- Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho giáo dục đào tạo năm 2012 trên 5.762 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, cách phân bổ cho các trường không khác năm trước là nguyên nhân dẫn đến các ý kiến "than nghèo, kể khổ" từ đơn vị trực thuộc Bộ.
Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 do Bộ GD-ĐT
tổ chức diễn ra sáng 24/12, tại Hà Nội đã thu hút sự có mặt của các trường, các
đơn vị trực thuộc. Với dự toán NSNN chi trên 5.762 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho
hai khoản: Chi thường xuyên trên 4.832 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2010; Chi
đầu tư phát triển trên 929 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm trước.
Hiệu trưởng ĐH Vinh: "Giảm chỉ tiêu không chính quy đã gây khó khăn cho trường". (Ảnh K.O) |
"Bánh to" sao cắt "miếng" vẫn thế?
Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM Mai Hồng Quỳ nhìn nhận, năm 2011 Bộ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng. Những chính sách ban hành rất cần thiết để nâng chất lượng giáo dục ĐH; đồng thời lấy lại lòng tin của xã hội với người học....
Bà Quỳ phân tích, công cụ quan trọng nhất để các trường thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Bộ đề ra là ngân sách. Tuy nhiên, kinh phí chi thường xuyên cho trường năm 2012 lại không tăng so với năm trước là điều cần xem xét lại. Năm 2011 trường được đầu tư 10 tỷ đồng, con số này năm nay vẫn giữ nguyên.
"Trong khi đó, ngoài việc cắt giảm chỉ tiêu hệ không chính quy nhà trường đang phải đối mặt với tăng lương cho giáo viên thời gian tới. Nhưng ngân sách đầu tư không tăng khiến trường chưa biết xoay sở thế nào" - bà Quỳ than. Do đó cần có cơ chế để trường tăng nguồn thu.
Bà Quỳ ủng hộ chủ trương giảm chỉ tiêu hệ không chính quy nhưng với những ngành cụ thể cũng cần cân nhắc cho phù hợp với xu thế chung. Việc phân bổ chỉ tiêu không chính quy nên theo ngành đào tạo thay vì giao một cục như hiện nay sẽ làm mất cân đối: ngành cần thì không có người học.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Xuân Khoa hiệu trưởng Trường ĐH Vinh phân trần, việc giảm chỉ tiêu hệ không chính quy năm 2011 đã gây nhiều khó khăn cho trường. Với việc giảm 1.000 chỉ tiêu hệ này năm 2011 đã ảnh hưởng đến nguồn thu của ĐH Vinh dẫn đến thu nhập của cán bộ công chức cũng giảm.
Để đảm bảo thu nhập cho anh em năm sau phải cao hơn năm trước - năm qua ĐH Vinh đã giảm việc cử cán bộ đi hội nghị, hội thảo ở Hà Nội. Giảm cả việc cử đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ bằng ngân sách của trường. Nếu không thế thì không có nguồn chi vì 1 năm trường phải chi tới 3 tỷ công tác phí cho các bộ đi hội nghị, trao đổi kinh nghiệm...
Ông Khoa so sánh, mức đầu tư/ chỉ tiêu cho các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT từ nguồn NSNN hiện thấp hơn nhiều so với các trường thuộc địa phương (1 năm 8 triệu/ sinh viên). Còn các trường thuộc Bộ chỉ có 6 triệu đồng/ sinh viên gồm cả học phí.
"Với mức đầu tư công thế này mà các trường đào tạo được thì cũng phải bằng lòng với sản phẩm ra lò" - ông Khoa nói. Ông cũng đề nghị Bộ giữ ổn định chỉ tiêu chính quy và không giảm chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm xuống dưới 60% để các trường có thêm nguồn thu.
Ngược quan điểm với số đông các trường - hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Lê Văn Thành tự hào "có lẽ trường tôi là một trong những trường hiếm của hệ thống: tự giảm chỉ tiêu chính quy mấy năm nay từ 3.000 xuống còn 2.800". Mục tiêu của việc giảm chỉ tiêu là nâng chất lượng đào tạo. Do đó, trường có chủ trương cho sinh viên đăng ký học lại nếu muốn đạt kết quả học cao hơn.
Cùng hướng với Trường ĐH Xây dựng - GĐ ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho rằng, giảm chỉ tiêu hệ không chính quy là đúng. Đây là giải pháp để nâng chất lượng. Và thực tế, nguồn thu từ hệ này ở ĐH Đà Nẵng không cao mà lại bị động về thời gian trong khi đó, nguồn thu học phí từ hệ chính quy cũng đã tăng.
Ông Nam đồng ý với chủ trương giảm chỉ tiêu vừa học vừa làm trong năm tới. Tuy nhiên, chỉ tiêu hệ chính quy nên giữ ổn định.
Tăng chất trước rồi mới bàn đến tăng tiền
Phát biểu trước lãnh đạo các trường ĐH, CĐ - người đứng đầu ngành nhắc đi nhắc lại vấn đề "đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại chất lượng đào tạo". Số lượng cứ tăng mà chất không đổi ắt phải "trả giá". Cái giá đó là tôi đã rất vất vả khi các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Do đó Bộ trưởng khẳng định, nguyên tắc phân bổ kinh phí năm 2012 không có gì thay đổi so với năm 2011. Cơ chế mới cho cả phổ thông và ĐH Bộ đang xây dựng, kế hoạch sẽ xong trong năm 2012. Với cơ chế này sẽ không đầu tư dàn đều như hiện nay nữa mà hướng đến phân bổ theo ngành: sư phạm đầu tư khác, các ngành mũi nhọn đầu tư khác...Đến năm 2013 các trường sẽ biết được ngân sách đầu tư trong 3 hoặc 5 năm, thay vì từng năm như hiện nay để có kế hoạch phát triển dài hơi.
"Song song với việc đổi mới toàn diện, các trường cũng cần xem xét các khoản thu cho hợp lí. Khoản nào đáng thu thì thu, không để báo chí phản ánh ĐH cũng lạm thu..." - Bộ trưởng chỉ đạo.
Nhiều ý kiến bàn nhiều đến tăng - giảm chỉ tiêu cũng được Bộ trưởng giải đáp, số lượng không song hành với chất lượng. Do đó các trường phải ưu tiên nâng chất lượng. "Có tăng được chất lượng thì mới giải được bài toán tăng thu nhập. Nghĩa là chất lượng năm sau phải tăng hơn năm trước chứ không chỉ đòi tăng đầu tư nhưng chất lượng không thay đổi" - lời Bộ trưởng.
"Một vấn đề nữa cần nhìn thẳng vào thực tế khi Đà Nẵng nói không với hệ tại chức, Nam Định nói không với bằng ĐH dân lập. Và không chính thức nhưng tôi nghe nhiều người phản ánh nhiều địa phương khác cũng đã làm nhưng không nói ra. Dù chúng ta nói sai luật nhưng đến lúc phải nghiêm túc xem xét lại chất lượng đào tạo..." - vẫn lời Bộ trưởng.
Và Bộ trưởng khẳng định, kinh tế năm 2012 tiếp tục khó khăn nên việc đầu tư cho các công trình cụ thể sẽ không duyệt mới. Mà chỉ đầu tư cho những công trình còn dở dang sẽ hoàn thành trong năm 2012 và các công trình đã hoàn thành những chưa nhận đủ vốn.
- Kiều Oanh