Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ ngày 14/6 về thương vụ thoái vốn 7.400 tỷ tại Vinaconex cuối năm 2018, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đánh giá, thương vụ thoái vốn Nhà nước của SCIC tại Vinaconex là thành công.

Ông Chi cho biết: "Giá trị nhà nước thu về là thành công. Về phần của Nhà nước, SCIC đã làm tất cả những gì để đạt hiệu quả nhất. Chúng tôi thực hiện đúng quy định pháp luật, đấu giá công khai, cạnh tranh giữa nhà đầu tư, kết quả rõ ràng, quá trình chuyển giao đúng quy định, trong thời gian ngắn nhất có thể".

{keywords}
Toà nhà Vinaconex.

Bình luận về những mâu thuẫn ở nhóm cổ đông lớn nhất ở Vinaconex xảy ra sau thương vụ thoái vốn của SCIC, ông Chi cho rằng, phía SCIC không thể can thiệp vì không đúng thẩm quyền, vai trò.

Song theo ông Chi, việc đấu tranh giữa các cổ đông, tranh luận giữa ban điều hành và cổ đông là rất bình thường. Ở góc độ nào đó, đó cũng là nguồn gốc phát triển.

"Việc cổ đông có tranh luận với nhau là chuyện bình thường và bản thân các cổ đông phải tự giải quyết với nhau. Trong phạm vi điều lệ, luật pháp quy định thì cổ đông phải giải quyết với nhau. Tôi tin kiểu gì cũng phải tìm ra hướng để thống nhất, nếu không thì không thể phát triển", ông Chi nhận định.

Trước đó, vào cuối năm 2018, SCIC bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty TNHH An Quý Hưng đã trúng đấu giá lô cổ phần 255 triệu cổ phần Vinaconex, với tổng giá trị thương vụ lên tới 7.367 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC.

Nhưng sau khi bàn giao cho cổ đông mới, hoạt động của Vinaconex gặp nhiều biến động, bất ổn.

Cụ thể, sau khi sở hữu 57,7% vốn và nắm 5/7 ghế HĐQT, An Quý Hưng có nhiều thay đổi tài chính, nhân sự lớn, chi phối Vinaconex.

Sau đó, các cổ đông lớn kiện cáo nhau ra toà, các cổ đông nhỏ lẻ cũng cảm thấy bất an. Những bất ổn, tranh chấp này đã khiến giá cổ phiếu VCG sụt giảm mạnh.

Phương Anh