- So với các DN bán lẻ nước ngoài, các đơn vị trong nước thua kém về mọi mặt và có nguy cơ bị thâu tóm ngay trên sân nhà. Nhiều khả năng các doanh nghiệp nội sẽ phải cam phận làm thuê.

Không thay đổi là ‘chết’

Sau hơn 5 năm gia nhập WTO, các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ nội địa vẫn chưa thể tận dụng cơ hội WTO cũng như lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị trường, áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đè nặng khiến kênh phân phối nội địa rơi vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài.

Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó có sự góp mặt của 21 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Nhà bán lẻ nội địa tuy nhiều nhưng chỉ một số ít xây dựng được chuỗi hệ thống và tạo dấu ấn riêng, còn phần lớn hoạt động không hiệu quả đang dần phải co cụm lại. Sự xuất hiện của các “ông trùm” bán lẻ quốc tế đã tạo sức ép, buộc bán lẻ trong nước phải tự làm mới mình, thay đổi diện mạo.

Chẳng hạn, một trong những tên tuổi trong ngành bán lẻ nội địa là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), từ nay đến hết 2015 sẽ đưa hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapro Mart về phủ kín các huyện, thị, kể cả khu vực vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn...

{keywords} 

Song, doanh nghiệp này đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vốn có thế mạnh về công nghệ quản lý, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng bán lẻ trên toàn thế giới, tài chính hùng mạnh,... và cạnh tranh với các đại lý kinh doanh tự do, không chịu áp lực về thuế. Còn Hapro nay nhiều điểm diện tích nhỏ, xuống cấp, phân bố dàn trải. Hầu như đơn vị này chưa thể chen chân vào các trung tâm thương mại hay tòa nhà lớn mà chỉ rải rác ở các cửa nhà nhỏ lẻ tại các khu dân cư.

Một ông lớn khác từng nhảy vào kinh doanh bán lẻ với tham vọng xây dựng chuỗi hệ thống trên toàn quốc đã gặp phải thất bại là G7-mart của cà phê Trung Nguyên. Năm 2006, với 500 cửa hàng tiện, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tuyên bố, mục tiêu của hệ thống các cửa hàng G7 Mart là hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Song, chỉ một thời gian ngắn sau, các cửa hàng G7 Mart “ngậm ngùi” đóng cửa hàng loạt.

Có thể nói, yếu vốn và thiếu nhân lực, khó liên kết là những thách thức lớn hiện nay của các nhà đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại trong nước, trong khi các doanh nghiệp trong nước đang nắm giữ những vị trí đắc địa.

Theo ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP. Hà Nội, siêu thị nội đang bị cạnh tranh bởi siêu thị lớn, vốn lớn công nghệ giỏi, thu mua phân phối toàn cầu. “Họ có thể chịu lỗ 5 năm để vào thị trường Việt Nam, trong khi đó doanh nghiệp nội chỉ cần 2 năm thu lỗ, nếu là doanh nghiệp nhà nước có khi bị cách chức”, ông Phú nói.

Ông Phú thừa nhận, hiện các đơn vị bán lẻ nội vốn ít và thiếu sự liên kết. Ông Phú lấy ví dụ, trong hiệp hội có tới 50% thành viên hoạt động không tích cực, chỉ khi nào có việc cần mới nhờ tới đại diện hiệp hội giúp đỡ và bản thân hiệp hội cũng không thể phạt thành viên vi phạm. Đứng trước làn sóng lấn át của các nhà đầu tư ngoại, ông Phú lo ngại nhiều khả năng các doanh nghiệp nội sẽ phải cam phận làm thuê.

{keywords} 

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), điểm đánh giá tính cạnh tranh của các DN bán lẻ hiện đại trong nước chỉ đạt 47,6%, đứng thứ hai sau các DN bán lẻ hiện đại nước ngoài (48,6%), tiếp sau đó là chợ truyền thống và cửa hàng hộ gia đình. Thực trạng này cho thấy, thị phần trong nước đang bị các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài chiếm lĩnh.

Đối đầu làn sóng bán lẻ ‘ngoại’

Dù rời khỏi top 30 nước dẫn đầu thế giới về độ hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng mạnh về sức mua do nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng nhiều nhà bán lẻ, giới phân tích đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đầy tiềm năng để cho nhà đầu tư nước đến khai thác.

Điều này lý giải vì sao dù thị trường bán lẻ Việt Nam bị đánh rớt thứ hạng 4 năm liên tiếp nhưng các nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh của mình như Casino (Pháp) với thương hiệu Big C, Lion Group (Malaysia) với thương hiệu Parkson, Metro Cash & Carry (Đức), Family Mart, Ministop (Nhật), Circle K (Mỹ)...

Mới đây, ông trùm Thái Lan đã bước chân vào bán lẻ ở Việt Nam bằng việc mua vốn Việt tại FamilyMart sau khi Nhật Bản rút lui. Nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) công bố siêu thị đầu tiên tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2014 tại số 229 Tây Sơn, Hà Nội. Warburg Pincus chi 200 triệu USD mua cổ phần Vincom Retail.

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart sau 2 năm nghiên cứu thị trường cũng cho biết năm 2013 sẽ mở siêu thị bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam và tiến tới xây dựng chuỗi 17 siêu thị từ nay đến 2017.

Theo kế hoạch, Saigon Co.op và NTUC FairPrice Singapore sẽ mở đại siêu thị tên gọi Co-op Xtra đầu tiên tại TPHCM với quy mô diện tích lớn hơn Co.opMart hiện nay.

Trước sự gia nhập và bành trướng của các thương hiệu bán lẻ ngoại, nguy cơ các doanh nghiệp bán lẻ nội bị phụ thuộc sau khi liên doanh rất cao. Nhiều ý kiến cho rằng, để tồn tại trên sân nhà, các DN nội cần tăng cường tính liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để hỗ trợ nhau xây dựng và bảo vệ thương hiệu, trợ giúp Chính phủ trong việc điều hành vĩ mô về thị trường, giá cả... , phát huy lợi thế cạnh tranh, tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư.

Duy Anh