Theo đó, ngày 18/8, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng toàn văn dự thảo "Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân" để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thông tư này quy định quy tắc ứng xử của lực lượng công an trong nội bộ, với nhân dân, với mạng xã hội... Sau khi đăng tải, nhiều ý kiến tham gia góp ý về quy tắc ứng xử của công an với nhân dân.
Cụ thể, chị Nguyễn Thị Thanh Hoài (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, là người hoạt động trong cơ quan nhà nước, chị hoàn toàn ủng hộ việc Bộ Công an ban hành quy tắc ứng xử.
"Tôi quan tâm đến nội dung tại điều 5, quy định về việc ứng xử với nhân dân của dự thảo Thông tư. Bởi bản thân tôi là một người dân, mọi hoạt động thường ngày đều được ràng buộc với các hành lang pháp lý nên trong những tình huống cụ thể vai trò của lực lượng công an là rất lớn", chị Hoài nói.
Đề cập về việc công an phải lễ phép, kính trọng với nhân dân, giao tiếp tận tình, niềm nở với dân - chị Hoài cho biết, điều này đang được lực lượng công an nói riêng và cán bộ, công chức nói chung từng bước cải thiện.
"Cơ quan tôi luôn quán triệt quan điểm, cán bộ phải đi đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Việc cải cách này bắt đầu từ thay đổi thái độ với người dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính. Với công an, môi trường công việc thường xuyên tiếp xúc với người dân, thì việc này càng cần thiết phải thực hiện và hiện thực hóa bằng các văn bản cụ thể", chị Hoài nêu.
Còn anh Nguyễn Thanh Hải (quê Đông Anh, Hà Nội) cho biết, do công tác tại văn phòng luật sư nên thường xuyên tiếp xúc với cơ quan điều tra. Theo anh, luật sư là một trong những người có góc nhìn chân thực nhất về thái độ, cách ứng xử của cơ quan công an.
"Từng cử chỉ, thái độ, hành động của công an đều tác động, quyết định ít nhiều đến các vụ án. Nếu việc ứng xử không đúng mực sẽ dẫn đến các sai lệch về định hướng, các quyết định tố tụng liên quan", anh Hải nói.
Đề cập về những bất cập đã xảy ra trong ứng xử của cơ quan công an, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dẫn chứng một số vụ việc như cán bộ công an đứng nhìn tài xế taxi bị đâm ở khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội); chiến sĩ CSGT nhìn cô gái bị người đàn ông đâm ở TP Ninh Bình...
Chị Nga cho rằng, thực tiễn từng xảy ra các tình huống cán bộ trong lực lượng công an có thái độ "vô cảm" với người dân. Do đó, việc ban hành Thông tư về quy tắc ứng xử của công an nhân dân là 'rất cần thiết'.
"Việc ban hành hệ thống quy tắc ứng xử này như một tấm gương để chính lực lượng công an tự soi vào trước khi đưa ra các quyết định, hành động đối với nhân dân. Những quy tắc đưa ra khi ứng xử với nhân dân theo tôi đã toàn diện, đầy đủ, nếu áp dụng trong thực tiễn sẽ góp phần đưa hình ảnh công an thêm gần dân", chị Nga nói.
Ngoài ra, vẫn theo chị Nga, thực tế có một số lực lượng thường xuyên tiếp xúc với người dân như CSGT, cảnh sát khu vực, cảnh sát quản lý về trật tự xã hội... do đó, người dân sẽ đổ dồn nhiều sự chú ý với nhóm lực lượng nêu trên.
"Người dân khi bị CSGT dừng xe để xác minh các lỗi vi phạm giao thông đường bộ sẽ trông chờ vào thái độ ứng xử của lực lượng thực thi pháp luật. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng tự tin khi gặp cảnh sát, việc tâm lý đè nặng này rất cần thái độ ứng xử thân thiện, hòa nhã của CSGT để quá trình xử lý đúng quy định", chị Nga dẫn chứng về nội dung dự thảo cho rằng, công an không được "dọa nạt người dân".
Bàn về việc công an "không được hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân", ông Nguyễn Tiến Thi (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, đây là khái niệm cần được cắt nghĩa rõ.
"Cần phải làm rõ trường hợp nào được xác định là vô cảm. Ví dụ công an đứng nhìn người dân vật lộn với tên cướp mà không can thiệp có được gọi là vô cảm không? Hoặc đơn giản như việc nhận cuộc gọi của nhân dân về việc bị hàng xóm có hành vi đe dọa mà lờ cho qua có phải là vô cảm?", ông Thi nêu câu hỏi.
Theo ông Thi, thực tiễn cuộc sống phát sinh rất nhiều tình huống mà ở đó công an giữ vai trò trọng yếu. Ông ví dụ, một cuộc cãi vã nhỏ không được can thiệp kịp thời rất có thể dẫn tới án mạng. Một vụ cướp không được ngăn chặn bởi người có kỹ năng nghiệp vụ rất có thể khiến dân thường đổ máu...
Điều 5: Ứng xử với Nhân dân: 1. Kính trọng, lễ phép với nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của nhân dân. 2. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai. 3. Không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc trừ trường hợp phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác. 4. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật và tự nguyện, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 5. Đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính. |
Đoàn Bổng ghi