hoàn toàn chấm dứt nhưng cũng không phải là quá sớm để rút ra một số bài học cho các tranh chấp tương tự. Những vụ đụng độ như vậy có khả năng trở nên phổ biến hơn trong tương lai khi số lượng ngư dân ngày càng nhiều, cùng với các kế hoạch cạnh tranh của những quốc gia liên quan nhằm thăm dò khai thác tài nguyên hydrocarbon ở các vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Bài học đầu tiên từ Scarborough là các bên tranh chấp bám trụ rất chắc những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của họ. Dù đã đưa tàu ra khỏi vùng tranh chấp, nhưng không bên nào sẵn lòng thể hiện sự “ôn hòa” trong quan điểm của họ. Điều này có nghĩa là, nỗ lực ngăn chặn những xung đột tương lai bằng cách thúc đẩy sớm giải quyết tuyên bố chủ quyền có thể gây phản ứng ngược.
Để dung hòa những bế tắc ấy, tập trung đầu tiên cần thiết là giảm thiểu những nguyên do gần nhất. Ví dụ, mặc dù không giải quyết được tranh chấp cơ bản, nhưng một thỏa thuận đánh bắt chung hoặc đa phương có thể gỡ bỏ đi một căn nguyên chính gây xung đột tại Biển Đông.
Bài học thứ hai từ Scarborough là sử dụng lực lượng thực phi pháp luật hàng hải dân sự thay thế hải quân để khẳng định tuyên bố chủ quyền chính là phần chính trong chiến lược của Trung Quốc.
Những loại tàu này, hầu như không mang vũ khí, chỉ là để thiết lập sự hiện diện chứ không phải chiến đấu. Vì thế, chúng cũng giới hạn khả năng gia tăng căng thẳng.
Như tướng Mã Hiếu Thiến của quân đội Trung Quốc nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 5: "Tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa sẵn sàng chuẩn bị sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ vùng biển của mình. Nếu chúng ta làm vậy, đó có thể là phương sách cuối cùng. Giờ đây, chúng ta vẫn đang tiến hành các cuộc thương thảo song phương, những biện pháp ngoại giao và một số cách thức dân sự để giải quyết xung đột. Đây là cách tốt nhất”.
Khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng các đội tàu của những cơ quan thực thi pháp luật hàng hải, gọi là “ngũ rồng” thì Bắc Kinh đã có lợi thế cách biệt trong cuộc cạnh tranh để duy trì sự hiện diện ở các vùng biển tranh chấp.
Cuối cùng, Scarborough thể hiện cho thấy cách xử lý của Washington trong các tranh chấp kiểu này. Chính quyền Obama đã đi trên một sợi dây mỏng manh giữa việc ủng hộ đồng minh và duy trì tính trung lập (mà họ thường xuyên nhấn mạnh) trong tranh chấp chủ quyền. Mỹ cam kết tuân thủ Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 với Philippines nhưng không nói rõ bãi cạn có nằm trong phạm vi đó hay không. Washington thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền theo đuổi giải pháp hòa bình trong khi lặng lẽ ủng hộ việc soạn thảo một bộ quy tắc hành xử rộng lớn hơn, ràng buộc hơn để ngăn chặn các xung đột trong tương lai.
Hiện tại, tình hình ở Scarborough dường như đang di chuyển theo hướng giải pháp chiến thuật. Thỏa thuận tháng 6 với việc rút các tàu chính phủ từ trong vùng đầm phá của bãi cạn là bước quan trọng đầu tiên; nó minh chứng rằng khả năng thoát khỏi bế tắc là có thể. Cơn bão cung cấp lý do chính trị để rút thêm nhiều tàu hơn.
Hơn nữa, cả Manila và Bắc Kinh rõ ràng vẫn nỗ lực tìm cách “hạ nhiệt” chính trị trong khi thương thảo cho một thỏa thuận. Đó có lẽ là bài học quan trọng nhất cần tiếp nhận.
Thái An (theo wsj)