-Bài Ô tô 5 chỗ sắp đại hạ giá thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.
TIN BÀI KHÁC:
Phát triển ô tô phải đồng bộ với phát triển đường sá
Bạn Lê Ngọc Anh cảm thấy khó tin: Làm gì có chuyện "đại hạ giá"ô tô ở Việt Nam mình, ít nhất là trong thời gian 20 năm nữa? Bạn Anh Kiệt có cùng tâm trạng: Một ước mơ xa vời dành cho...cháu chúng ta! “Tại sao không phải là xe 7 chổ mà là 5 chổ, vì kích thước gần như nhau”? Đó là thắc mắc của Minh Huy. Bạn Anh Thái cũng đặt câu hỏi: Thế giới đều chọn dòng xe 7 chỗ hoặc bán tải 5 chỗ là dòng xe chiến lược! Việt Nam làm khác, chọn xe du lịch 5 chỗ, có giải quyết được gì về: Số người tham gia giao thông, hàng hóa vật dụng cá nhân, phương tiện đa dụng cho vùng ngoại thành, nông thôn?
|
Ảnh minh họa |
Mối quan tâm của bạn Trần Tú lại ở góc độ khác: Giải pháp phát triển ô tô phải tính đồng bộ với phát triển đường sá trong nội đô? Đường phố Hà Nội không khéo rồi sẽ chật cứng không nhúc nhích được đâu! Tốt nhất là trước mắt hãy thử phát triển giải pháp ‘buýt hóa’ ở Hà Nội và TP HCM cho dân đi lại miễn phí như một số nước đang thử nghiệm xem. Bạn Lê Linh Châu tán thành: Ở thành phố có phương tiện cộng công thì nên đi xe công cộng, đi xe riêng làm gì cho ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của! Nhưng bạn Châu lại không tán thành ở một khía cạnh ô tô gây tắc đường, vì: Những chỗ đông người như Hà Nội, TP.HCM mới tắc. Ở các tỉnh, thành phố khác lấy đâu xe đi mà tắc? Chẳng lẽ vì 2 thành phố đó mà kéo lùi cuộc sống của cả nước? Nguyên Hưu Thanh cũng có ‘nỗi lo đường sá’: Chỉ có đề án phát triển ô tô thì chưa đủ. Ô tô phát triển mà đường không có để đi, xe không có chỗ đậu thì ai mà sử dụng? Đừng để xảy ra tình trạng hàng ngàn xe để trong kho 'đợi' phát triển đường sá?
Về vấn đề này, bạn Lê Hùng nhìn nhận lạc quan hơn: Từ đầu năm, Nhà nước đã kêu gọi vốn xã hội hoá mở rộng quốc lộ 1, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn làm đường. Khi có đường tốt rồi, phải có nhiều xe chạy thì mới nhanh thu hồi vốn. Có cơ sở để tin vào tương lai. Email hxt1412@gmail.com thì cho rằng: Xe ôtô có giá rẻ thì người dân mua được xe và sẵn sàng đóng thêm phí để duy tu bảo dưỡng đường sá. Bạn Nguyên Minh đề xuất phương án: Cầu đường đi liền với ô tô. Phải ràng buộc trách nhiệm các doanh nghiệp ô tô với phát triển cầu đường qua hình thức đánh thuế theo tỷ lệ % số xe xuất xưởng hàng năm.
Góc nhìn của email binhdangkhoa@gmail.com: Giảm thuế ô tô, kích cầu là hoạch định đúng đắn của Chính phủ. Chưa hẳn giảm thu ngân sách vì, kích cầu thì số lượng người mua nhiều hơn tổng thu chưa chắc giảm. Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân lên rất quan trọng, nó sẽ kích thích lớn đến vấn đề ổn định chính trị- xã hội! Bạn Tay Nguyen tán đồng: Giảm thuế thì giá xe thấp xuống, người tiêu dùng sẽ mua nhiều, sản xuất sẽ phát triển tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế khác như lệ phí đường, thuế thu nhập và các dịch vụ đa ngành khác. Tuy nhiên, bạn này cũng cảnh báo: Khi nhà nước giảm thuế, các nhà sản xuất ô tô có giảm giá không, hay lại lợi dụng chính sách ưu đãi thuế để trục lợi?
Trông người mà ngẫm lại ta?
|
Ảnh minh họa |
Bảo Huỳnh Ngọc nhìn nhận: Đúng là chúng ta quá bảo hộ ngành ô tô trong nước một thời gian dài (mà không phát triển được, người dân vẫn phải mua ôtô đắt), chậm thay đổi chính sách nên không thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất. Bây giờ mới thay đổi đúng là quá chậm! Trong khi đó Thái Lan và Indonesia đã cơ bản hình thành được ngành sản xuất ô tô nhờ liên doanh sản xuất với các doanh nghiệp của Nhật Bản nhiều năm nay rồi.
Hieu Minh bổ sung với nỗi băn khoăn: Các nướcThailand hay Indonesia phải cần tới hàng chục năm mới có được công nghiệp ô tô như hiện nay với hệ thống các nhà sản xuất linh kiện phụ trợ đa dạng. Việt Nam lại định xây dựng trong vài năm, và chỉ sản xuất một dòng xe duy nhất? Vậy ai sẽ đầu tư nhà máy sản xuất, cung cấp linh kiện phụ trợ chỉ để bán cho 1 dòng xe với tổng cầu nội địa chỉ vài ba chục ngàn cái/năm? Hay lại phải nhập khẩu? Nếu nhập khẩu thì cạnh tranh sao được khi hội nhập toàn diện với AFTA, WTO?
Một bài học được bạn Lê Hùng viện dẫn: Cách đây 20 năm, Trung Quốc cũng thi hành chính sách đánh thuế cao để hạn chế xe nhập khẩu. Hậu quả là, nạn buôn lậu ô tô đã làm nước này thất thu nghiêm trọng, làm băng hoại một thế hệ công chức. Sau đó họ thay đổi, giảm thuế, tạo thông thoáng cho xe nhập khẩu. Khuyến khích các hãng ô tô nổi tiếng đầu tư sản xuất ô tô trong nước, đồng thời khuyến khích xã hội hoá trong việc phát triển hạ tầng đường cao tốc. Đến nay họ đã có một nền công nghiệp ô tô, hệ thống đường cao tốc hàng đầu thế giới.
Theo phân tích của Đỗ Quang Đán thì: ‘Đại hạ giá’ xe ô tô, đáng lẽ việc này các cơ quan giúp việc Chính phủ phải làm từ lâu rồi. Nếu làm như thế thì chúng ta đã có một nền công nghiệp ô tô khá hùng hậu chứ đâu phải bây giờ mới khấp khởi mừng? Chúng ta giảm thuế, giảm phí, mấy vị làm tài chính ‘tư duy ngắn’ nên sợ mất nguồn thu, chứ không tỏ là: Cả nhà nước, cả người dùng xe ô tô được lợi. Công nghiệp ô tô mở ra thì nhiều nhà máy sản xuất linh kiện mở ra. Các khu công nghiệp sẽ lấp đầy nhanh, người lao động có việc làm. Một mũi tên bắn trúng bao đích mà cứ chậm chạp, cứ chần chừ. Thôi thì chậm còn hơn không. Nhưng cũng cần tỉnh táo phải chọn công nghệ, chọn sản xuất dòng xe ô tô nào phù hợp với đường sá, với người Việt Nam mình. Bạn Đỗ Quang Đán cũng cảnh báo: Điều cần hơn là làm ăn cho nghiêm chỉnh, chứ cứ lại à ơi, lại lợi ích nhóm ẩn trong đó, chia chác vào đó, thì cũng chả thiếu gì hệ lụy kéo theo về!
“Chỉ cần cho ngành ô tô hoạt động theo cơ chế thị trường và đánh thuế, phí ở mức hợp lý như những nước khác đã làm thì nền công nghiệp ô tô sẽ tự nó phát triển”, đó là ý kiến của Tuan Cuong.
Ban Bạn đọc