Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết và tính cấp bách của việc phải đẩy mạnh phát triển CNHT nói chung và CNHT cho ngành cơ khí nói riêng. Nhà nước cũng đã có không ít cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tác động và hiệu quả của những cơ chế, chính sách đó còn rất hạn chế.
Câu chuyện công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của Hà Nội là một minh chứng.
Vẫn "chưa chịu lớn"
Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 14.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí với khoảng 254.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ có gần 30 doanh nghiệp quy mô lớn, còn lại là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất cơ khí; khoảng 50% doanh nghiệp chế tạo, lắp ráp, số còn lại chuyên sửa chữa thiết bị.
Mục tiêu hướng đến của ngành cơ khí đến năm 2025 sẽ phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. |
PGS.TS Phạm Đắc, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Hà Nội nhận định: Công nghiệp cơ khí Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn “giậm chân tại chỗ”, nói vui là “chưa chịu phát triển”. Tất cả các doanh nghiệp cơ khí lớn đều phải nhập dây chuyền của nước ngoài, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội.
Theo ghi nhận tại nhiều hội nghị, hội thảo, những yếu kém dễ nhận thấy của ngành cơ khí là trình độ công nghệ thấp, tính cạnh tranh kém; sản phẩm nội địa ít hoặc không có tính hữu dụng, dẫn đến hậu quả là nhiều doanh nghiệp dần “cụt” vốn và mất phương hướng tiếp cận thị trường. Một số nhà máy, doanh nghiệp cơ khí lừng danh một thời do sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường đã phải chuyển đổi mô hình, thậm chí giải thể... Nguyên nhân chủ yếu là chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh; quản lý nguồn vốn đầu tư chưa chặt chẽ; vai trò điều phối của Nhà nước còn hạn chế.
Mặt khác, trong khi doanh nghiệp rất cần các hiệp hội hỗ trợ, dẫn dắt thì hoạt động của các tổ chức này lại chưa mạnh. Hội Cơ khí Hà Nội hoạt động không ổn định, chưa có nhiều tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Đã qua 18 năm kể từ khi Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 ra đời, nhưng trong 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm được chú trọng phát triển thì chỉ có 2 nhóm thực hiện được định hướng chiến lược (đóng tàu, chế tạo thiết bị điện), còn 6 nhóm ngành (thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ ngành xây dựng) dường như vẫn trong tình trạng “bất động”.
Hiệu suất công nghiệp của ngành cơ khí Việt Nam chỉ đứng ở nửa sau “bảng xếp hạng” khu vực Đông Nam Á. Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước. Khi nhập siêu trở thành xu hướng ngày càng mạnh thì cơ khí nội địa mất vị thế và mất thị phần ngay ở “sân nhà”.
Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước. Ảnh minh họa. |
Theo VAMI, các DN cơ khí Việt Nam đều đầu tư manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ trung bình; mức độ liên kết và hợp tác kém, không phát huy được sức mạnh của phân công và hợp tác sản xuất nên hiệu quả sử dụng dây chuyền sản xuất thấp. Bên cạnh đó, do thiếu các chính sách hỗ trợ và bảo vệ thị trường trong nước nên thị phần của ngành cơ khí bị thu hẹp, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu và hàng nhập lậu, kể cả các sản phẩm trước đây từng là thế mạnh của ngành cơ khí Việt Nam như: Máy công cụ, máy động lực nhỏ, xe đạp, quạt điện, máy bơm nước…
Bởi vậy, PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên cho rằng, ngành cơ khí đang ở giai đoạn khó khăn nên cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhanh chóng củng cố, hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp cơ khí và năng lực hệ thống.
Còn theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cần gấp rút giải quyết cho được hai vấn đề lớn: Tăng tính khả thi của các chính sách định hướng và thực thi nghiêm túc, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển ngành để tạo thêm việc làm, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cơ khí. Phải chú trọng đầu tư chế tạo chứ không chỉ gia công, lắp ráp cho doanh nghiệp nước ngoài. Phải chọn lọc và kết hợp các giải pháp để đạt tính hệ thống và đồng bộ. Nhà nước và các cấp, ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí trong nước ở lĩnh vực đấu thầu, đặt hàng và mua sản phẩm cơ khí nội cho các công trình có vốn đầu tư công...
PGS.TS Phạm Đắc góp bàn, để phát triển công nghiệp cơ khí, cần có sự ổn định của những chính sách phù hợp (chính sách thuế; tạo dung lượng thị trường; ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu...) để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp cơ khí. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ khí phải nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, tài chính và công nghệ; phát triển với các sản phẩm có chất lượng với chi phí sản xuất thấp; mở rộng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
"Liên kết “4 nhà” trong lĩnh vực cơ khí cần được đẩy mạnh để công nghiệp cơ khí phát triển, lấy lại vị thế ngành “xương sống” của cả nền sản xuất và tiêu dùng xã hội", PGS.TS Phạm Đắc nhấn mạnh.
Minh Đức