Scandal mới đây của Samsung về việc smart TV của hãng này bị cáo buộc "nghe lén" người dùng đã khiến nhiều người phải giật mình. Phải chăng, các thiết bị công nghệ có thể thực sự do thám cuộc sống của chúng ta?

Và trong trường hợp xấu nhất, nếu câu trả lời là "Đúng vậy" thì ta có cách nào để ngăn chặn hay phản đòn hay không?

Dưới đây là tin xấu cho bạn: Chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21, và từ khi thức giấc cho đến lúc đi ngủ, bạn có lẽ đã bị khoảng 6-7 công ty theo dõi mà không hề hay biết. So sánh về mức độ thì chính sách "Riêng tư" của Samsung khuyến cáo người dùng không nên thảo luận các vấn đề nhạy cảm phía trước màn hình Smart TV xem ra vẫn còn lành lắm. (Sở dĩ có lời cảnh báo này là vì Samsung Smart TV được trang bị tính năng nhận dạng giọng nói mà vô tình, có thể bắt đầu truyền dữ liệu khi bạn nói cụm từ ra lệnh "Hi, TV").

Các công nghệ do thám khác thì không nhẹ nhàng như vậy. Một sự thật đắng ngắt là dữ liệu cá nhân của bạn đang bị nhiều hãng đánh đồng với "thù lao" để sử dụng dịch vụ hay sản phẩm của họ. Lời cảnh báo "Nếu bạn không phải trả tiền mua, bạn không phải là khách hàng của họ mà là sản phẩm bị đem bán" vẫn đúng cho tới tận hôm nay. Có khác chăng chỉ là cách thức các hãng đã nghĩ ra để chia sẻ dữ liệu của người dùng mà không bị chúng ta phản ứng dữ dội, thay vào đó lại chấp nhận nhiệt tình mà thôi. Họ nói "Bạn có quyền tắt chúng đi, tất nhiên". Nhưng bạn có thực sự muốn tắt hay không?

1. Nút "Like" của Facebook

{keywords}


Không ai dùng Facebook xa lạ gì với nút "like" này. Rồi thì các nút "Chia sẻ" và "Bình luận" của Facebook, cả hai đều được nối thẳng vào máy chủ của mạng xã hội này. Đó là một quan hệ hai chiều: Cái giá mà bạn phải trả để tương tác được với Facebook mà không phải truy cập vào Facebook là Facebook phải được nhìn thấy bạn đang xem những website nào, đi theo bạn trên mạng Internet và sử dụng thông tin đó để định vị quảng cáo mục tiêu chuẩn xác hơn.

Cách ngăn chặn: Nếu như bạn đăng xuất khỏi Facebook khi đã lướt xong News Feed, khả năng Facebook theo dõi hoạt động trên Internet của bạn sẽ bị hạn chế khá nhiều. Tất nhiên, bạn cũng sẽ khó like các trang, ảnh, bình luận của bạn bè cũng như bình luận trên các bài post được. Bạn có vui với sự đánh đổi đấy không?

2. Các dịch vụ định vị của smartphone

Nếu như bạn đang sở hữu iPhone, hãy thử click vào Đăng nhập, sau đó chọn Privacy ->Dịch vụ định vị -> dịch vụ hệ thống và các điểm thường xuyên lui tới. Bạn sẽ nhận được một danh sách tất cả các thành phố mà bạn đã từng lưu trú. Click vào bất cứ thành phố cụ thể nào, bạn sẽ thấy con dế của mình nắm được mọi địa điểm mà bạn thường ghé thăm. Nó bao gồm nhà bạn, trạm xe buýt, văn phòng, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim....

Đừng nghĩ là sử dụng Android thì sẽ ít bị soi mói hơn. Google cũng lưu giữ tất cả các địa điểm hệt như vậy, nhưng khác với Apple, nó lưu thông tin đó trên đám mây, nơi theo lý thuyết, lực lượng tư pháp có quyền vào xem, hoặc một ai đó biết mật khẩu cũng có thể truy cập được.

Cách tắt đi: Cả Apple lẫn Google đều cho phép bạn tắt lịch sử di chuyển của mình. Nhưng nếu làm vậy, chúng sẽ khiến bạn phát điên vì liên tục đưa ra những gợi ý chỉ đường/địa điểm thiếu chính xác.

3. Uber

{keywords}

Không có gì bất ngờ khi một hãng cung cấp dịch vụ taxi giá rẻ thông qua ứng dụng lại lưu trữ dữ liệu về hành trình của khách. Và dữ liệu này được Uber khai thác cực tốt để trấn an khách hàng rằng chuyến đi của họ rất an toàn: từ lịch sử đi lại của bạn cho đến thông tin về tài xế (rất cần khi có tranh chấp).

Cách tắt đi: Cách tốt nhất là không dùng Uber, đồng nghĩa với bạn phải đi taxi truyền thống.

4. Mạng di động

Nếu như chú ý, bạn sẽ nhận ra mạng di động mà bạn đang dùng luôn ghi lại vị trí của bạn, chính xác tới trạm BTS (phát sóng) gần nhất.

Cách tắt đi: Ngừng sử dụng điện thoại di động, hoặc tháo pin ra khi không muốn bị theo dõi. Nhưng ngay lúc bạn bật điện thoại trở lại, nhà mạng sẽ biết được bạn đang ở đâu.

5. Dữ liệu exif trong ảnh

Bạn có biết các bức ảnh số đều chứa thông tin về bức ảnh đó hay không? Được biết đến như là dữ liệu Exif, chúng cho phép người chụp biết được chiều dài tiêu cự, độ mở sáng... đã được sử dụng khi chụp bức ảnh đó. Thường thì giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng nhúng cả thông tin liên hệ và bản quyền vào đó.

Ngày nay, khi bạn chụp ảnh bằng smartphone, hay thậm chí là máy ảnh số hiện đại, khả năng cao là những bức ảnh này cũng ghi lại cả vị trí mà nó được chụp thông qua GPS tích hợp.

Cách tắt đi: Hầu hết camera đều cho phép tắt việc nhúng dữ liệu địa điểm vào file, nhưng tin tốt là các mạng xã hội đã tiến trước bạn một bước, rất may là chúng cùng phe với bạn. Cả Facebook và Twitter đều loại bỏ metadata ra khỏi ảnh khi tải lên trang của họ.

6. Nhận dạng khuôn mặt

{keywords}

Bạn đã dùng tính năng gợi ý tag của Facebook bao giờ chưa? Mạng xã hội này có thể scan qua tất cả những bức ảnh bạn từng tải lên để tìm ra những người trong ảnh tương ứng với ai trong danh sách bạn bè của bạn. Đấy là một tính năng tiết kiệm thời gian tuyệt vời so với việc tag bằng tay, nhưng Facebook chỉ làm được việc đó vì đã sử dụng một phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Tháng 9/2012, mạng này đã bị buộc phải vô hiệu tính năng sau khi Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ai-len buộc tội Facebook theo dõi người dùng mà không xin phép.

Cách tắt đi: Cố gắng tránh xuất hiện trong các bức ảnh!

T.C