- Bài thơ "Nam quốc sơn hà" ("Sông núi nước Nam") với những câu thơ quen thuộc, nay đã được dịch khác đi và in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 khiến nhiều phụ huynh bức xúc.


Tựu trung lại, các ý kiến bức xúc nghiêng về một số luồng nhận định:

- Đây là bản dịch mới.

- Bản dịch mới không hay bằng bản dịch cũ.

- Kéo theo là những than vãn, hoài nghi, chê trách... càng ngày càng đi xa về “cải cách”, “đổi mới” trong giáo dục...
{keywords}
Bản dịch trong thơ văn lý trần tập 1, ncb khxh, hn 1977, trang 322

Bản dịch có mới?

Thực ra bản dịch này đã ra đời cách đây đã khá lâu (nhà thơ Nam Trân mất năm 1967), và ít nhất là ngót 40 năm, như xuất xứ trích dẫn cuối bài dịch thơ trong SGK đã ghi rõ: “Theo Lê Thước – Nam Trân dịch, trong Thơ văn Lí Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977”.

Cũng không phải bản dịch thơ này mới được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 gần đây, mà nó đã có mặt trong sách giáo khoa ngay từ lần xuất bản đầu tiên (năm 2003), cách đây cũng đã 12 năm rồi. Từ đó đến nay, các thế hệ thầy trò lớp 7 đều dạy và học theo văn bản này, nhưng không thấy có ý kiến phản hồi gì, không hiểu vì sao đến tận hôm nay dư luận mới rộ lên về vấn đề này.

Như vậy bản dịch thơ trên không phải mới được dịch, cũng không phải mới được đưa vào sách giáo khoa.

Bản dịch mới không hay bằng bản dịch cũ

Người viết bài này cũng như nhiều bạn đọc thuộc thế hệ 6X của thế kỷ trước, thuộc nằm lòng bản dịch thơ cũ, thấy âm hưởng của nó không những quen thuộc, ngôn từ dễ nhớ, mà đồng thời âm vần cũng xuôi tai, thuận miệng hơn bản dịch mới.

Thế nhưng độ sát thực thì phải công nhận bản dịch mới dịch gần sát với nguyên tác hơn là bản dịch cũ.

Hãy thử so sánh, từ câu nguyên văn phiên âm: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (dịch nghĩa: Chúng mày sẽ xem sự thất bại (mà chúng mày) phải nhận lấy) mà dịch thơ thành:

        Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời (1)

và:     Chúng mày nhất định phải tan vỡ (2)

thì rõ ràng câu thơ dịch (2) ở trên sát thực với nguyên văn hơn câu (1).

Cũng cần biết thêm, hai tác giả của “bản dịch mới” là những nhà thơ, nhà nghiên cứu có uy tín trong giới học thuật: Lê Thước (1891 - 1975) là nhà giáo dục, nhà biên khảo quê Hà Tĩnh nổi tiếng Viêt Nam đầu thế kỷ 20, còn Nam Trân (1907- 1967), là cố nhà thơ – dịch giả tên tuổi người Quảng Nam; cả hai nhà nho uyên thâm Hán học đồng đứng tên cho một bản dịch cũng cho ta thấy thái độ hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, trách nhiệm trong dịch thuật của hai tác giả.

Thay đổi một thói quen, đặc biệt về mặt nhận thức, rõ ràng là không phải dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng thiết nghĩ cũng nên bình tĩnh, sáng suốt và thẳng thắn nhận xét về độ sát thực khi dịch thơ, và nên mạnh dạn chấp nhận thay thế một câu dịch thơ chưa chính xác lắm, bằng một câu dịch thơ mới chính xác, đúng đắn hơn, cho nhiều thế hệ mai sau.

Cuối cùng, chúng tôi cũng có chút băn khoăn về việc nhóm tác giả biên soạn sách trích dẫn bài dịch thơ với xuất xứ rõ ràng như vậy, không hiểu vì sao lại trích không đúng nguyên văn ở câu thơ đầu bài.

Bản dịch thơ trong SGK Ngữ văn 7 hiện hành:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.


Trong lúc bản dịch thơ nguyên văn trong “Thơ văn Lí Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977” lại là:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ
.

Một số bản dịch thơ khác

Bên cạnh bản dịch thơ vần bằng của Trần Trọng Kim quen thuộc với nhiều người:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm ?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!


và bản dịch vần trắc của tác giả Lê Thước – Nam Trân đang gây tranh luận trên, còn nhiều bản dịch thơ của các tác giả khác - cả vần bằng và vần trắc, cả thể thơ thất ngôn lẫn lục bát - xin cung cấp để bạn đọc tham khảo, so sánh đối chiếu:

1.Sông núi nước Nam vua Nam ở
Sách trời phân định đã rạch ròi
Cớ sao giặc trời xâm phạm tới
Chúng bay thất bại hãy chờ coi.


2. Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự
Sách trời định phận rõ non sông
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.


                                                (Ngô Linh Ngọc dịch)

3. Sông núi nước Nam, Nam đế cư
Rành rành phận định tại thiên thư
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay rồi sẽ chuốc bại chừ


4. Vua Nam riêng ngự nước Nam
Sách trời định vậy dễ làm khác đâu
Bọn người xâm lược mưu sâu
Chúng bay rồi sẽ chuốc sầu bại vong.


                                               (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

5. Nước non Nam Đế Nam hùng cứ!
Phân định sách trời xưa tỏ nay,
Lỗ mãng! cớ sao sang lấn phạm,
Ngữ bây thất bại chắc trong tay !
                               


6. Đất nước Nam, Đế Nam, hùm ngự !
Sách trời phân định tỏ xưa nay.
Cớ sao lỗ mãng sang xâm lược!
Chống mắt xem Ta " tẩn" lũ mày!
                                       (Laiquangnam dịch)


7. Sông núi nước Nam vua Nam coi
Rành rành phân định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Bay sẽ tan tành chết sạch toi.
                                      (Hoa Bằng dịch)

  • Đỗ Thành Dương (Trường Dự bị ĐH Dân tộc trung ương Nha Trang)