Đài RFI dẫn tờ Libération của Pháp hôm 29/12 đã lật lại hồ sơ tin tặc tấn công hãng phim Sony Pictures (Mỹ) với dòng tít đặt câu hỏi: "Tin tặc - Lỗi thuộc về ai?"
Theo tờ báo này, nếu Triều Tiên nhanh chóng bị tố cáo là đã thiết kế, dàn dựng cuộc tấn công vào Sony Pictures, thì nhiều tiếng nói khác trái chiều cũng đã vang lên và đây là một tấm màn bí mật sẽ không bao giờ được vén lên.
Theo Libération, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định là có đầy đủ thông tin để quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng về vụ tấn công vào Sony Pictures, nhưng điều này đã không thuyết phục được nhiều người.
Tờ báo Pháp trích trang web Gawker của Mỹ nói một cách mỉa mai: "Những người thông minh nghĩ là Triều Tiên không tấn công Sony," trong khi có nhiều người cho rằng không nên vội vã kết luận.
Trong số những người hoài nghi có nhà báo Kim Zetter, giáo sư Goldsmith ở đại học Harvard, hay Bruce Schneider, người đã chứng thực một phần tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) mà Edward Snowden đã tiết lộ.
Họ hoài nghi không phải chỉ là vì quy trách nhiệm cho Triều Tiên một cách quá dễ dàng, mà còn là vì đã từng có những thông báo được đưa ra chính thức, nhưng không bao giờ kiểm chứng được như vụ "vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq."
Libération trích lời Marc Rogers, kỹ sư về an ninh mạng thuộc hãng CloudFlare, cho biết: "Quy trách nhiệm một cuộc tấn công không khác gì lột một củ hành: Phải tìm những gì ẩn khuất ở phía sau những dữ liệu điều tra."
Đối với chuyên gia này thì các dữ liệu mà FBI đưa ra, như địa chỉ IP giống nhau, sự tương đồng giữa phần mềm sử dụng tấn công Sony và những yếu tố tìm thấy trong vụ tấn công vào tập đoàn dầu hỏa Aramco của Saudi Aribia năm 2012, và vụ tấn công vào các ngân hàng và truyền hình Hàn Quốc năm 2013 - mà Bình Nhưỡng là nghi phạm số một - các yếu tố đó chưa đủ để kết luận thủ phạm là Triều Tiên.
Theo Vietnam+