- Báo VietNamNet ngày 04/10 giới thiệu bài phỏng vấn với Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về giáo dục. Rất nhiều ý của bà Bình tôi nhất trí, nhưng có một số ý tôi không đồng tình, xin được thẳng thắn trao đổi.
Lương bổng - biết thế nào là vừa?
Tin vui thu nhập cho nhà giáo đã nghỉ hưu
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình |
1. Tôi hoàn toàn không đồng ý khi bà Bình cho rằng “Trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy, cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp do Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có cuộc sống tươm tất.”
Là giáo viên nên tôi hiểu rõ vấn đề này. Cái làm cho giáo viên không còn động lực hoạt động nghề nghiệp không phải vì lương thấp mà do cơ chế hay cách thức trả lương . Một giáo sinh học nghề sư phạm, ra trường hễ được vào biên chế nhà nước là yên tâm. Dạy giỏi, dạy dốt ư? Chẳng sao. Ai đuổi được mà sợ. Cứ “tà tà”. Lương tháng cứ “đến hẹn lại lên ” mà. Một cơ chế trả lương hoàn toàn không đúng với nguyên lý “làm theo năng lực hưởng theo lao động”, không gắn tiền công với sản phẩm do người lao động tạo ra (với nghề giáo là chất lượng giáo dục học sinh ) thì làm sao đồng lương có thể trở thành động lực phấn đấu nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như năng lực công tác của người lao động được.
2. “ Để tự cứu mình, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải dạy thêm, dẫn đến dạy thêm tràn lan.” "Vấn đề dạy thêm học thêm hiện nay khó chống, nguyên nhân là người giáo viên phải làm thêm để có thu nhập đảm bảo đời sống. Vì vậy, dạy thêm rất khó cấm, và thực tế hiện nay là vẫn không thể chống được. Nếu giải quyết thỏa đáng đãi ngộ, lương bổng để giáo viên và gia đình có cuộc sống tươm tất, đàng hoàng thì theo tôi, không cần cấm đoán, giáo viên cũng sẽ không dạy thêm nữa”. Hoàn toàn sai.
Xin thưa, có phải giáo viên nào cũng thích mà được dạy thêm đâu? Chỉ có giáo viên một vài môn chính thôi. Nhiều giáo viên không phải “dạy để có thu nhập đảm bảo đời sông” mà họ đã rất giàu rồi. Giàu rồi nhưng vẫn không bỏ dạy thêm vì trong thời buổi kinh tế này có ai không thích giàu thêm nữa? Nguyên nhân dạy thêm, học thêm ở chỗ khác chứ không phải chỗ thu nhập của giáo viên thấp đâu.
3.Tôi cũng không đồng ý “thâm niên là đặc thù của nghề giáo, càng làm lâu trong nghề càng phải khuyến khích”.
Theo tôi, gần đây nhà nước khôi phục lại thâm niên cho nghề giáo là không hay. Bởi lối trả phụ cấp theo kiểu “sống lâu lên lão làng” này chỉ tổ triệt tiêu “động lực hoạt động nghề nghiệp” mà thôi. Nghề nào cũng vậy, có người cả đời làm nghề nhưng cũng không có tay nghề giỏi song cũng có người chỉ trong một thời gian ngắn “tuổi trẻ tài cao”, có thể đạt đỉnh cao trong nghê nghiệp.
Thiết nghĩ, phụ cấp thâm niên chỉ nên dành cho những nghề mà không ai muốn làm lâu vì môi trường làm việc độc hại hoặc nguy hiểm (như thợ mỏ chẳng hạn), hoặc những khu vực khó khăn (vùng sâu vùng xa, hải đảo…) mà không ai muốn ở lâu thì mới đúng.
4. Tôi cũng đồng ý, nghề dạy học nhưng chỉ là ở phổ thông phải là nghề được trả lương cao vào bậc nhất trong xã hội. Vì đây là nghề “cao quí nhất trong các nghề cao quí”, nghề dạy người (chứ không phải dạy nghề). Phải trả lương, phải đãi ngộ làm sao để ngành sư phạm thu hút được những người tài giỏi nhất của xã hội vào học tập, rèn luyện để rồi họ trở thành những người thầy, những con người mẫu mực là “mô phạm” cho các thế hệ người Việt Nam.
- Nhà giáo Xuân Quảng
*******************
Ý kiến của các bạn về vấn đề này, trao đổi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn