Là một du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, học ngành tâm lý học, cho đến tháng 5/2020, tôi hoàn toàn không biết chút gì về đầu tư hay chứng khoán. Biến cố do dịch Covid-19 đã thôi thúc tôi bắt tay vào đầu tư. Tôi bị mất việc làm thêm tại nhà hàng, vốn là nguồn thu nhập chính của một du học sinh. Kế hoạch tài chính của tôi chịu rủi ro quá lớn vì điều này.

Lý do sâu xa hơn là do năm 2016, tôi từng phải gánh hộ người thân một số tiền nợ gần 100 triệu đồng, nên buộc phải sống rất tằn tiện để trả nợ trong 3 năm. Năm 2019, tôi trả hết nợ và mẹ đột nhiên lại cho tôi tài sản là một căn nhà.

Từ cuộc sống không một xu dính túi đột ngột lại sở hữu tài sản giá trị lớn, tôi đã trằn trọc suy nghĩ. Thứ nhất, tôi không muốn dùng hết khoản tiền này của mẹ cho. Thứ hai, tôi muốn xây dựng nên một tài sản lớn, mà tiền nếu để không sẽ mất giá trị do lạm phát.

Tôi đã suy nghĩ sẽ học về tài chính và đầu tư từ năm 2019, nhưng do cuộc sống dễ dàng, thoải mái lại không thiếu thốn nên đã ngủ quên, để tiền ngủ yên trong ngân hàng suốt năm 2019. Nhưng năm 2020, dịch Covid-19 bùng lên.

{keywords}
Tác giả quyết định tìm hiểu và đầu tư vào chứng khoán sau khi mất việc. Ảnh: iStock.

Từ mua đỉnh bán đáy đến lợi nhuận 80% trong 7 tháng

Tôi đã suy nghĩ nếu như hiện tại, tôi sống một mình, chi phí không quá cao, mà còn bị ảnh hưởng thế này, sau này nếu có gia đình, con cái, hay bệnh tật thì làm sao? Tôi nghe được rất nhiều người lúc đó như mình. Nhiều công ty tại Nhật Bản phá sản, rất nhiều người bị sa thải.

Đối diện với tương lai đầy bất định và rủi ro như vậy mà không có kiến thức đầu tư, tôi sẽ rất khổ sở. Vì vậy, tôi đã quyết tâm vào sàn chứng khoán với mục tiêu ban đầu chỉ là học kỹ năng chơi chứng khoán và cách thị trường vận hành.

Ngày 31/5/2020, tôi nhờ bạn mua 4 quyển sách đầu tiên: Nghệ thuật đầu tư Dhandho, Người đàn ông đánh bại mọi thị trường, Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị và Ngày đòi nợ.

Ngày 1/6/2020, tôi mở tài khoản chứng khoán tại Việt Nam và chính thức trở thành nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán Việt. Tôi đã bắt đầu bằng việc lấy lương của 2 ngày làm việc tại Nhật để mua sách và dùng nguồn vốn nhỏ tương đương 2 tháng lương, bằng 1/10 tài sản. Tôi nghĩ, nếu mất hết thì tôi chỉ việc đi làm thêm 2 tháng và ăn uống thật tiết kiệm, sẽ không sao cả.

Tôi vừa đọc sách vừa tranh thủ tìm các báo cáo tài chính và chỉ số tài chính phân tích. Mỗi ngày, tôi đọc báo cáo tài chính của 2-4 công ty để làm quen với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

{keywords}
Biến động của chỉ số VN-Index thời gian gần đây. Ảnh: Tradingview.

Trong tuần đầu tiên, tôi mua cổ phiếu đầu tiên là BMP vì đọc được thông tin dầu là nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa, mà dầu đang ở đáy lịch sử nên lợi nhuận của các công ty sản xuất nhựa chắc chắn sẽ phải tăng đột biến. Tôi lãi 20% đầu tiên.

Quá đắc ý, tôi gia tăng khối lượng giao dịch. Tôi đã chọn DXG vì nghĩ rằng quý III và IV của ngành bất động sản thường thu được lợi nhuận cao. Tôi hái quả đắng ngay vì đu đỉnh ở giá 11.000 đồng/cổ phiếu và bán đáy giá 9.000 đồng/cổ phiếu (tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ 7%), trong khi cổ phiếu này có giá 18.000 đồng/cổ phiếu ngay trước phiên giảm lịch sử ngày 19/1. Trải nghiệm với cổ phiếu này cho đủ cảm giác đau và tiếc, như là "yêu nhầm cách".

Tôi nhận ra mình đã sai khi không quan tâm đến dòng tiền, không lựa chọn được điểm mua vào an toàn hơn. Tôi dành thời gian để đọc sách nhiều hơn trong 4 tháng sau đó, trang bị các kỹ năng đọc báo cáo tài chính, hiểu các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, đọc chart, đánh giá dòng tiền.

Khi học hết, tôi đã làm liều, rút tiền tiết kiệm với lãi suất 8% từ năm 2019 (lẽ ra gửi đến tháng 11 năm 2021), áp dụng hết kiến thức và đầu tư với chiến thuật cụ thể. Kết quả, tôi lãi 80% trong vòng 7 tháng đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Bài học từ những lần trả giá bằng tiền mặt

Hơn 7 tháng qua, không ít lần tôi đã trải nghiệm thất bại. Tôi rút cho mình bài học cần phải kết hợp cả phân tích căn bản và phân tích kỹ thuật, nếu không sẽ mua sai thời điểm, như đã phạm sai lầm với DXG tại sàn chứng khoán Việt Nam. Tôi cũng phạm lỗi tương tự với một cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ. Tôi mua giá 1,5 USD và trải nghiệm tài khoản tăng 50% trong một ngày, lên 2,9%.

Tuy nhiên, vì quá tham lam, tôi đã không chốt lời, để rồi phải cắt lỗ ở giá 1,2 USD. Một tháng sau đó, giá của cổ phiếu này là 6,8 USD. Đây là công ty start-up có tài chính chưa vững nên tính biến động giá rất cao và tôi đã quên tính điều đó, lựa điểm mua vào không tuân thủ theo phân tích kỹ thuật của William J. O Niel.

Tôi cũng nhận ra lãi càng cao, rủi ro càng cao. Tôi đã từng cầm những cổ phiếu Mỹ tăng 30-50% chỉ trong 1-2 ngày, sau đó lại điều chỉnh giảm 15-50% sau đó như MGNI, VLDR, LAZR, FUDO… Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu không biết điểm mua vào và đu đỉnh bán đáy như tôi từng trải nghiệm.

Tôi tự dặn mình phải giữ một cái đầu lạnh trong mọi tình huống. Cho dù tài khoản có lãi, hay lỗ, tôi vẫn phải suy nghĩ chiến thuật hành động tiếp theo. Nếu như tập trung chỉ trích bản thân vì bị lỗ, tôi sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội khác.

Mỗi ngày trước khi sàn mở cửa, tôi đều có kế hoạch sẽ giao dịch những cổ phiếu nào trong ngày. Tôi thường mua trước khi cổ phiếu tăng điểm, khi cổ phiếu đang bị đạp ở giá đỏ xuống nền.

{keywords}
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Đầu tư chứng khoán giúp tác giả có thêm nhiều bài học về tài chính và quản trị. Ảnh: Quỳnh Trang.

Điều quan trọng hơn, rủi ro không phải để sợ hãi, mà là thứ để quản trị. Trước khi mua bất kỳ cổ phiếu nào, tôi đều đánh giá mức độ rủi ro của cổ phiếu đó dựa trên giá trị thị trường, tình hình tài chính của công ty đó và độ biến động của cổ phiếu.

Cần phải kiên nhẫn, khi phát hiện cổ phiếu tiềm năng thì phải kiên nhẫn đợi đến khi giá của nó di chuyển phù hợp đến điểm mua vào theo kỹ thuật là tạo nền. Nhà đầu tư phải tự mình phân tích được cổ phiếu nào mạnh, yếu, đọc được dòng tiền đang đi vào hay ra khỏi cổ phiếu.

Phương pháp quản trị rủi ro trong đầu tư không phải là hên xui may rủi như cờ bạc.

Bỏ tiền ra mua cổ phiếu là việc cuối cùng, sau rất nhiều thời gian đọc, tìm hiểu và phân tích, nên bạn không cần phải có nhiều tiền ngay từ khi khởi đầu. Tiền là yếu tố cần nhưng không phải là yếu tố đủ. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh với kỹ năng tài chính cá nhân tốt (sống tiết kiệm và quản lý tiền bạc hợp lý) và học về đầu tư càng sớm càng tốt.

Hãy tìm những công ty tốt, chúng sẽ giúp tiền của bạn lớn dần theo thời gian

Thứ ba, thời gian bạn bắt đầu rất quan trọng. Sau khi đầu tư, tôi mới được biết Warren Buffet đầu tư từ khi mới 11 tuổi. Nếu tôi cũng biết đến đầu tư chứng khoán khi 11 tuổi thì có lẽ tôi đã xây dựng được một gia tài nhỏ rồi.

Giá cổ phiếu VNM (Vinamilk) năm 2005 chỉ xấp xỉ 5.000 đồng. Nếu mỗi ngày tôi tiết kiệm một chút tiền ăn để mua một cổ phiếu một tuần thì bây giờ tôi đã có một gia tài nhỏ vì cổ phiếu Vinamilk tăng hơn 20 lần trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay 2020 và vẫn còn tiềm năng lớn mạnh hơn khi trở thành công ty đa quốc gia.

Vinamilk là một công ty tốt, nhưng rất ít người để ý điều đó năm 2005. Nhiệm vụ của bạn khi đầu tư là hãy tìm những công ty tốt, chúng sẽ giúp tiền của bạn lớn dần theo thời gian.

Hiện tôi học CFA và học quản lý tài sản cá nhân vì tôi biết muốn trụ được trong ngành thì kiến thức là quan trọng nhất. Tôi cảm thấy nửa năm vừa qua cuộc đời tôi biến động quá nhanh và quá mạnh. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi kiếm được hơn 1.000 USD một đêm, và cũng chưa bao giờ mất hơn 1.000 USD như lại vui như bây giờ.

Tôi vui vì đã học được cách kiếm tiền thực sự trên sàn chứng khoán quốc tế rủi ro cao như sàn Mỹ. Tôi đã học được kỹ năng đánh giá cổ phiếu, quản trị rủi ro và tự kiểm soát bản thân, vượt qua được nỗi sợ hãi và tham lam của chính mình.

(Theo Zing)