Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM thông tin, vừa khám phá một băng nhóm lừa đảo công nghệ cao, do đối tượng quốc tịch Nigieria và các đối tượng trong nước thực hiện.
Đường dây này gồm: Phạm Văn Châu (SN 1991, ngụ huyện Bình Chánh), Lê Văn Nam (SN 1992, quê Thanh Hoá), Cao Lê Thị Duyên (thường gọi là Na, SN 1984, ngụ quận Phú Nhuận) và Nnamdi (SN 1990, quốc tịch Nigieria, lưu trí quận 1).
Theo thông tin ban đầu, chiều 11/3 có một người mang giấy CMND tên L.Q.T (quê Phú Yên) đến một chi nhánh ngân hàng ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh rút số tiền 15 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó không lâu, khách hàng có tên L.Q.T đến chi nhánh ngân hàng này khiếu nại về việc bị ai đó rút 45 triệu đồng trong tài khoản của mình.
Nghi ngờ có kẻ giả mạo chiếm đoạt tiền của khách hàng, phía ngân hàng đã trình báo Công an huyện Bình Chánh.
Đối tượng Lê Văn Nam |
Đến ngày 26/3, có một người mang giấy CMND tên V.H.L cũng đến chi nhánh ngân hàng nói trên để giao dịch. Phía ngân hàng phát hiện người này chính là người làm thủ tục rút 45 triệu đồng từ tài khoản của anh L.Q.T nên báo cơ quan Công an, đưa về trụ sở làm việc.
Đối tượng khai tên là Lê Văn Nam và thừa nhận dùng CMND giả để rút 45 triệu đồng từ tài khoản tên L.Q.T như đề cập. Nam khai, CMND giả đã sử dụng do đối tượng Phạm Văn Châu cung cấp.
Ngay sau đó, Công an huyện Bình Chánh phối hợp cùng phòng Cảnh sát hình sự, phòng An ninh Kinh tế (Công an TP.HCM) bắt giữ đối tượng Phạm Văn Châu. Khám xét nơi ở của Châu, công an thu giữ hơn 400 CMND, 44 bằng lái xe và 80 thẻ ATM.
Châu khai, giữa năm 2020, Châu gặp Na và được chỉ dẫn làm ăn bằng cách tìm người mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho Na với giá 10 triệu đồng/tài khoản.
Châu lên mạng tìm kiếm mua CMND các loại, với giá 50 ngàn đồng/cái rồi thuê Nam cũng như nhiều người khác thay hình vào CMND để đến các ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản, làm thẻ ATM, trả công 500 ngàn đồng/tài khoản.
Sau đó, Châu bán lại cho Na, giá 10 triệu đồng/tài khoản.
Đối tượng Phạm Văn Châu |
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến cuối tháng 3/2021 Châu đã mua hơn 400 CMND trôi nổi trên mạng. Nam và một số đối tượng khác mở thành công 70 tài khoản, Châu đã bán được 50 tài khoản ngân hàng cho Na.
Lộ diện mắc xích quan trọng
Từ khai báo của Châu, Công an đã bắt giữ đối tượng Na (tức Duyên). Đối tượng này khai, thời gian ở với chồng là Obinma (quốc tịch Nigieria) ở Malaysia, Na được chồng rủ tham gia vào đường dây lừa đảo.
Theo đó, Obinma và một số đối tượng Nigieria khác sẽ lên mạng làm quen, giở trò yêu đương với một số phụ nữ ở Việt Nam rồi dùng chiêu tặng quà, gửi tiền… Na sẽ đóng vai là cán bộ nhân viên hải quan gọi điện thoại cho nạn nhân để vẽ ra chuyện món quà, thùng tiền bị cơ quan Hải quan giữ lại vì có giá trị lớn, để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền… giải cứu.
Tiền của các nạn nhân, được yêu cầu chuyển khoản đến các tài khoản ngân hàng mà Na đã mua lại của Phạm Văn Châu. Mỗi tài khoản, Na chỉ sử dụng để nhận tiền lừa đảo trong vòng 2-3 tháng thì vứt bỏ.
Theo thoả thuận, Na được hưởng 10% số tiền mà cả băng nhóm chiếm đoạt được của các nạn nhân.
Cơ quan công an làm rõ, các tài khoản được làm giả này đã nhận tiền lừa đảo ít nhất là vài chục triệu đồng, nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng. 50 tài khoản mà đối tượng Châu bán cho Duyên đã nhận tổng cộng hơn 10 tỷ đồng tiền lừa đảo.
Ngoài ra, công an làm rõ thêm vài trò của đối tượng người Nigieria là Nnamdi. Na mua từ Châu 10 triệu đồng/tài khoản ngân hàng, bán lại cho Nnamdi với giá 12 triệu để đối tượng này dùng để nhận tiền lừa đảo.
Nnamdi có thời gian làm đầu bếp cho cơ sở của Na và cũng là đối tác của người phụ nữ này.
Hiện phòng Cảnh sát hình sự đang mở rộng điều tra, làm rõ thêm vai trò của các đối tượng trong đường dây lừa đảo quốc tế này.
Lật tẩy màn kịch lừa đảo 'kho báu tỷ đô của Chính phủ'
Nhóm đối tượng giả danh là cán bộ Nhà nước, đã dựng nên màn kịch được Chính phủ giao trách nhiệm kho báu tỷ đô để lừa đảo.
Linh An