Chia sẻ trong một hội nhóm trên Facebook mới đây, một nữ thành viên cho biết cô vừa dính phải một chiêu lừa tiền bán điện thoại iPhone theo một cách "không nghĩ mình lại ngu ngốc và bất cẩn như thế".
Cụ thể, vào chiều ngày 17/10 vừa qua, cô đã bán một chiếc điện thoại iPhone XS Max cho một thanh niên tại Hà Nội. Sau khi thỏa thuận giá cả là 13 triệu đồng, cô đã reset thiết bị để đưa cho đối tượng này..
Tuy nhiên, do không nhớ số tài khoản, lại vừa reset máy nên không thể kiểm tra, cô đã yêu cầu người mua chuyển khoản sang số tài khoản của bạn mình. Thanh niên này đã thao tác trên điện thoại cá nhân rồi đưa cho cô xem "hình ảnh giao dịch thành công". Cô còn cẩn thận chụp ảnh lại màn hình để làm bằng chứng.
Nhưng sau khi về nhà, chờ mãi không thấy tiền về tài khoản người bạn, nữ thành viên này mới nghi ngờ, mở hình ảnh mình đã chụp ra xem lại. Lúc này, cô mới té ngửa ra khi thấy ảnh chụp lúc đó chỉ là thông báo "cài đặt lịch thành công" chứ không phải là "giao dịch thành công". Gọi điện lên ngân hàng TPBank (ngân hàng được đối tượng kia sử dụng), cô mới được biết đối tượng kia chỉ cài đặt lịch thành công chứ chưa hề chuyển tiền.
Bất cẩn hơn nữa, số điện thoại của đối tượng chưa lưu vào sim mà lại ở nhật ký cuộc gọi trong chiếc iPhone đã bán. Tài khoản Facebook liên hệ trước đó chỉ là tài khoản ảo, hiện cũng đã chặn tài khoản của cô.
"Thật sự ngu ngốc và bất cẩn khi bán hàng qua Facebook", cô chia sẻ trên mạng xã hội.
Câu chuyện sau khi chia sẻ đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều cho rằng cô gái này đã quá bất cẩn và ngây thơ khi không đọc kỹ thông báo hiển thị để phát hiện ra điểm nghi vấn, điều mà ai "liếc qua bức ảnh cũng nhận ra".
"Bó tay với sự chủ quan của bà chị. Thường khi nhìn vào ảnh mình sẽ đọc từ đầu đến cuối", bạn Ngọc Mai bình luận.
"Sơ suất quá. Chắc bạn ấy không để ý đến 'cài đặt lịch' mà chỉ chú ý chữ 'thành công'. Thôi thì hy vọng thanh niên kia còn lương tâm mà chuyển tiền cho bạn", người dùng Facebook có nickname Thao Nguyen an ủi.
"Nếu bình thường người mua sẽ phải chuyển khoản ngay, nhưng cố tình lừa nên mới không thao tác chuyển mà thay vào đó là thao tác đặt lịch, vì khi hoàn thành xong thao tác đặt lịch thì cũng ra màn hình như ảnh chụp, nhìn na ná như màn hình giao dịch chuyển khoản thành công. Người nhận không để ý kĩ sẽ nghĩ đó là chuyển khoản thành công nhưng tiền chưa qua tài khoản", một người dùng phân tích.
"Dù đúng dù sai, người ta đang mất tài sản đã rất đau lòng rồi, mấy bạn còn bình luận trách bạn ấy không cẩn thận là sao? Người ta đang cần sự giúp đỡ mà?", một người dùng khác thì bênh vực nạn nhân khi có khá nhiều người chê trách sự bất cẩn của cô.
Theo tìm hiểu của Genk, tính năng Cài đặt lịch của ngân hàng TPBank cho phép người dùng đặt lịch để thực hiện một lệnh chuyển tiền vào một thời điểm cố định hẹn trước. Tuy nhiên, trước thời điểm hẹn giờ, người dùng có thể chủ động hủy bỏ lệnh chuyển tiền này. Tính năng này được cho là khá thuận tiện để thanh toán hoá đơn điện nước điện thoại hàng tháng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ giao diện hiển thị thông báo cài đặt lịch lại "khá giống" với thông báo hiển thị giao dịch chuyển khoản thành công. Đồng thời, nhiều người dùng dịch vụ của các ngân hàng khác lại không hề biết tới sự tồn tại của tính năng này. Lợi dụng sơ hở đó, đối tượng kể trên cũng đã thành công trong việc lừa nạn nhân là đã chuyển tiền.
Và bất ngờ hơn nữa, nữ thành viên nói trên cũng không phải là nạn nhân duy nhất của đối tượng này. Một số người dùng cho biết họ cũng đã bị lừa khi chuyển tiền giao dịch mua bán cho đối tượng có tên tài khoản ngân hàng TPBank kể trên.
Trong một nhóm buôn bán nước hoa, đối tượng này đã lừa số tiền 4,5 triệu đồng của một nữ thương nhân. Một thành viên nữ khác cũng cho biết cô đã bị lừa bởi đúng đối tượng trên, với cùng kiểu giao dịch đặt lịch như thế này ở khu vực phường Quan Hoa, Hà Nội cách đây chỉ ít ngày.
"Em không để ý cái ngân hàng TPbank này lại có kiểu cài đặt như vậy nên bị lừa", cô chia sẻ trên Facebook.
Một thành viên khác trên Facebook cũng cho biết đã bị lừa theo kiểu tương tự, bởi chính đối tượng này.
Nhìn chung, thủ đoạn quen thuộc của đối tượng này là hỏi mua các thiết bị sản phẩm có giá trị cao nhưng nhỏ gọn, như điện thoại cá nhân trên mạng xã hội. Nạn nhân bị nhắm tới thường là nữ, không nhiều hiểu biết về công nghệ cũng như có tâm lý kém. Sau khi kết nối được với nạn nhân, đối tượng sẽ chủ động liên hệ giao dịch gặp mặt trực tiếp ở gần khu vực của nạn nhân để giảm bớt sự nghi ngờ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình từ lúc chuẩn bị cho tới khi kết thúc việc giao nhận hàng, đối tượng luôn giục giã, viện các lý do khác nhau để đẩy nhanh việc mua bán, tháo sim reset thiết bị, thậm chí chấp nhận mua giá cao. Cuối cùng là thao tác hiển thị thông báo "Đặt lịch chuyển khoản thành công" để đánh lừa nạn nhân, sau đó biến mất.
Để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, khi mua bán giao dịch hàng hóa trực tiếp với người lạ, mọi người nên kiểm tra kỹ các thông báo hiển thị giao dịch chuyển khoản. Hiện tại, tính năng chuyển khoản nhanh 24/7 đều được hầu hết các ngân hàng hỗ trợ, nên không cần vội vàng và hãy chờ tin nhắn báo tiền về mới thực hiện việc giao hàng, "tiền trao cháo múc".
(Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Cảnh báo chiêu trò “bảo hành miễn phí thiết bị điện tử” để lừa đảo
Nhiều người dùng nhận được những cuộc gọi được cho là gọi đến từ các hãng công nghệ lớn, thông báo về một chương trình khuyến mãi và quà tặng mà chỉ cần trả một số tiền nhỏ để tham gia…