- Dự báo đêm 16/9, rạng sáng 17/9 bão số 3 sẽ đổ bộ Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 11-12. Với bán kính rộng hơn 350km, hoàn lưu bão khiến toàn miền Bắc mưa lớn, miền núi cần chuẩn bị ứng phó lũ quét, sạt lở đất.

Chiều 15/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với 26 tỉnh thành thuộc vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa cùng đại diện các Bộ ban ngành để bàn cách ứng phó với bão số 3 sắp đổ bộ vào Việt Nam.

Bão mạnh, đi nhanh, đổ bộ đêm 16, rạng sáng 17/9

Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ – ông Hoàng Đức Cường - cho biết lúc 17g chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ vĩ Bắc, 115 độ kinh đông, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 12, đầu cấp 13, giật mạnh gần vùng tâm cấp 15, 16.

“Đây là cơn bão mạnh, mạnh lên rất nhanh, trong vòng từ 24-36 tiếng đã mạnh từ cấp 8 tới cấp 13. Bão di chuyển nhanh nhiều lúc trên 30km/h. Một cơn bão có cường độ mạnh, tốc độ nhanh như vậy là hiếm có” – Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ nhận định. 

{keywords}

Lúc 16h chiều 15/9, tâm bão bão số 3 còn cách Hoàng Sa 380km về phía Đông Bắc, bão đang mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, 15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng bán kính gió mạnh lớn hơn cấp 6 là khoảng hơn 350km. Hướng di chuyển của bão hiện vẫn là Tây Tây Bắc và tiếp tục giữ hướng này cho tới khi đổ bộ.

Sau khi đi qua giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) với cường độ mạnh nhất (cấp 13, 14), bão số 3 suy yếu 1-2 cấp trước đi vào Vịnh Bắc Bộ.

“Dự báo nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ Quảng Ninh – Hải Phòng, khi đổ bộ mạnh cấp 11-12. Về thời gian đổ bộ, dự báo nếu sớm thì bão sẽ đổ bộ khoảng 9-10h đêm 16/9, muộn hơn bão sẽ đổ bộ 4-5h sáng 17/9. Khi đi vào đất liền vẫn còn cấp bão, khi đi vào giữa biên giới Việt – Trung sẽ giảm xuống còn áp thấp nhiệt đới”, ông Cường thông tin.

Với cường độ và khu vực đổ bộ như trên, vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng có gió cấp 11,12, giật cấp 13, 14, có nơi giật cấp 15. Khu vực xa hơn như Nam Định, Thái Bình gió bão cấp 8, cấp 9. Ở Hà Nội có khả năng gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Thời điểm đổ bộ dự báo ở trên trùng với thời điểm triều cường thấp nhất trong ngày, trong năm nên không quá lo về nước dâng cũng như ngập úng ở khu vực ven biển.

Mưa lớn, cảnh báo sạt lở, lũ quét

Về mưa, ông Cường cho biết chủ yếu xảy ra ở Bắc Bộ, có thể kéo dài tới Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa trở ra), nhiều nơi mưa rất to, lượng mưa trung bình 100-200mm, khu vực trọng tâm mưa là khu vực Đông Bắc, các tỉnh vùng núi phía Bắc từ Lạng Sơn tới Tuyên Quang có tổng lượng mưa từ 250 - 300mm, có nơi trên 400mm; ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 70 – 150mm, có nơi trên 200mm.

Bắt đầu từ chiều mai mưa xuất hiện ở ven biển các tỉnh đông bắc Quảng Ninh – Hải Phòng rồi lan ra Bắc Bộ. Mưa lớn nhưng dứt nhanh. Vùng trung du Bắc Bộ mưa từ đêm mai và sáng 17/9, vùng Tây Bắc mưa từ trưa 17/9 tới 18/9.

Tuy không mưa cấp tập như các nơi khác nhưng vấn đề lo nhất là sạt lở đất, lũ quét ở miền núi phía Bắc (hầu hết từ đông bắc Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên).

Mưa do bão số 3 sẽ gây một đợt lũ vừa, lớn trên sông suối phía Bắc. Sông Thao tại Yên Bái có thể có lũ trên BĐ 3 trên 0,5m, tại Thái Bình có lũ trên BĐ2, còn lại trên BĐ1.

Các điểm cụ thể có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và trượt lở đất

Quảng Ninh: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu; Lạng Sơn: Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình; Tuyên Quang: Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa; Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Mường Lay, Mường Tè, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Bắc Yên, Mộc Châu, Yên Châu (tỉnh Sơn La); Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).

Ngoài ra, cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Công tác chuẩn bị ứng phó phải xong trước 17h chiều mai (16/9)

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đây là cơn bão mạnh, phức tạp, di chuyển nhanh, không chủ quan được và công tác chuẩn bị phải rất khẩn trương, nếu không sẽ không kịp.

“Dự báo trưa mai bão đã ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ, chiều mai bắt đầu ảnh hưởng đến ven bờ, đêm mai hoặc rạng sáng ngày 17/9 là vùng tâm bão đã cập bờ. Bán kính bão tới 350km, diện ảnh hưởng rất rộng nên từ chuyện ảnh hưởng đến ven bờ và cập bờ không khác nhau nhiều. Mọi biện pháp chuẩn bị ứng phó phải hoàn thành muộn nhất lúc 17 giờ chiều mai, 16/9” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Toàn bộ tàu bè trên biển phải về nơi trú tránh an toàn trước 17 giờ chiều 16/9. Các địa phương cần di dân sớm, chủ động cho học sinh nghỉ, dừng các cuộc họp chưa cần thiết và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ sẽ cử các đoàn đi địa phương kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão.

“Bão chạy dọc biên giới, vấn đề chia cắt giao thông lúc nào cũng đặt ra, Bộ Giao thông cần bố trí lực lượng lên nơi dễ chia cắt để nếu có sạt lở thì còn xử lý kịp thời. Cần cung cấp thông tin kiến thức cho người dân để có kỹ năng cần thiết tránh được những tai nạn đáng tiếc như trong các cơn bão vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.

Địa phương chuẩn bị phòng chống

Tỉnh Hà Giang còn 302 hộ nằm trong nguy cơ sạt lở. Tỉnh Lào Cai còn 198 hộ đang phải sống ở những nơi cực kì nguy hiểm. 198 hộ này đã được cảnh báo, đốc thúc để sơ tán vào nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết các hồ chứa có dung tích lớn trước khi xả phải có báo cáo với tỉnh để giám sát, nếu xả lũ như trong bão số 2 vừa qua thì rất nguy hiểm. 

{keywords}

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 15/9 với 26 tỉnh, thành và các Bộ, ngành để bàn cách ứng phó với bão số 3

Đáng chú ý là một số huyện của Lào Cai vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của bão số 2 vì mức độ tàn phá lớn (huyện Bảo Yên, Bát Xát).

Các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, … đều đã chuẩn bị phương án để phòng chống.

Quảng Ninh còn 25 tàu đánh bắt xa bờ chưa về nơi an toàn, trong đêm nay phải liên lạc để kêu gọi vào nơi tránh trú, muộn nhất 12h trưa mai phải xong. Chậm nhất 19h tối 16/9 các lồng bè nuôi trồng thủy sản phải chằng chống xong, không còn người trên lồng bè, sơ tán dân phải xong muộn nhất lúc 19h ngày 16/9.

Sẽ có 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão các khu vực ở Quảng Ninh, Hải Phòng cũng có 5 đoàn, Yên Bái có 9 đoàn.

Cẩm Quyên