- Đang nằm cấp cứu trong viện, cán bộ giữ rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ chưa hết kinh hoàng kể lại việc anh cùng đồng nghiệp bị nhóm lâm tặc hung hãn tấn công, phải băng rừng suốt đêm để đưa đi cấp cứu.

Lâm tặc hung hãn

Với thương tích đầy người, khuôn mặt còn chưa hết bàng hoàng, anh Lê Văn Hùng (SN 1973, trú xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh kể lại sự việc.

khoảng 21h ngày 10/1, được sự chỉ đạo của cấp trên, anh cùng 6 anh em thuộc trạm số 3 của Khu BTTN Kẻ Gỗ đi tuần tra khu rừng thuộc Tiểu khu 363 (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên).

Khi vào rừng, phát hiện 3 lâm tặc đang dùng cưa xăng khai thác gỗ trái phép. Ngay lập tức, lực lượng bảo vệ rừng đã lập biên bản, thu giữ máy cưa.
 

Anh Hùng với vết thương tích do bị chém ở đầu, bị đánh gãy bàn tay đang cấp cứu tại viện

Ngay sau đó, các anh em bảo vệ rừng tiếp tục đi sâu vào để tuần tra và thấy có 5 - 6 người đi từ trong rừng ra. Khi không phát hiện thêm lâm tặc khai thác gỗ nữa, 7 anh em quay trở ra để về trạm. Nhưng trên đường ra, bất ngờ một nhóm khoảng 9 - 10 người dùng dao, gậy gộc chặn lại.

"Nhóm người kia đã chặn cướp lại máy cưa, rồi lao vào dùng gậy gộc, dao tấn công chúng tôi. Các anh em bị đấm, đá thương tích nhẹ, còn tôi bị nặng nhất, do trúng 1 nhát dao vào đầu, một gậy ở bàn tay gãy xương và bị ném đá vào bụng dưới sưng tấy" - anh Hùng kể.

Ngay sau đó, nhóm người kia bỏ chạy, còn anh Hùng mất nhiều máu, choáng váng được anh em đồng nghiệp hái lá rừng cầm máu, băng bó tạm. Sau đó, anh Hùng được gánh đi bộ băng rừng hơn 2 tiếng đồng hồ, đưa lên thuyền máy chở qua lòng hồ Kẻ Gỗ gần 3 giờ ồng hồ nữa mới ra đến đường cái, tiếp tục chở đi cấp cứu tại bệnh viện.

"Công việc của anh em chúng tôi nguy hiểm lắm, không được trang bị công cụ hỗ trợ gì, trong rừng sâu lại không có sóng điện thoại, khi đi tuần tra trong đêm, rất dễ bị lâm tặc tấn công lại. Nếu bị thương tích rất nguy hiểm đến tính mạng vì đường quá xa, đi lại rất khó khăn" - anh Hùng tâm sự.

Máu đã đổ nhiều

Cũng theo anh Hùng, cách đây khoảng 12 năm, tại khu vực đồi 35, khi tham gia bắt lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, anh cũng bị chúng tấn công chém 1 nhát vào trán phải nằm viện cấp cứu gần 1 tháng.

Đầu tháng 5/2011, nhà riêng của Phó BQL Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ Nguyễn Quang Châu (ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) cũng bị nhóm người ném mìn vào nhà. Rất may không có ai bị thương.

Nguyên nhân, theo nhận định rất có thể do lâm tặc trả thù sau một vụ bắt giữ gỗ số lượng lớn.

Vết chém trên đầu khiến nạn nhân mất rất nhiều máu, phải khâu 6 mũi.

Anh Nguyễn Văn Mông (SN 1981, trú xã Cẩm Bình) là người đã công tác tại Trạm số 3, Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ được 3 năm nay, được cơ quan cử đi chăm nuôi anh Hùng nói: "Chúng em đụng độ với lâm tặc thường xuyên, họ hung hãn lắm. Nếu sau vụ này, công an không bắt giữ được kẻ đánh người thì anh em uất ức lắm".

Cũng theo anh Mông, cách đây 1 tháng, sau khi Trạm số 3 tiến hành thu giữ gỗ của lâm tặc, đêm hôm sau, họ kéo đến một nhóm người rất đông, dùng đá ném vào cửa, lên ngói của trạm vỡ hết. Chúng còn hò hét, nếu ra là chém chết ngay. Sợ quá, các anh em phải đóng cửa lại, không dám ngó đầu ra.

Trước đó 1 tháng, anh Võ Hữu Thắng, Phó trưởng Trạm số 2 thuộc Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ sau khi phối hợp với Trạm số 3 bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ đã bị lâm tặc chém gần đứt ngón tay, phải băng rừng trong đêm tối đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Còn rất nhiều vụ xô xát giữa những cán bộ giữ rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ với lâm tặc mà không thể liệt kê ra hết.

Trưởng BQL Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ, ông Nguyễn Viết Ninh cũng cho biết, ngay sau vụ việc, lãnh đạo Khu Bảo tồn cũng đã báo cáo với Công an huyện Cẩm Xuyên nhằm tìm ra những kẻ đã gây thương tích, chống người thi hành công vụ.

Được biết, công an xã Ký Thượng (huyện Kỳ Anh) đã triệu tập 3 nghi can lên làm rõ nhưng cả 3 người đều không thừa nhận hành vi của mình.

Trần Văn - Duy Tuấn