- Trong bản trường thọ này có nhiều chuyện lạ. Lạ nhất là chuyện một cụ cao niên nhất bản có đến 12 con, cháu, chắt và chồng là cán bộ chủ chốt của xã, huyện. Câu chuyện “cuốn” chúng tôi đi hơn 100km từ thành phố Lào Cai ngược lên bản Sín Chải, xã Tả Giàng Phình nằm ở cực Bắc huyện du lịch Sa Pa.
Đứng trên mỏm Pháo Đài (địa danh thời kháng Pháp) đầu cầu Cốc Lếu bên thượng nguồn bờ sông Hồng ở TP. Lào Cai nhìn ngược lên phía tây thấy năm ngọn núi cao ngất của dãy Ngũ Chỉ Sơn chĩa lên trời như năm ngọn măng chót vót. Dãy núi ở độ cao 1.300m so với mặt nước biển, có cảm giác như trong tầm tay bởi hôm nay trời quang, mây tạnh chứ phải đi hơn 100km nữa mới lên đến nơi. Ở đó quanh năm suốt tháng sương bay và mây mù dày đặc. Dưới chân núi là một thung lũng cổ - nơi cư trú của hàng trăm bà con người Mông thuộc bản Sín Chải, xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa với nhiều chuyện lạ.
Cụ bà 112 tuổi và 12 cán bộ chủ chốt
Sín Chải là một trong bảy bản của xã Tả Giàng Phình nằm ở địa đầu vùng cực Bắc của huyện Sa Pa. Trong 127 gia đình người Mông với 624 nhân khẩu thì có khá nhiều người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Theo bà Thào Thị Vỹ (62 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tả Giàng Phình), bản có 5 người từ 100-112 tuổi; 20 người từ 80-90 tuổi; 22 người từ 60-80 tuổi. Người cao tuổi nhất bản là cụ Sùng Thị Khu, 112 tuổi.
Bản Sín Chải trong sương mờ. |
Anh Thào A Lờ (37 tuổi) - chủ tịch xã Tả Giàng Phình, nghe chúng tôi hỏi chuyện về bản trường thọ, anh Lờ mỉm cười: "Tôi là cháu của cụ Khu đấy". Một người mặc comple bước vào. "Bí thư đảng ủy xã đấy, tên là Thào A Tráng, hơn tôi một tuổi, cũng là chắt của cụ Khu nhưng ở vai trên"- anh Lờ giới thiệu. Chúng tôi đang ngỡ ngàng thì một người đàn ông thứ ba bước vô tiếp. Anh Lờ nói tiếp: "Đây là anh Thào A Sủng - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã, cháu ruột cụ Khu. Bố anh Sủng là Thào A Di con trai đầu của cụ Khu, năm nay đã 95 tuổi". Cả ba cán bộ chủ chốt của xã ngồi quây lại bên chúng tôi, người rót trà, người kéo thuốc lào thả khói như mây rừng trắng xóa.
Anh bí thư đảng ủy xòe bàn tay liệt kê một loạt cán bộ bản, xã và huyện đều là con, cháu, chắt của cụ Khu: "Thào A Măng con thứ ba của cụ Khu hiện đang làm trưởng ban công tác mặt trận bản, được dân bản Sín Chải yêu mến lắm. Cháu ruột cụ Khu còn có Thào A Chư - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã, Thào A Ku-phó bí thư đoàn xã, Thào A Páo tốt nghiệp đại học Nông Lâm về làm bí thư đoàn xã nay là chuyên viên Ban Dân vận huyện ủy Sa Pa (bố của Páo đi bộ đội về làm xã đội trưởng, bí thư đảng ủy xã nay đã về hưu). Thào A Lờ giáo viên trường tiểu học Tả Giàng Phình. Bậc chắt còn có hai người nữa, đó là Thào A Ký - bí thư đoàn xã, Thào A Trơ - phó ban công an xã".
Tôi vào chuyện: "Ở các địa phương dưới xuôi chúng tôi chưa gặp một xã nào có đông anh em trong dòng họ là con, cháu, chắt của một bà cụ lại cùng làm cán bộ trong một xã như ở đây". Anh bí thư giải thích ngắn gọn: "Chồng cụ Khu của chúng tôi nguyên là chủ tịch ủy ban hành chính xã thời kháng chiến chống Pháp. Con cháu noi gương ông làm cách mạng đến giờ". "Vậy có bao giờ các anh trái ý với nhau trong bàn bạc công việc gay cấn của địa phương không". Chủ tịch xã nói: "Có chứ. Những việc gì bàn chưa ra lẽ, chưa thấy rõ cái đích công việc phải làm để đạt hiệu quả theo nhiệm vụ cấp trên giao thì anh em phải ngồi xích lại với nhau để bàn. Bàn đi bàn lại có khi bàn đến gay gắt cho ra lẽ mới thôi. Nếu không làm sao trụ được với công việc của xã vùng biên ải này".
"Nhựa cây anh túc không tốt đâu nhé"
Rời ủy ban xã, bí thư đảng ủy và chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã dẫn chúng tôi vào bản Sín Chải để đến nhà cụ Khu. Những mái nhà lợp tôn của bản nằm lẫn trong sương, trong mây giữa thung lũng có từ bao đời nay dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn cao thứ nhì sau "nóc nhà Đông Dương" Phan Xi Păng nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Hai ông cán bộ xã cho hay nhiều người từng lên đến đỉnh Phan Xi Păng còn Ngũ Chỉ Sơn chưa ai lên tới nơi.
Chúng tôi vừa bước đến bên bếp lửa giữa nhà, đã nghe tiếng cụ Khu hỏi to: "Đứa nào đấy". "Dạ, hai cháu Tráng và Sủng bà ạ" - anh bí thư thưa. Cụ Khu dụi khúc củi cho bếp lửa sáng lên, nói: "À, tao biết rồi. Vào sưởi cho ấm, ngoài bản có nhiều sương mù không".
Ngồi bên bếp lửa, anh bí thư khoe: "Tuy mắt của cụ không nhìn rõ nữa nhưng tai còn tỏ và nói nghe rõ lắm. 112 tuổi rồi nhưng trí nhớ của cụ đang rất tốt. Bao nhiêu trận lở núi, sụt đất ngày xưa ở bản này giờ cụ vẫn kể vanh vách cho con cháu nghe. Chuyện cổ tích của người Mông bà vẫn còn kể lại được. Trong chín người con (ba trai, sáu gái) với hơn 40 cháu và chắt nhưng cụ Khu chỉ ở với con trai thứ ba là Thào A Măng, người đang đảm trách ban công tác mặt trận rất có uy tín của bản.
Cụ bà Sùng Thị Khu (giữa) với Bí thư đảng ủy Thào A Tráng (bìa trái) và chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Thào A Măng bên bếp lửa. |
Biết có khách lạ, cụ Khu hỏi anh Măng khách ở đâu đến. Anh Măng giới thiệu là nhà báo ở dưới xuôi lên muốn nghe bà kể chuyện hồi bản mình trồng cây anh túc có khấm khá bằng bây giờ trồng lúa, ngô và thảo quả không. Cụ Khu cười móm mém: "Mỗi bữa cơm ăn có vài miếng thịt lợn luộc với rau cải lông, uống nước suối Thầu trong núi Ngũ Chỉ Sơn không bị ốm đau gì là may làm sao nhớ hết chuyện ngày xưa".
Anh bí thư lại khoe: "Suốt chừng ấy năm, cụ chỉ mệt mỏi khi mang thai và sinh nở hoặc chỉ cảm qua loa, con cháu vào núi Ngũ Chỉ Sơn tìm lá thuốc về chữa là khỏi chứ chưa đau ốm nặng nên 112 năm rồi chưa phải đi bệnh viện lần nào. Nhiều người, trong đó có cả mấy du khách nước ngoài hỏi bí quyết trường thọ của dân bản, nhất là vì sao phụ nữ ở đây sống thọ hơn nam giới nhưng chúng tôi chỉ biết giải thích do gien di truyền, khí hậu trong lành, nguồn nước tinh khiết, rau quả không bị nhiễm hóa chất nhờ sống giữa thiên nhiên bao bọc quanh năm".
Nghe vậy, cụ Khu lại dụi khúc củi vào bếp lửa, bắt đầu kể về chuyện cây anh túc ngày xưa: "Hồi xưa cả bản này trồng cây anh túc nhưng không thấy ai giàu có, chỉ thấy người nghiện ngập và một số ông già chết nghiện thôi. Trồng cây anh túc để lấy nhựa là không tốt đâu nhé".
Anh Măng tiếp lời: "Năm 1994, nhà nước không cho phép trồng nên bản bỏ hết cây anh túc chuyển sang trồng lúa nương và ngô địa phương. Gian nan lắm, phải mất ba năm truyên truyền, vận động và ba năm cán bộ trực tiếp đi nhổ thì mới đứt nọc được cây anh túc. Nhổ cây anh túc rồi mới trồng lúa và ngô lai thì đời sống dân bản mới thực sự khấm khá lên". Bí thư đảng ủy nói: "Những năm 1960 cây anh túc đang ngự trị ở vùng này cũng là khi phỉ thường thâm nhập. Chính bố bà Vỹ bị phỉ trói vào cây rừng bắn chết. Còn Giàng A Di lén lút đi theo phỉ thì bị bộ đội vây bắt. Thuốc phiện hết, phỉ hết thì Sín Chải mới được như ngày nay".
Bên bếp lửa giữa mênh mông bản dày đặc sương mù, anh bí thư chỉ tay ra phía dãy núi Ngũ Chỉ Sơn cho hay ngoài việc trồng lúa nương và ngô lai dân bản Sín Chải còn chọn những dông núi thoai thoải để trồng thêm thảo quả, một nguồn thu nhập không nhỏ giữa thung lũng cổ này.
Mặc Nhiên