Rằm tháng 8 những năm cuối thập niên 70, đầu 80 khi toàn dân trông chờ vào tiêu chuẩn tem phiếu thì đứa trẻ nào, ngay cả ở chốn thị thành, cũng khát khao một cặp bánh nướng, bánh dèo của Xí nghiệp Bánh Mứt Kẹo Hà Nội.

Một năm người Việt có nhiều ngày Tết. Mỗi một ngày Tết lại gắn với một phong tục khác nhau. Tết nguyên đán, tức Tết đầu năm có bánh chưng - bánh dày để cúng tổ tiên, trang trí bàn thờ ngày Tết. Tết hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch) có bánh trôi, bánh chay để thờ Phật và tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân. Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) có bánh gio và quả ngọt để tiệt trừ sâu bọ... Đặc biệt, loại bánh cổ truyền có mùa sản xuất dài nhất, chính là bánh nướng, bánh dẻo của Tết Trung thu (Rằm tháng 8 âm lịch).

{keywords}
Khách hàng lựa chọn cho mình những loại bánh yêu thích

Trước đây, sản xuất bánh nướng, bánh dẻo thuần túy thủ công. Nguyên liệu làm bánh trung thu vốn rất phong phú như: đậu xanh, hạt sen, lạp xưởng, thịt dăm bông, mứt bí, lá chanh, nước hoa bưởi, hạt dưa, hạt vừng, nước đường.... Và để có một chiếc bánh nướng, bánh dẻo phải qua nhiều công đoạn khá vất vả. Từ chế biến nguyên liệu, trộn nhân, làm cùi bánh, rồi đến nướng bánh, hoàn toàn làm bằng tay.

Để tạo hình, người ta dùng các khuôn gỗ được chạm khắc hoa văn truyền thống khác nhau như hoa cúc, hoa sen, cá chép,… tất cả đều giản dị và gần gũi, gắn liền với đời sống.

Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 khi toàn dân trông chờ vào tiêu chuẩn tem phiếu thì đứa trẻ nào, ngay cả ở chốn thị thành, cũng khát khao một cặp bánh nướng, bánh dèo của Xí nghiệp Bánh Mứt Kẹo Hà Nội.

Hà Nội bây giờ đã rộng hơn, hiện đại hơn. Bánh trung thu giờ đã đến với từng nhà, từng người. Dẫu vậy, bánh trung thu truyền thống của đất Thăng Long không những không bị mai một, hay giảm sút sản lượng mà lại ngày càng được nâng cao chất lượng.

Bà Nguyễn Xuân Thu - đại diện Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội (trước đây là Xí nghiệp), một trong những thương hiệu đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm quý trong việc sản xuất dòng bánh trung thu truyền thống Hà Nội, chia sẻ: “Sản xuất bánh hiện nay không hoàn toàn thủ công như trước mà được thay thế dần bởi các thiết bị như máy định hình, máy khuấy trộn, máy xào nhân tự động… nên để giữ được hương vị tinh tế của lá chanh tươi, hương hoa bưởi, độ dẻo giòn dai vừa phải của bánh dẻo, độ mỏng, tan của bánh nướng, theo đúng chuẩn truyền thống Hà Nội thì đòi hỏi người làm bánh phải giàu tâm huyết và tài năng”.

Quả thực, với chất lượng đã được khẳng định 50 năm qua, bánh Trung thu của Công ty CP Bánh Mứt Kẹo Hà Nội đã trở nên thân quen không chỉ với những người dân Thủ đô, các tỉnh phía Bắc mà đã đến với một số thị trường ngoài nước như: Đức, Séc, Pháp, Hàn Quốc… Sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm liền

{keywords}
Những chiếc khuôn gỗ đang dần được thay thế

Nhu cầu ẩm thực trong xã hội hiện đại không dừng ở việc ngon miệng, mà cần thêm cái đẹp về thẩm mỹ. Việc các thương hiệu lớn đua nhau đưa ra những dòng bánh trung thu sang - quý với vi cá, bào ngư, đông trùng hạ thảo,...đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự gia cố thêm những màu mè, hoa mỹ xem ra chưa thể lấn lướt cái tinh túy thực chất của hương vị - giá trị căn bản của một sản phẩm ẩm thực dân tộc. Vẫn phải là vừng rang thơm phức, mỡ muối giòn ngậy, hạt dưa bùi bùi hay mứt bí ngọt mát mới đủ làm thực khách vừa lòng.

Thúy Ngà