- Bản chất của game online thực chất cũng chỉ là một loại hình trò chơi giải trí, liệu có phải mọi tiêu cực đều từ đó mà ra? Hay trên thực tế, bất cứ thứ gì nếu bị lạm dụng cũng có thể trở thành tiêu cực?

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Cầm Thi

Câu hỏi trên của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trong Hội thảo về quản lý trò chơi trực tuyến sáng 3/7 dường như đã "gãi đúng chỗ ngứa" của các doanh nghiệp phát hành game nội. Đồng loạt từ VTC Online, VNG và FPT Telecom đều than thở về việc game online và ngành công nghiệp game đang bị xã hội nhìn nhận khá lệch khi chỉ toàn thấy mặt trái, tiêu cực. Bản thân giới truyền thông khi đưa tin về trò chơi trực tuyến cũng nghiêng theo cách nhìn này và vẽ nên những bức tranh theo các doanh nghiệp là "tăm tối", "u ám".

"Truyền thông đang "vùi dập" game!"

Nổ "phát súng" đầu tiên chính là FPT Online khi Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa kêu gọi báo chí cần thay đổi cách tiếp cận về game online. Đa số thông tin về trò chơi trực tuyến trên mặt báo hiện nay chủ yếu đi vào những vụ án giật gân để "câu view, câu hit", trong khi đó, những bài viết phân tích về tác dụng của game online như giúp người chơi giải trí, rèn luyện phản xạ hay truyền bá văn hóa, lịch sử... gần như vắng bóng. Và tất nhiên, những đóng góp tiềm năng của ngành công nghiệp game online cho nền kinh tế lại càng ít được nhắc đến.

Trăn trở và bức xúc không kém chính là ông Lê Hồng Minh, đại diện của VNG khi đưa ra một thí dụ mà ông cho là "điển hình" cho các nhìn nhận sai lệch về trò chơi trực tuyến của giới truyền thông trong nước. Trong vụ việc này, nhiều tờ báo đưa tin một sinh viên giết người chỉ để gia nhập hội game online và lập tức lên án trò chơi mà anh ta chơi đầy chất bạo lực. Thế nhưng trên thực tế, tựa game này chỉ là Travian, một game mà theo đánh giá của cộng đồng game là "hết sức đơn giản, vô hại". "Nhiều phóng viên chưa biết game đó ra sao đã vội quy kết", ông Minh tố.

Cũng bị "vạ lây" với game online chính là ngành công nghiệp phát triển game trong nước. Ông Vương Vũ Thắng, đại diện VCCorp chia sẻ rằng nếu ở các nước, phát triển game được coi là một ngành công nghệ cao, hái ra tiền, đòi hỏi sự sáng tạo của đội ngũ lập trình viên thì ở Việt Nam, ngành này lại bị thờ ơ và nhìn nhận như một ngành nghề "không tốt cho xã hội".

Trớ trêu hơn nữa, ông Phan Sào Nam, Chủ tịch VTC Online than thở rằng điều tiếng của game còn lan đến cả trung tâm đào tạo lập trình viên game là VTC Academy. "Nhiều bậc phụ huynh sau khi biết con mình đi học ngành phát triển game thì nhất quyết không đồng ý, chỉ vì lý do đọc trên báo thấy nói game không ra gì". Theo ông Nam, các cơ quan báo chí đang có góc nhìn cổ hủ, tiêu cực thái quá về những ảnh hưởng của game online.

"Cần công bằng hơn với game online"

Bản thân các ý kiến đại diện cho cơ quan quản lý cũng thừa nhận rằng, truyền thông và xã hội đã "ném đá" hơi quá tay đối với game trực tuyến. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH & Thông tin điện tử cũng khẳng định game online là một loại hình giải trí "hiện đại", có thể kích thích việc sử dụng và phổ biến của máy tính, Internet trong xã hội, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số. Chưa kể nhiều game còn có nội dung giáo dục, truyền bá văn hóa, lịch sử Việt Nam, cần được khuyến khích thay vì cấm đoán.

Mặc dù vậy, khi xã hội bức xúc về game thì cũng phải là không có cơ sở, Thứ trưởng Doãn khẳng định. Khá nhiều game đang lưu hành trên thị trường có những yếu tố kích động bạo lực, đồi trụy rõ ràng, khiến dư luận dậy sóng. Việc cơ quan quản lý phải tạm dừng cấp phép là một giải pháp tình thế cần thiết để xoa dịu dư luận, để xã hội "bình tâm" lại, dù nhất thời có thể gây khó cho doanh nghiệp.

Game, cũng như rất nhiều loại hình văn hóa phẩm khác, có tính 2 mặt. Việc xã hội nhận thức khác nhau về game, theo Thứ trưởng là điều dễ hiểu. Dù vậy thì đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn công bằng, đầy đủ, toàn diện hơn về trò chơi trực tuyến, và truyền thông cũng cần xem lại những mặt hạn chế của mình. "Báo chí cần tránh vùi dập game để ngành này có thể ngóc đầu lên được", Thứ trưởng hình tượng.

"Nhưng vì sao xã hội lại nhìn thiên lệch về ngành game? Tôi nghĩ chúng ta cũng phải tự trách mình vì đã chưa cho xã hội, báo chí thấy rõ những mặt tích cực của mình", ông phản biện. Nói cách khác, doanh nghiệp game online cũng phải làm tốt khâu truyền thông, phải trao đổi, đối thoại với báo chí, không né tránh khi nảy sinh sự vụ, khiến báo chí phải tự loay hoay tìm hiểu.

Không có chuyện mở cửa ào ào

Đồng tình với kiến nghị của các doanh nghiệp và cơ quan liên quan về việc sớm cấp phép trở lại cho trò chơi trực tuyến, song Thứ trưởng Doãn nhấn mạnh, việc này cần được tiến hành thận trọng, có lộ trình "đàng hoàng" chứ không thể làm ào ào.

"Không thể có chuyện từ 73 game đang lưu hành hôm nay chuyển thành mở cửa cho cả nghìn game vào ngày mai được".

Thứ trưởng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm rà soát tất cả các hồ sơ đăng ký game mới đã nộp lên Bộ và giải quyết nhanh chóng cho những game không vi phạm quy định, tập trung ưu tiên các game sạch, có tính văn hóa, giáo dục cao, không gây phản cảm trong xã hội. Tuy nhiên, liều lượng cấp mới nhiều ít ra sao thì cơ quan quản lý sẽ phải tính toán, điều tiết cho cân đối.

Bản thân các doanh nghiệp trước khi nhập game về VN cũng phải chủ động lựa chọn, loại trừ những sản phẩm có tính bạo lực, kích động hoặc có nội dung không phù hợp, tránh tình trạng nhập rồi, làm phiên bản Việt hóa để trình cơ quan quản lý rồi lại bị thổi còi, dẫn tới lãng phí không đáng có.

Đối với các game nội do doanh nghiệp trong nước tự phát triển, quan điểm của Bộ TT&TT là khuyến khích, thậm chí là có chính sách bảo hộ. Nhưng đồng thời, muốn hạn chế được doanh nghiệp nước ngoài, muốn thắng được trên sân nhà thì bản thân doanh nghiệp nội cũng phải mạnh, phải tương đương với "đối thủ" thì mới mong chiến đấu được. Các cơ quan quản lý sẽ tăng cường phối hợp để giảm khó cho doanh nghiệp, nhưng vẫn trên nguyên tắc giữ vững ổn định thị trường, xã hội, Thứ trưởng kết luận.

Trọng Cầm