Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bán ra các gói trước đó có “phạm luật” không và người mua có bị “hớ” với các hợp đồng đã ký không?
Đó là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra khi nhận được thông tin từ Chính phủ về việc dừng bán gói bảo hiểm có tính “mùa vụ” này. Rất nhiều ý kiến cho rằng, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố về sự bùng phát đại dịch trên toàn cầu hôm 31-1 và Chính phủ đã sớm ban hành Quyết định công bố dịch “Bệnh truyễn nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu” (ngày 1-2), nay lại công bố dịch trên toàn quốc (ngày 1-4) thì việc doanh nghiệp bán bảo hiểm bán những sản phẩm đã được luật loại trừ, chỉ nhằm mục đích “đục nước béo cò”? Và rằng người mua những hợp đồng bảo hiểm này sẽ không được chi trả... Đang diễn ra cuộc tranh cãi rất lớn xung quanh vấn đề này.
Bảo hiểm Covid-19 xuất hiện ngay trong mùa dịch với nhiều tranh cãi. Ảnh:TTXVN |
Phải nói rằng, xét ở góc độ kinh doanh thì đây là sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp bảo hiểm khi thị trường phát sinh nhu cầu mà kinh doanh bảo hiểm là ngành kinh doanh rủi ro. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ muốn phát hành sản phẩm mới như nói trên phải được sự đồng ý của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Điều này giải thích cho chuyện, khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu hay Chính phủ công bố dịch toàn quốc thì việc phát hành sản phẩm mới như trên có phạm luật hay không. Câu trả lời là không phạm luật, nếu đã được Bộ Tài chính chấp thuận. Ngoại trừ các doanh nghiệp tự ý bán bảo hiểm Covid -19 mà không xin phép, dẫn đến chuyện cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường bán loại hình bảo hiểm này, gây nên những hệ lụy, ảnh hưởng tâm lý hoảng sợ trên diện rộng.
Tất nhiên, sự nhanh nhạy trong kinh doanh nằm ở phía doanh nghiệp. Còn giữa bên bán với bên mua được ràng buộc với nhau bằng hợp đồng. Nếu người mua không nắm bắt được nội dung hợp đồng, không hiểu biết tường tận thì mua riêng bảo hiểm Covid-19 cũng chỉ là mua sự yên tâm có mức độ và giới hạn. Vì trong kinh doanh, số tiền bỏ ra luôn tương xứng với kết quả nhận được. Khó có chuyện mức phí bỏ ra thấp, điều kiện thanh toán và chi trả lại quá dễ dàng.
Thứ nhất là với mức phí thấp, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng cho mỗi hợp đồng (theo tháng đến theo năm), mức chi trả trong điều kiện trợ cấp điều trị nằm viện từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và mức bồi thường cao nhất (nếu chết) từ 100 triệu đến 150 triệu/người (tùy từng trường hợp). Tuy nhiên, Covid 19 là bệnh nhóm A (nguy cơ tử vong cao và lây lan nhanh nhất) theo quy định của luật, nên nhà nước sẽ chữa trị miễn phí. Việc có thêm khoản bồi thường sẽ giúp bên mua có thêm phần hỗ trợ. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh được đền bù nếu tuân thủ đúng theo các quy định, hướng dẫn đảm bảo của Chính phủ về phòng dịch. Như vậy, không có nghĩa là người mua bảo hiểm mắc bệnh là bên công ty bảo hiểm buộc phải chi trả. Chưa kể đến các điều kiện về xét nghiệm, test Covid tại các cơ sở được Chính phủ chỉ định mới được xem xét các trường hợp có đền bù hay không.
Theo một thành viên của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các công ty bảo hiểm đều thực hiện tái bảo hiểm các hợp đồng nếu quy mô hợp đồng lớn. Và doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm Covid-19 chiếm rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm, loại trừ nhiều điều kiện thanh toán nên không có gì là quá sức với bên bán.
Tuy nhiên, giới chuyên môn trong lĩnh vực bảo hiểm cho biết: các khách hàng có kinh nghiệm mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe không cần quá quan tâm đến Hợp đồng bảo hiểm Covid-19 mang tính thời vụ. Đây là loại hợp đồng hầu như chỉ dành cho các khách hàng chưa hoặc ít mua bảo hiểm.
Lấy ví dụ, ngay từ đầu tháng 2, TCT bảo hiểm Bảo Việt đã thông báo cho các khách hàng mua một trong 13 loại bảo hiểm: An Gia, Tâm An, Intercare, bảo hiểm du lịch Flexi... đều được chi trả quyền lợi khi người được bảo hiểm bị nhiễm Covid-19. Nghĩa là không cần mua bổ sung. Các sản phẩm như Bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt (BVC) hay bảo hiểm Medical Care thường bán cho các khu công nghiệp... với mức phí thấp và theo điều kiện hợp đồng sẽ không được kèm bảo hiểm Covid-19. Các hợp đồng khác, như Vietnam Care, Aon Care, Marsh Golden Care (bán qua các tổ chức môi giới bảo hiểm lớn) sẽ chỉ được xem xét chi trả quyền lợi Covid-19 tùy theo quy định của từng hợp đồng .
Việc Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm Covid-19 không giới thiệu và không triển khai gói bảo hiểm này để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, gây nhầm lẫn và thậm chí “kích hoạt” tâm lý an toàn giả tạo không cần thiết cho đám đông.
(Theo TBKTSG Online)