Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 (sau đây gọi là Quy hoạch) là chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm sắp xếp lại hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, bảo đảm cho các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm tốt sứ mệnh bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương này đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, và đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bài bản, cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2, giai đoạn thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Hải

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch 

Với quyết tâm chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc sắp xếp theo đúng phương án của Quy hoạch. 

Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành: tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí. 

Đối với khối phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình): đã hoàn thành việc sắp xếp. Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện xong việc sắp xếp các kênh truyền hình khu vực của các Trung tâm Truyền hình khu vực của Đài, hình thành 02 kênh truyền hình quốc gia VTV8 (trên cơ sở sắp xếp kênh VTV Huế, VTV Đà Nẵng, VTV Phú Yên) và VTV9 (trên cơ sở sắp xếp kênh khu vực Đông Nam Bộ VTV9 và VTV Cần Thơ 1); thực hiện sắp xếp 03 đơn vị hoạt động truyền hình (sản xuất chương trình để phát sóng trên Đài THVN) của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, Bộ Công thương và Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Mỗi Đài PTTH địa phương có 01 kênh phát thanh thời sự chính trị tổng hợp, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu (gọi tắt là kênh thiết yếu) của địa phương. Riêng Hà Nội và TP HCM, mặc dù trong Quy hoạch nêu mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình thiết yếu, tuy nhiên, đến thời điểm này, Đài Truyền hình TP HCM và Đài PTTH Hà Nội vẫn chỉ duy trì mỗi đài có 01 kênh truyền hình thiết yếu; Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) và Đài PTTH Hà Nội vẫn chỉ có 01 kênh phát thanh thời sự - chính trị tổng hợp (là kênh gắn liền với giấy phép hoạt động phát thanh). 

2. Xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện 

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân định hướng, cùng xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Do 6 cơ quan này có mô hình tổ chức, cơ chế tài chính đặc thù khác nhau, nên khi xây dựng mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện có những cách tiếp cận khác nhau. Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc, trao đổi và có văn bản gửi 6 cơ quan nêu các nội dung gợi mở, hướng dẫn trong xây dựng đề án nhằm định hướng để các cơ quan bám sát mục tiêu, xác định rõ nội hàm chủ lực, thế mạnh đặc thù riêng, tránh chồng chéo, gây lãng phí. 

3. Về rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí 

Thực hiện Quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Báo chí, rà soát về cơ cấu tổ chức, kinh tế báo chí, các nội dung liên quan hoạt động báo chí; đánh giá việc thực hiện quy định của Luật Báo chí của cơ quan báo chí trực thuộc; từ đó, đề xuất, kiến nghị về việc cấp lại giấy phép đối với các cơ quan báo chí xét thấy cần thiết và đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát điều kiện hoạt động báo chí, trong đó có điều kiện về người đứng đầu cơ quan báo chí. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử. Có một số trường hợp tạp chí đã hết thời hạn của giấy phép hoạt động báo chí nhưng chưa được xem xét cấp phép lại vì quá trình xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan báo chí cho thấy nhiều vấn đề không đảm bảo đủ điều kiện có thể cấp phép hoạt động tiếp tục. 

Việc cấp phép được trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương. Quy trình cấp phép được thực hiện đúng quy định, chặt chẽ; tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng thể hiện rõ tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. 

Qua rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá, đề xuất và thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp tổ chức làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đề nghị Liên hiệp Hội rà soát, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các Hội, Viện trực thuộc; có ý kiến đối với đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo chí của các Viện; xây dựng Quy chế phối hợp trong chỉ đạo, quản lý để các tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đăng tải các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tránh tình tình sử dụng giấy phép tạp chí khoa học để hoạt động như cơ quan báo. 

4. Về rà soát, bổ sung quy định, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ công tác quy hoạch và phát triển báo chí 

Trong thời gian Luật Báo chí năm 2016 chưa được sửa đổi, để xác định rõ tính chuyên sâu, chuyên ngành của tạp chí, tên gọi và hình thức trình bày của tạp chí, xác định rõ phạm vi tôn chỉ, mục đích nhằm xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó đã bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới mà Luật Báo chí quy định, tăng tính răn đe (nâng mức xử phạt bằng tiền và thêm hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép), đồng thời, mở rộng thẩm quyền cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố Trung ương xử phạt vi phạm hành chính đối với cả các cơ quan báo chí trực thuộc trung ương góp phần tăng hiệu quả ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động báo chí, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các hoạt động trong lĩnh vực báo chí, làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền ban hành đơn giá đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí; tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT- TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021-2025. 

II. HẠN CHẾ, THIẾU SÓT VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Một số hạn chế, thiếu sót 

Quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí cũng có thể được coi như một đợt “tổng kiểm tra sức khoẻ” đối với hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam từ nhiều góc độ: Cơ cấu tổ chức, hoạt động chuyên môn, kinh tế báo chí..., qua đó nắm bắt thêm những vấn đề tồn tại trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí. Có thể kể ra một số tồn tại như sau: 

- Hoạt động của một số cơ quan báo chí được cấp phép sau khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình vẫn còn có những bất cập, điển hình như: vẫn còn tình trạng kiểm soát thiếu chặt chẽ đối với việc đăng, sửa, xóa tin, bài trên báo, tạp chí điện tử hoặc trên chuyên trang, ấn phẩm của cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí sau khi được cấp phép lại vẫn có biểu hiện chuyên trang điện tử hoạt động theo tên miền độc lập cũ, không đúng với giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc thống nhất chỉ đạo, hoạt động2. 

Một số tạp chí được cấp phép hoạt động tạp chí khoa học nhưng thực tế sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo để hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền như: Cấp giấy giới thiệu, sử dụng thẻ nhà báo để đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cung cấp tin tức về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đề nghị cung cấp toàn bộ tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin... Có tạp chí chỉ thực hiện loại hình in, số lượng phát hành ít nhưng hoạt động thu thập thông tin kiểu trên thường xuyên lấy cớ là nghiên cứu khoa học, không phân biệt hoạt động tác nghiệp báo chí và hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Trong 03 năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đã nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí: Thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh trong giao ban báo chí, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tạp chí, ban hành văn bản, kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính. Riêng Cục Báo chí, xử phạt vi phạm hành chính 18 tạp chí với tổng số tiền 666.600.000 đồng, trong đó: Thu hồi giấy phép hoạt động 01 tạp chí của Trung tâm thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do không thực hiện quy hoạch báo chí; Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với 02 tạp chí (01 tạp chí của Viện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). 

- Triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí có dấu hiệu chưa thực hiện đúng quy định, không bám sát tôn chỉ, mục đích. Tuy nhiên, có dấu hiệu cơ quan chủ quản vì những lý do khác nhau chậm trễ, kéo dài thời gian xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí để xảy ra nhiều sai phạm.

2. Nguyên nhân của hạn chế 

- Một số nội dung trong Luật Báo chí 2016 chưa bao quát, đầy đủ những vấn đề phát sinh của hoạt động báo chí hiện đại; chưa có quy định phân định báo và tạp chí, tạp chí khoa học và tạp chí huyên ngành... 

- Cơ quan chủ quản báo chí chưa sâu sát, chưa nắm vững các quy định Luật Báo chí; do vậy, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với cơ quan báo chí, có trường hợp khoán trắng cho cơ quan báo chí, thậm chí, cơ quan báo chí phải hỗ trợ tài chính cho cơ quan chủ quản6. Nhiều cơ quan chủ quản chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ làm báo để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí khi sắp xếp, có thay đổi lãnh đạo cơ quan báo chí. 

- Nhận thức chính trị và trình độ nghiệp vụ của bộ phận người làm báo còn hạn chế, nhất là khối tạp chí thuộc các hội là tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI 

1. Kiên trì thực hiện Quy hoạch, tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Quy hoạch báo chí để đánh giá toàn diện kết quả hoạt động, những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm, các nhận thức mới, từ đó đề xuất các mục tiêu, giải pháp trong giai đoạn 2022 - 2025. 

2. Đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí 2016, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Báo chí cho phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, tương lai của truyền thông và kinh tế báo chí - truyền thông hiện nay, để bao quát được các xu thế truyền thông mới và các yêu cầu mới của công tác quản lý báo chí - truyền thông. 

3. Tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật và giấy phép hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển; rà soát cấp lại giấy phép hoạt động báo chí theo nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đặc biệt đối với các tạp chí trực thuộc các tổ chức hội để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên ngành. Tăng cường phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, thúc đẩy Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc giám sát, xử lý các vi phạm của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên. 

4. Phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó tập trung cho các cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, chủ lực địa phương, và các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội. 

Ban Thời sự