– Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa và
gió giật mạnh. Công tác phòng chống bão số 3 đã sẵn sàng.
Thanh Hóa: Không mưa nhưng gió, lốc mạnh
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Bắt đầu từ 2h chiều ngày 30/7, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bắt đầu có mưa rất lớn, gió bắt đầu mạnh lên (khoảng cấp 7, cấp 8). Rất may là mọi công tác chuẩn bị tỉnh đã kịp hoàn thành trước khi bão vào”.
Tuy nhiên, từ 16h trở đi, tại Thanh Hóa không có mưa.
Hiện nay ông Quyền đang có mặt tại huyện Tĩnh Gia – địa phương trọng yếu có tâm bão đi qua. Tại thời điểm này, sự “hiện diễn” của bão số 3 tại Tĩnh Gia ngày một rõ nét với các cơn gió giật, lốc xoáy.
Toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện sơ tán hơn 32.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó chú trọng đặc biệt tới 13 xã trọng điểm (thuộc 6 huyện ven biển). Toàn bộ 8.570 con tàu với hơn 29.000 lao động đã về nơi trú ẩn an toàn.
16h45 ngày 30/7, tai khu vực tâm huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá), tất cả các hoạt động dường như chỉ tập trung vào việc lo chống bão. Dọc tuyến đường xuống xã Hải Thanh, những cơn gió to khiến nhiều cành cây bị gãy đang được người dân thu dọn. Những hàng quán ven đường được người dân dùng thang và luồng quai lại để đề phòng bão ập đến. Chị Minh, một người bán tạp hóa ven đường tại xã Hải Thanh vừa dùng luồng quai lại cửa nhà vừa cho biết: Bình thường cửa kéo nhà chị cũng rất chắc, nhưng nghe tivi thông báo bão giật cấp 9, cấp 10 nên ai cũng phải đề phòng.
"Vẫn biết chẳng chống lại được sức huỷ diệt của bão, nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để nhỡ bão tới đỡ thiệt hại được đến đâu thì hay đến đấy" - chị Minh cho biết. Tại khu cảng cá thôn Thanh Đình, tàu thuyền cũng đã được UBND xã huy động kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn. Những chiếc thuyền thúng đã được kéo thẳng lên bờ nằm dốc ngược la liệt. Ở ven biển, những tàu lớn cũng được đậu sát bờ, giằng kéo vào nhau để tránh bão. Ông Trần Hùng Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: Cả xã có 453 tàu thuyền lớn nhỏ thì tất cả đã được neo đậu vào nơi an toàn.
Ông Vương cũng nêu lên khó khăn trong công tác vận động bà con khi vẫn còn có những chủ tàu thuyền không chịu di dời vào cùng an toàn. Cụ thể, đến trưa ngày 30/7, vẫn còn 4 tàu thuyền ở Cảng cá Lạch Bạng kiên quyết không vào bờ, buộc xã phải kết hợp với lực lượng Biên phòng cưỡng chế. Về phương án di dân ra vùng an toàn, ông Vương cũng cho biết, nếu gió giật từ cấp 9 trở xuống thì UBND xã sẽ tiến hành di dân từ khu vực Đông Đường vào khu vực Tây Đường. Trong trường hợp gió giật trên cấp 9 và triều cường có thể lên cao từ 3 đến 5m sẽ tiến hành di dân cục bộ. Trong đó, 5 thôn là vùng sát biển sẽ được di dân về vùng Núi Do, 3 thôn vùng công giáo sẽ chuyển lên khu vực gần xã Bình Minh. Theo Ban phòng chống lụt bão huyện Tĩnh Gia, trước mắt huyện sẽ tiến hành di dời dân cách mép nước 200m vào khu vực an toàn như: trường học, nhà văn hoá, trường tiểu học.. với 1.353 hộ và 5.144 nhân khẩu. Các khu vực phải di dời tập trung là các xã Hải Thanh, Hải Bình, Nghi Sơn, Hải Châu.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VietNamNet thì nhiều hộ dân tại thôn Thanh Đình sát biển vẫn chưa được di dời. Về vấn đề này, ông Vương cho biết, xã sẽ theo sát và khi bão tới nếu người dân không di dời theo chỉ đạo thì sẽ tiến hành cưỡng chế, buộc dân phải di dời vào vùng an toàn.
Chằng chống biển quảng cáo
Bản tin lúc 14h: Bão đã áp sát đất liền Lúc 13 giờ ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Như vậy khoảng chiều và tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 3, tại trạm đảo Cô Tô có gió mạnh 15m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 24m/s (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 15m/s (cấp 6), giật 22m/s (cấp 9); Thái Bình 12m/s (cấp 6), giật cấp 8. |
Tại Nghệ An, đã có mưa to trên diện rộng gồm các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP. Vinh.
Trên các tuyến đường ở TP. Vinh do lượng mưa lớn, nhiều đoạn đường bị ngập sâu trong biển nước. Một số đoạn đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung, Lê Mao,...khiến các phương tiện giao thông đi lại gặp khó khăn.
Nhiều tuyến đường tại TP. Vinh bị nước nhấn chìm - Ảnh: Quốc Huy |
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Nhung, Phó văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện tại tất cả các tàu thuyền đã vào bờ trú ẩn an toàn. Các địa phương vùng ven biển tự chủ động phương án di dời dân theo tình hình thực tế tại địa phương. Riêng các huyện miền núi Nghệ An đang tích lên nhiều phương án chống lũ ống, lũ quét, hoàn lưu mưa sau bão”.
Sáng 30/7 có rất nhiều cây lớn tại địa bàn TP. Vinh đang được người dân tích cực chèo chống tránh đổ ngã. Ảnh: Quốc Huy |
Nghệ An dự kiến di dời 13.517 người với hàng ngàn hộ dân tại các địa phương vùng ven biển các huyện như Quỳnh Lưu là 225 hộ dân; Nghi Lộc 1052 hộ; Diễn Châu 1.785 hộ; Cửa Lò 1.124 hộ và đặc biệt tại TP. Vinh phải di dời 110 hộ (417 nhân khẩu) tại khu chung cư Quang Trung nhà C8, C9, A1 đến nơi an toàn.
Nghi Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) là 2 xã có địa hình nằm lồi ra phía biển đang tích cực vận động nhân dân vào trụ sở UB xã, trường học để tránh mưa bão.
Dự kiện đến 16giờ ngày 30/7, công tác di dân sẽ được hoàn thành.
Các tàu thuyền của ngư dân tại huyện Nghi Lộc đang được tích cực tìm nơi neo đậu an toàn. Ảnh Quốc Huy |
Rất nhiều người dân vùng ven biển vẫn tiếp tục ra biển xúc cát bỏ vào bao để đè lên mái nhà tránh tốc mái. Hiện Nghệ An có 4.168 tàu thuyền với hơn 22.350 lao động đã được điều đồng vào trú ẩn an toàn. Trời mưa rất to, các tàu thuyền đều được phủ bạt và buông neo, dùng dây cột chặt các gốc cây.
Ông Lê Đức Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã thành lập 9 tiểu ban phòng chống bão chốt tại 9 vị trí trọng điểm với phương án “4 tại chỗ” gồm thuốc men, vật tư, con người và phương tiện.
Tất cả 2.057 tàu thuyền đã được kêu gọi về nơi trú ẩn an toàn. Huyện cũng thành lập ban chỉ đạo sơ tán người dân đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra như sóng thần, nước biển dâng cao làm ngập lụt.
Đến 13 giờ, theo phương án 1 của huyện đã di dời 225 hộ dân ven biển có nguy cơ ảnh hưởng tới bởi sóng cao và nước biển dâng cao gồm 3 xã: Quỳnh Long, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập về nơi an toàn”.
Hà Tĩnh: Chủ quan trước cơn bão
Mặc dù bão chưa trực tiếp đổ bộ vào đất liền nhưng theo ghi nhận của PV, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn có sự chủ quan trong việc đối phó.
Đến 14h chiều ngày 30/7, trên toàn địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa lớn, gió nhẹ. Nhiều tuyến đường tại TP. Hà Tĩnh, xã Thạch Bằng, Thạch Kim (huyện Lộc Hà) đã bị ngập.
Mưa lớn khiến TP. Hà Tĩnh ngập lụt trong sáng ngày 30/7 - (Ảnh: Duy Tuấn) |
Ở huyện Lộc Hà, sáng nay, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đình Sơn đã trực tiếp đến chỉ đạo công tác phòng chống bão, chỉ đạo cho địa phương tiến hành di dời dân ở những vùng nguy hiểm trước khi bão vào.
Thế nhưng, đến 14h chiều nay, việc di dời dân vẫn chưa được tiến hành. Tại bãi biển xã Thạch Bằng, nhiều hàng quán vẫn đang hoạt động, nhiều hộ dân vẫn sinh hoạt bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
Ông Phan Đình Cương, Chủ tịch xã Thạch Bằng xác nhận: Hiện lượng mưa đang còn nhỏ nên chưa tiến hành di dời dân.
Còn ông Vinh, Phó trưởng công an huyện Lộc Hà cho biết: Huyện Lộc Hà đã lên phương án di dời một số hộ dân sống bên sông ở xã Hộ Độ và xóm Long Hải thuộc xã Thạch Kim, lượng mưa vẫn đang còn nhỏ nên công tác di dời dân chưa được tiến hành.
Mặc dù bão sắp đổ bộ vào nhưng người dân ở khu vực bãi biển xã Thạch Bằng vẫn chưa được di dời - (Ảnh: Duy Tuấn) |
Đến 14h chiều 30/7, ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim thông tin: Đang gấp rút triển khai lực lượng để tiến hành di dời 230 người dân ở xóm Long Hải và Xuân Phượng. Đây là khu vực sát bờ kè chắn song nên rất nguy hiểm khi bão vào.
Rất nhiều hộ dân đi biển lâu đời nên có nhiều người chủ quan trong việc đối phó với bão. Đối với những hộ này, nếu tuyên truyền không nghe thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trao đổi với PV, ông Bùi Lê Bắc, Chánh VP Ban PCBL tỉnh Hà Tĩnh thông tin: Đến sáng nay, tỉnh đã chỉ đạo chỉ di dời dân ở 2 huyện ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp là Nghi Xuân và Lộc Hà. Việc di dời như thế nào, thời gian cụ thể sẽ do chủ tịch huyện quyết định.
Người dân TP. Hà Tĩnh đang chuẩn bị lương thực chống bão trong nhiều ngày (Ảnh: Duy Tuấn) |
Tại cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), đến 11h trưa, đã có 631 tàu về âu thuyền tránh bão, trong đó có 52 tàu ngoại tỉnh. Công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn và tổ chức chằng chống neo đậu đang được tiếp tục triển khai.
Tại huyện Nghi Xuân, ông
Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch UBND huyện thông tin: 15h chiều ngày 30/7, huyện
phát lệnh di dời 300 hộ dân ở các xã Xuân Hội. Còn tại xã Xuân Giang 2 có nguy
cơ xảy ra lũ, cũng đang được theo dõi để lên phương án để đối phó.
C.Quyên - D.Tuấn - V.Điệp - P.Hải - Q.Huy – T.Xuân