-  Sau khi đọc bài: Nặng tư duy nhiệm kỳ, đua nhau “chạy” dự án, nhiều bạn đọc đã gửi email về Báo VietNamNet thể hiện sự bất bình.

TIN BÀI KHÁC

“Tôi cũng là người trong ngành xây dựng, nên tôi biết rất rõ về vấn đề “chạy” dự án, cơ chế "xin-cho". Người “xin” muốn làm sao có được dự án để nâng tầm, để có ...%. Người “cho” (người phê duyệt dự án) không cần biết dự án đó thiết thực được bao nhiêu % vẫn cho, miễn sao có ...%,

“Chạy” dự án là biểu hiện của cơ chế “xin –cho”


Email phamphuongcd@gmail.com viết: “Tôi cũng là người trong ngành xây dựng, nên tôi biết rất rõ về vấn đề “chạy” dự án, cơ chế "xin-cho". Người “xin” muốn làm sao có được dự án để nâng tầm, để có ...%. Người “cho” (người phê duyệt dự án) không cần biết dự án đó thiết thực được bao nhiêu % vẫn cho, miễn sao có ...%, kết quả là ra đời nhiều dự án không hiệu quả, nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm!”

“Những ai có được cái gọi là "nhiệm kỳ" để “chạy” dự án? Không thể là người nông dân 1 nắng 2 sương trên cánh đồng, hay người giáo viên miệt mài trên bục giảng, hay người công nhân hứng nắng bụi trên những công trường, ngày đêm làm đẹp cho cuộc sống. Những kẻ “chạy”, “xin”, “cho”dự án kiếm % làm thất thu hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước, làm lạm phát tăng lên, nhân dân khốn khổ. Đó là tham nhũng! Nhưng làm sao chống được nạn này khi chính những người “chạy”, “xin”, “cho” lại nhân danh “chống tham nhũng”? Email long82lc@gmail.com đặt câu hỏi.

Chia sẻ với ý kiến trên, email cuocsongmoi@yahoo.com viết: “Ở các nước một khi chính phủ giảm đầu tư công thì dân biểu tình,vì giảm đầu tư là dẫn đến giảm việc làm, dẫn đến thất nghiệp. Chỉ có ở Việt Nam, giảm đầu tư công lại được dân ủng hộ, bởi vì cứ đầu tư công là gắn liền với tham nhũng, gắn liền với tỉ lệ %. Mà thử hỏi ai là người “xin” dự án, ai “cho” dự án? Đó đều là người đang giữ quyền lực.Vậy thì làm sao mà trị tham nhũng đây?”

Theo email vovansu@hn.vnn.vn thì: “Dự án là nguồn công ăn việc làm, lẽ đương nhiên phải cố để có. Tuy nhiên VN lại có kiểu "chạy" dự án với hàm ý là chạy chọt và mua bán. Các công ty Việt “chạy” đã đành, các công ty nước ngoài... cũng đều “chạy”, dẫn đến dự án không đáng có cũng có, dự án "bôi" ra đấy cũng chẳng làm sao. Tham ô và nhóm quyền lợi đã gây nên những tai vạ cho kiểu đầu tư công của nước ta mà bây giờ chúng ta đang chịu hậu quả.”

“Tôi đã từng điều hành "dự án", xin khẳng định rằng chẳng cấp nào không mong có được dự án trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, bởi dự án nào cũng có hai mặt: Ngoài tăng trưởng GDP, nó còn là công cụ để người ta đầu cơ chính trị - chức vụ - quyền lợi”, đó là ý kiến của email viet_phuong@yahoo.com.
"Tôi đã từng điều hành "dự án", xin khẳng định rằng chẳng cấp nào không mong có được dự án trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, bởi dự án nào cũng có hai mặt..."

Email linhchi1403@yahoo.com bức xúc đặt câu hỏi: “Tại sao một cơ chế có quá nhiều khiếm khuyết như thế mà vẫn tồn tại, chẳng lẽ lãnh đạo đất nước không biết, hay có biết nhưng khi nào nghỉ hưu rồi mới nói, như ông Vũ Khoan chẳng hạn?

Mong mỏi có cơ chế công khai minh bạch

Email trieungoclieu3@gmail.com  viết: “Là người hoạt động ở địa phương, tôi thấy mọi sự đi "xin" của địa phương đều xuất phát từ những gợi ý của các vị ở cấp trên theo từng ngành do phân tán nguồn lực đầu tư. Địa phương gồng lên mà “chạy” miễn là được dự án, miễn là được thêm chút vốn, không cần biết hiệu quả của dự án, và nguồn vốn xin được đáp ứng bao nhiêu % cho dự án hoàn thành. Nên sau đó nguồn vốn ít ỏi chính thống phải bôi ra làm cho sự giàn trải ngày càng rộng, số dự án phải "chạy" vốn ngày càng dài, rất khó xếp thứ tự ưu tiên.

Chỉ khi nào công khai minh bạch nguồn lực đầu tư, có tiêu chí phân bổ hợp lý và công khai, có cơ chế phân cấp trao quyền đầy đủ, có kế hoạch phân bổ vốn khách quan trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật rõ ràng, minh bạch thì mới mong triệt tiêu cơ chế "xin cho". Không có "cho" thì cũng không có "xin” nữa.

Đồng cảm với ý kiến trên, email nguyenhung@yahoo.com viết: “Một thực tế ai cũng biết là tiền ngân sách chảy đến đâu thì tham nhũng và lãng phí đến đó. Vậy làm sao hạn chế được? Đó là phải có cơ chế và chế tài để công khai minh bạch, giám sát chặt chẽ, đồng thời trừng trị thẳng tay những người gây ra lãng phí và tham nhũng.”

Email davatuan@gmail.com bổ sung thêm: “Đã đến lúc cần có một thước đo để đánh giá một cách thực chất và minh bạch đối với hoạt động của các cá nhân và tập thể có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhân dân với tinh thần làm cán bộ như Bác Hồ đòi hỏi: Phải khổ trước nhân dân, sướng sau nhân dân, những ai không làm được như vậy thì phải chịu trách nhiện khi nhân dân lên tiếng. Mong trong thời gian tới, Chính phủ  có nhiều hành động quyết liệt hơn với “tư duy nhiệm kỳ”, với những kẻ "đầu cơ nhiệm kỳ".

Đề xuất một cách cụ thể hơn, email ceoloves@yahoo.com viết: “Danh sách các dự án kêu gọi đầu tư vào các tỉnh, thành phố làm chúng ta choáng bởi con số dự án lên đến hàng trăm của mỗi tĩnh, tổng số vốn đầu tư rất lớn, nếu các dự án đó được rót tiền đầu tư thì hiệu quả không cao, mà còn lãng phí, thiếu trọng điểm và tầm chiến lược.

Tỉnh nào cũng làm Cảng nước cạn, cảng nước sâu. Tỉnh nào cũng làm sân bay, bến bãi, tĩnh nào cũng luyện gang thép, tỉnh nào cũng có khu kinh tế…Đơn cử từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, hơn 400km có đến hơn chục dự án Cảng nước sâu, tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đôla, làm xong dùng vào việc gì thì không ai biết? Rồi tỉnh nào cũng có dự án làm sân bay. Thật không hiểu nổi các vị hoạch định chiến lược và cả các vị phê duyệt dự án nghĩ gì? Chứ chúng tôi thì thấy các vị thiếu trách nhiệm trước đất nước và nhân dân!

Mong Quốc hội giám sát Chính phủ điều hành, quản lý nghiêm minh hơn trong việc thực hiện các dự án đầu tư công. Chính phủ nên chỉ đạo các tỉnh "chia nhau ra để làm", nếu Thanh Hóa có cảng nước sâu đón tàu 50 vạn tấn ra vào, Hà Tĩnh cũng có cảng nước sâu đón tàu 50 vạn tấn thì Nghệ An không nên đầu tư làm cảng nước sâu, mà nên tập trung nâng cấp sân bay Vinh để làm sân bay chính ở Bắc miền Trung thì hơn. Suy tính, cân nhắc và có tầm nhìn chiến lược sẽ tránh được lãng phí tiền của, hao tổn sức lực của nhân dân, mà tập trung vào những việc có kinh tế cao.

Ban Bạn đọc