-  Cơn chấn động cấp 5 xảy ra tối 24/3 tại Hà Nội khiến người dân tại nhiều khu ở thủ đô rúng động. Tuy nhiên các số liệu thống kê cho thấy những năm gần đây Hà Nội cũng liên tiếp phải hứng chịu những cơn dư chấn tương tự.

TIN BÀI KHÁC


Theo báo cáo của Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ), trận động đất tại Hà Nội xảy ra lúc 20h55 phút ngày 24/3 tại tọa độ 20,86 độ vĩ bắc, 187 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Cơn dư chấn này xảy ra do tác động từ trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra tại biên giới Myanmar – Lào – Thái Lan vào tối cùng ngày. Một số nơi thuộc vùng Tây Bắc cũng chịu tác động của trận động đất này. Dư chấn tại Điện Biên đo được đạt cấp 6 (Theo thang MSK-cấp mạnh nhất là 12).

Trước đó vào tháng 5/2008, Hà Nội cũng từng bị ảnh hưởng của dư chấn động đất tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) với cường độ cấp 3.

Chiều 16/5/2007, trận động đất mạnh 6,1 độ richter tại khu vực Bắc Lào đã gây chấn động cấp 6 tại Điện Biên và cấp 3 tại Hà Nội.

Vào năm 1983, Hà Nội cũng từng xảy ra một trận động đất mạnh cấp 6 (tương đương 4,5 độ richter).

Tuy nhiên, theo các tài liệu lịch sử, nhiều trận động đất gây chấn động mạnh từng xuất hiện ở cố đô Thăng Lăng vào những năm 1277, 1278 và 1285.

Đặc biệt ghi nhận vào năm 1285 cho thấy Thăng Long đã từng xảy ra động đất mạnh cấp 8 (trên 6 độ richter). Trong suốt khoảng thời gian từ đó cho đến nay chưa từng xảy ra động đất lớn như vậy. Ứng theo số liệu tần suất xuất hiện động đất (khoảng 1000 năm/trận động đất lớn) thì Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã sắp sửa bước qua con số 800 năm. Các nhà khoa học đánh giá đây có thể là giai đoạn  tích lũy ứng suất để động đất hoạt động trở lại.

Thêm vào đó sự xuất hiện liên tiếp của những trận động đất tại Cao Bằng và Thanh Hóa vào tháng 8, tháng 9 năm ngoái cũng là một bằng chứng để khẳng định đứt gãy trên đồng bằng sông Hồng đang hoạt động.

Hàng trăm người dân tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính  (Hà Nội) hốt hoảng chạy ra đường vì rung chấn xảy ra tối 24/3 (Ảnh: VietNamNet)

Mới đây, theo cảnh báo của các nhà khoa học, Hà Nội nằm trên vùng động đất cấp 8 nên chỉ cần động đất trung bình cũng có thể gây ra rung động mạnh các tòa nhà.

Theo nghiên cứu đánh giá rủi ro động đất, nếu Hà Nội xảy ra động đất với cường độ cực đại theo tính toán (6, 7 độ richter) thì sẽ có từ 30-40% nhà cửa bị phá hủy, thiệt hại về người không thể lường trước được.

Trong trường hợp Hà Nội có động đất lớn, một số khu vực có nền đất yếu như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng có thể mạnh cấp 7, cấp 8. Một số địa điểm có nền đất tốt hơn như Đông Anh, Sóc Sơn có thể mạnh cấp 6, cấp 7.

Trong một diễn biến khác, để đề phòng nguy cơ sóng thần xảy ra tại Việt Nam, nhiều khả năng trong thời gian tới Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương sẽ thực hiện diễn tập ứng phó với sóng thần nhằm giúp người dân và chính qyuền địa phương có kiến thức và kỹ năng đối phó với thảm họa nếu nó xảy ra.

Ngay sau khi Nhật Bản phải hứng chịu thảm họa động đất kinh hoàng hôm 11/3 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch 35/KH-UBND thực hiện thông tin cảnh báo, triển khai phòng, tránh, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn thành phố.

Minh Anh (tổng hợp)