Mời quý độc giả theo dõi video:

Ban Công là xã vùng cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.

Đặc biệt, xã nằm ở cửa ngõ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) - nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch cộng đồng xứ Thanh”, xã Ban Công đã biến tiềm năng thành lợi thế trong thu hút khách du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điển hình là hệ thống rừng núi hoang sơ, thơ mộng, cực kỳ tươi đẹp, những cánh đồng lúa gạo đặc sản trên các ruộng bậc thang, cọn nước.

Cọn nước hay còn gọi là bánh xe nước, guồng nước được bà con trong xã dựng lên để tưới lúa. Tất cả vật liệu để làm cọn đều có nguồn gốc từ núi rừng như tre, nứa, lạt, gỗ, song, mây…

Trải qua nhiều thế hệ, đây cũng là thành quả của quá trình tích lũy, đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Thái, đánh dấu sự phát triền của nền văn minh nông nghiệp Lúa nước. 

Ước tính, xã Ban Công có khoảng 100 cọn nước nằm dọc các cung đường. Dự kiến, xã sẽ triển khai lắp đặt, sửa chữa và phát triển thêm hệ thống cọn nước để tham gia ghi danh vào sách kỷ lịch Việt Nam.

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về việc phát triển du lịch xã Ban Công giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, xã đã tăng cường triển khai các dự án đầu tư phát triển cho loại hình du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá đề án phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch đến với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành; quảng bá sản phẩm nông nghiệp du lịch của xã trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch.

Ngoài ra còn thực hiện công tác quảng bá qua các trang mạng xã hội. Quản lý một cách chặt chẽ các hoạt động và sản phẩm du lịch nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực có nguy cơ gây tổn thương về mặt kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.

Tăng cường công tác hướng dẫn tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng nói riêng.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cộng đồng người dân; các đối tượng thường xuyên tiếp xúc và phục vụ du khách về tiếp đón, thuyết minh, hướng dẫn tại chỗ; phục vụ du khách ăn nghỉ tại nhà; vận chuyển thô sơ; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật bản địa; giới thiệu và trình diễn làm hàng thủ công - mỹ nghệ; giới thiệu và hướng dẫn du khách các nghề nông - lâm địa phương.

Đến nay, diện mạo xã có nhiều đổi thay rõ nét. Những tuyến đường giao thông liên thôn được bê tông hóa, các công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, kiên cố; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tính đến thời điểm tháng 9/2024 đạt 46 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều còn 4,85%.