- Trong khi những bệnh nhân cũ tiếp tục được BHYT chi trả 100% chi phí điều trị thuốc thì những bệnh nhân điều trị từ 1/1/2015 chỉ được hỗ trợ 30 - 50% chi phí.

1 loại thuốc, 2 chế độ

Ngay sau khi nhận được những phản hồi đầy hoang mang, lo lắng của người bệnh trước thông tin Luật BHYT sửa đổi giảm chi trả 28 loại thuốc đặc trị, Bộ Y tế ngay lập tức ra thông báo quỹ BHYT sẽ tiếp tục chi trả 100% chi phí cho những bệnh nhân ung thư đang sử dụng 4 thuốc ung thư (Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) trước thời điểm 1/1/2015 cho đến hết liệu trình điều trị.

Thông báo mới được phát đi vào những ngày cuối cùng của năm khiến hàng nghìn bệnh nhân ung thư đang dùng thuốc không giấu nổi vui mừng.

{keywords}
Bà L. cầm trên tay vỉ thuốc Tarceva có giá tới 1,4 triệu/năm. Do vẫn đang trong phác đồ điều trị trước 1/1/2015 nên bà L. tiếp tục được BHYT chi trả 100% chi phí - Ảnh: T.Hạnh

Có mặt tại Bệnh viện K lĩnh thuốc vào những ngày đầu năm, bà Trần Thị L. (60 tuổi, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bác bị ung thư phổi đã hơn 3 năm nay, hiện đã di căn sang xương, từng trải qua xạ trị, hóa trị nhưng đều không khả quan.

Gần 2 năm nay bà L. được bác sĩ chuyển phác đồ điều trị bằng thuốc Tarceva (hoạt chất chính là Erlotinib), thấy đáp ứng tốt, khỏe lên nhiều.

"Khi nghe tin BHYT dừng chi trả, tôi sốc lắm. Thuốc Tarceva có giá đến 1,4 triệu/viên, nếu giảm chi trả 50% thì chi phí điều trị một tháng lên tới gần 30 triệu đồng trong khi lương hưu tôi được có 3 triệu. Tôi đã từng nghĩ đến phương án ôm bệnh về nhà chờ chết. Giờ BHYT vẫn tiếp tục chi trả, chúng tôi mừng lắm", bà L. nói.

Cùng chung căn bệnh ung thư phổi quái ác, hơn 2 năm nay, ông Trần Đức Tuấn (70 tuổi, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cũng phải dùng thuốc Tarceva sau khi trải qua 35 lần xạ trị, 15 lần hóa trị nhưng không đáp ứng thuốc.

Không được may mắn như bà L., ông Tuấn, những bệnh nhân ung thư điều trị thuốc trúng đích từ mốc 1/1/2015 sẽ phải chi trả 50% chi phí.

Ngồi tần ngần trước khoa Xạ trị của bệnh viện K, ông Bùi Viết T. (52 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) không giấu nổi lo lắng trước chi phí quá lớn sắp tới nếu phải chuyển sang dùng thuốc.

Ông T. cho biết, từ khi mắc ung thư phế quản phổi trái, gia đình đã chạy vạy vay mượn gần 100 triệu đồng. Dù bệnh nặng nhưng để tiết kiệm, ngày ngày bác phải xin cơm từ thiện để ăn, kiếm chỗ trống trong hành lang bệnh viện để ngủ.

{keywords}
Ông T. lo lắng cho tương lai phía trước nếu phải chuyển sang điều trị thuốc. Ảnh: T.Hạnh

"Gia đình làm nông nghiệp, thu nhập không được bao nhiêu, nếu xạ trị không đáp ứng mà phải chuyển sang dùng thuốc thì chắc tôi chỉ có chết. Có bán nhà đi nữa cũng không đủ dùng thuốc 1 tháng", ông T. rầu rĩ nói.

Theo ông Trần Đức Tuấn, số người ung thư phải dùng thuốc không nhiều, họ đều là ung thư giai đoạn cuối, hết phác đồ rồi, chỉ còn thuốc để cứu cánh một chút. Nếu chỉ trước sau 1 ngày mà chế độ khác nhau thì không công bằng.

"Không phải vì mình được hưởng 100% mà mình mừng. Không ai mong muốn bị bệnh để được hưởng trợ cấp cả. Họ cũng đóng BHXH. Tôi tin, tất cả những người bị ung thư, không ai có khả năng đóng một tháng 20 triệu để mua thuốc. Người ta có tiền thì người ta đi Singapore. Nhà nước nên có quỹ nào đó, hô hào tài trợ của mọi người để giúp những bệnh nhân ung thư bảo toàn cuộc sống", ông Tuấn đề xuất.

Đã cân nhắc rất kỹ

Trước những lo lắng, băn khoăn của người bệnh về những thay đổi trong Luật BHYT sửa đổi, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế khẳng định việc giảm chi trả 4 loại thuốc ung thư không phải để giảm quyền lợi của bệnh nhân. Việc điều chỉnh đã được hội đồng chuyên môn cân nhắc rất kỹ.

Bà Hương dẫn chứng, ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng không chi trả 100% đối với 4 thuốc điều trị ung thư Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib và Sorafenib. Tại Trung Quốc, quốc gia có 95% dân số tham gia BHYT thì mức chi trả cũng chỉ là 30%.

"Trước đây, chỉ có 57 thuốc điều trị ung thư, giờ nâng lên thành 74. Danh mục thuốc này hoàn toàn đủ điều trị cho những căn bệnh ung thư. Việc đưa 4 loại thuốc giảm chi trả vào danh mục là để bệnh nhân lựa chọn theo khả năng", bà Hương cho hay.

 

{keywords}
Một số loại thuốc BHYT giảm chi trả trong danh mục thuốc điều trị ung thư

Theo bà Hương, khi làm chính sách bảo hiểm, phải cân nhắc rất kỹ giữa yếu tố chuyên môn, tài chính và vấn đề an sinh xã hội. Nếu muốn đáp ứng tất cả các nhu cầu, sẽ phải nâng mức đóng BHYT.

Là một thành viên trong hội đồng chuyên môn xây dựng danh mục thuốc BHYT, bác sĩ - PGS, TS. Trần Văn Thuấn, PGĐ Bệnh viện K cũng khẳng định, 4 thuốc trong danh mục giảm chi trả là những thuốc được chỉ định rất hạn chế, thận trọng và có thuốc thay thế.

"Trong hơn 2 năm với trên 20 lần họp bàn, hội đồng gồm 15 chuyên gia đã cân nhắc rất kỹ khi đưa ra danh mục thuốc, dựa trên 3 tiêu chí về quyền lợi của người bệnh, khả năng chi trả của quỹ BHYT và theo thông lệ quốc tế", bác sĩ Thuấn thông tin.

Bác sĩ Thuấn cho biết, về nguyên tắc điều trị ung thư, phải điều trị đa công thức bao gồm phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc. Việc dùng một, hai hay nhiều phương pháp phụ thuộc vào từng loại bệnh, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể.

Mỗi năm cả nước có khoảng 200.000 ca ung thư mới, trong đó 80% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện muộn khiến việc điều trị ung thư rất khó thành công.

Có bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, dùng Tarceva kéo dài được 6 năm, nhưng có bệnh nhân dùng hóa chất cũng kéo dài được 6- 7 năm.

"Không phải trường hợp nào cũng dùng được Tarceva. Vì ung thư phổi có 2 loại: Tế bào nhỏ (chiếm 20%) dùng thuốc hóa chất và xạ trị là chính. Thuốc Tarceva chỉ được điều trị trong trường hợp ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn muộn, có gen dương tính và đã thất bại với các phương pháp khác, nên chỉ dùng cho một số ít trường hợp", bác sĩ Thuấn dẫn chứng.

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, bác sĩ Thuấn cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với một số nhà hảo tâm, công ty gây quỹ hỗ trợ người bệnh đồng thời thuyết phục nhà cung cấp giảm giá thành sản phẩm.

Thúy Hạnh