Từ cuối tháng 4/2024 đến gần cuối tháng 5/2024, giá sầu riêng đột nhiên lao dốc, nhiều nhà vườn sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào trạng thái sợ cung vượt cầu.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết giá sầu riêng tại vườn đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá sầu riêng Monthong được thương lái thu mua khoảng 200.000 đồng/kg, nay chỉ còn từ 100.000-110.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 từ 160.000 đồng/kg nay còn 60.000-70.000 đồng/kg. Đáng lo ngại là tình trạng nhiều nông dân chuyển đổi cây lúa, mít, tiêu, cà phê… sang trồng cây sầu riêng, dẫn đến nguồn cung đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá giảm.
Theo thống kê từ Hải quan Trung Quốc, giá sầu riêng tại Trung Quốc cũng đang giảm mạnh, trong tháng 4 và tháng 5/2024, giá nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan là 5,80 USD/kg, tăng nhẹ so với mức trung bình chung là 5,38 USD/kg. Ngược lại, sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu với giá 4,22 USD/kg. Đồng thời, tổng lô hàng sầu riêng từ các quốc gia nhập vào Trung Quốc cũng giảm 35% về khối lượng trong giai đoạn này.
Các chuyên gia ngành hàng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đánh giá, người tiêu dùng lại ngày càng nâng cao tiêu chí lựa chọn với mặt hàng sầu riêng như: cuống dày, dáng tròn và gai ngắn, còn lại người tiêu dùng thị trường này không quan tâm sản phẩm đến từ quốc gia nào.
Thêm vào đó, Trung Quốc và các quốc gia càng ngày càng siết chặt việc truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm… đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung, ngành hàng sầu riêng nói riêng.
Bởi vậy, để trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, người nông dân cần những phân tích dự báo chính xác về diễn biến của thị trường. Mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có một số cơ quan làm nhiệm vụ thống kê phân tích số liệu, dự báo diễn biến thị trường nông sản; tuy vậy, vẫn chỉ là số liệu “câm”, chưa dự báo chính xác được diễn biến thị trường từng loại nông sản, khiến người nông dân lúng túng trong quyết định canh tác.
Thời gian vừa qua, với độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, báo chí đã kịp thời chuyển tải những thông tin mới nhất về diễn biến thị trường, số liệu xuất nhập khẩu nông sản, giúp nông dân nắm bắt để sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Thích nghi với xu hướng chuyển đổi số phục vụ nông nghiệp, báo chí và truyền thông cũng có thể xây dựng kho dữ liệu riêng về nông sản, cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) giúp nông dân phân tích nhanh và kịp thời những diễn biến thị trường, dự báo giá nông sản. Ứng dụng công nghệ phân tích và hệ thống dữ liệu lớn hỗ trợ người nông dân phân tích, quản lý các dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng, cây giống, con giống… Chuyển đổi số giúp nông dân thoát khỏi sự chèn ép của thương lái, kết nối trực tiếp người bán và người mua thông qua các kênh thương mại điện tử. Từ đó, người nông dân có kế hoạch sản xuất, phản ứng nhanh nhạy trước biến động thị trường, nhằm đạt được lợi nhuận tối đa và giảm thiểu rủi ro…